Quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển con người của Việt Nam
Báo cáo hạnh phúc thế giới 2023 xếp Việt Nam ở vị trí thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về chỉ số hạnh phúc, với GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt hơn 4 nghìn 160 USD/người và tuổi thọ trung bình của người dân là trên 73, cao hơn mức trung bình khu vực. Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, từng là quốc gia bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam nay đã thành công trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và đạt mức tăng trưởng kinh tế - xã hội đáng ghi nhận trong lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm, tiến bộ công nghệ…
“Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao, đồng thời có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước hơn nữa. Điều này là rất quan trọng đối với Việt Nam”, bà Naomi Kitahara cho biết.
Nhờ những thành công lớn trong công tác kế hoạch hoá gia đình, tỷ suất sinh tại Việt Nam đã giảm từ 6,4 con/phụ nữ xuống 2,09 vào năm 2006 và tiếp tục được duy trì đến nay. Việt Nam cũng nằm trong số 6 quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ thứ 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Giám đốc quốc gia của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) Herve Conan đánh giá: “Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho sự tham gia của phụ nữ vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quyền bình đẳng giữa nam và nữ đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013, được cụ thể hóa trong nhiều quy định pháp luật và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030. Cùng với đó, Việt Nam cũng cho thấy vai trò rất tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu khi là một trong những nước đầu tiên thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ cách đây hơn 40 năm và sau đó là Tuyên bố Bắc Kinh năm 1995”.
Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, không giống như hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, và các nhóm, cá nhân dễ bị tổn thương đã có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược tiến độ phát triển con người.
“Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong cải thiện cuộc sống người dân và nâng cao chất lượng y tế trong những thập kỷ gần đây. Tuổi thọ trung bình đã tăng 15 năm, với sự suy giảm đáng kể của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Các bạn đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, đưa đất nước tiến xa hơn trên mục tiêu hướng tới lộ trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Gần đây hơn, Việt Nam đã có những biện pháp mạnh mẽ nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, bao gồm việc tiêm chủng vắc-xin nhanh chóng và toàn diện để tiếp cận những nhóm dân số dễ bị tổn thương, ông Tedros nói.
Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ phát triển con người ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất, buộc nhiều người di dời nhà cửa và mất kế sinh nhiên. Tuy nhiên, các chuyên gia đều tin rằng, Việt Nam có đủ khả năng để quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng phân tầng.
Theo VOV
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới