Hợp tác để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vì người nghèo
Tham dự hội thảo có ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT); đại diện lãnh đạo của tổ chức IFAD; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; đặc biệt là sự tham dự của 11 tỉnh được IFAD tài trợ - đây là những tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo cao ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Trà Vinh…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Đức Thịnh đánh giá cao những đóng góp của IFAD trong 30 năm qua, sự hợp tác giữa hai bên đã đạt được nhiều kết quả phát triển kinh tế ấn tượng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ở các vùng nông thôn. Với sự hỗ trợ của IFAD, nhiều tỉnh đã có sự cải thiện đáng kể về năng suất nông nghiệp và giảm nghèo, từ đó cũng đã tạo điều kiện cho việc trao quyền mạnh mẽ hơn cộng đồng nông thôn.
Dự án của IFAD đã đồng hành với sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là xây dựng các thể chế, chính sách phát triển hợp tác liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp như Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác; Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và gần đây nhất IFAD hỗ trợ để Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Có thể nói những đóng góp, hỗ trợ của IFAD đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ, qua đó nâng cao năng suất nông nghiệp, củng cố các chuỗi giá trị, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, khó khăn. Sự hỗ trợ hiệu quả của IFAD những năm qua đã góp phần thúc đẩy những thay đổi tích cực, tạo ra các cơ hội để nâng cao phúc lợi cho người dân nông thôn, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế ở nông thôn.
Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các tỉnh trong việc xây dựng, hỗ trợ nông dân hình thành các nhóm cùng sở thích, tổ hợp tác, HTX, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Đại diện chương trình quốc gia IFAD ở Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của IFAD trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hướng đến người nghèo thì cần phải có các bước tiếp cận chuỗi giá trị, cụ thể như: Thứ nhất: Nghiên cứu chuỗi giá trị cho kế hoạch đầu tư chiến lược cấp tỉnh trong đó chú trọng đến việc đào tạo cho cán bộ địa phương qua chương trình xây dựng lãnh đạo và tiến hành nghiên cứu về các chuỗi giá trị được ưu tiên, tư vấn về các thực hành sinh kế nông nghiệp và phi nông nghiệp hiện có và UBND tỉnh ban hành quyết định về việc công bố các Kế hoạch Đầu tư Chiến lược (SIPs); Thứ hai, xây dựng kế hoạch hành động chuỗi giá trị thông minh về khí hậu tại cấp huyện, cần xem xét các chuỗi giá trị tại huyện có tiềm năng chống chịu biến đổi khí hậu; Thứ 3 là lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại cấp xã; Thứ tư là xây dựng đối tác Công - Tư - Nhà sản xuất (4P).
Là một trong các tỉnh có dự án của IFAD tài trợ trong nhiều năm qua và có những kết quả đáng khích lệ, đại diện lãnh đạo của Hà Giang chia sẻ: IFAD đã hỗ trợ triển khai 3 dự án tại Hà Giang từ năm 1998 đến 2020, với tổng đầu tư là 45,82 triệu USD. Đến nay, việc phát triển chuỗi giá trị theo Chương trình mục tiêu quốc gia đã có 78 dự án/kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị được đề nghị thẩm định của 78 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia làm chủ trì liên kết, trong đó có 19 công ty và 59 hợp tác xã với các lĩnh vực liên kết (trồng trọt 34 dự án/kế hoạch, lâm nghiệp 14 dự án/kế hoạch, chăn nuôi 26 dự án/kế hoạch, thủy sản 04 dự án/kế hoạch); Có 1.250 tổ hợp tác nông nghiệp và 482 hợp tác xã nông nghiệp, vốn điều lệ trên 299.777,0 tỷ đồng (HTX). Với 58 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản hàng hóa đầu ra, trong đó, 75 HTX có sản phẩm OCOP…
Có được những kết quả đó là nhờ sự hỗ trợ của IFAD trong những năm qua, trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo của tỉnh Hà Giang cũng đề xuất: Cần trú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương thông qua các khoá đào tạo bồi dưỡng và trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện; Các kế hoạch nâng cấp chuỗi giá trị cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương; Ban hành các chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị chuỗi giá trị tiềm năng của địa phương; Lựa chọn sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và canh tác của người dân.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy – Giám đốc điều phối Dự án Hỗ trợ Nông dân Nhỏ lẻ Thương mại (CSSP) Cao Bằng chia sẻ, cho đến nay, kết quả hoạt động của các nhóm đồng sở thích cho nông dân (CIGs), tổ hợp tác tương đối hiệu quả. Việc liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp/hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt đối với các hộ nông dân – bộ phận yếu thế trong sản xuất nông nghiệp ở vùng sâu vùng khó khăn. Nhiều sản phẩm nông sản được xuất khẩu với số lượng lớn… đem lại giá trị kinh tế ca góp phần vào xu hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp bền vững, của sự liên kết chuỗi sản xuất đến tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như mối liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp thiếu chặt chẽ, doanh nghiệp chậm thu mua, có biểu hiện ép giá mua thấp hơn giá thị trường; chưa có sự vào cuộc thực sự cũng như chưa nắm được các đầu mối doanh nghiệp liên kết của các tổ chức địa phương... Vì vậy, bà Thúy đề nghị các bộ, ngành Trung ương rà soát các chính sách hỗ trợ liên kết về đối tượng hưởng lợi rộng hơn như chương trình MTQG vùng đồng bào Dân tộc chỉ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo... Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc thực hiện lồng ghép các nguồn lực để thực hiện giữa các chương trình để phát triển các chuỗi gia trị tại địa phương.
Kết thúc hội thảo, ông Lê Đức Thịnh cũng cho rằng, từ khi ban hành Nghị định 58, đã có rất nhiều tỉnh triển khai, thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như nhiều địa phương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai hoặc không tham mưu để HĐND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách trên địa bàn; hạn chế về kinh phí hỗ trợ liên kết (lồng ghép nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu trong các chương trình MTQG, đặc biệt là khó khăn trong việc tìm kiếm tư vấn hỗ trợ phát triển liên kết.... Trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ nông dân tốt hơn nữa Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đề xuất để hoàn thiện Nghị định 58 cho phù hợp với thực tiễn, có lợi cho nông dân như: Khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết gắn với xây dựng vùng NL tập trung; Lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi giá trị từ 03 Chương trình MTQG và các nguồn vốn hợp pháp khác; Thúc đẩy tín dụng theo chuỗi liên kết, gắn với bảo hiểm nông nghiệp; Gắn trách nhiệm của chính quyền, dịch vụ công trong hỗ trợ, thúc đẩy liên kết; tư vấn phát triển liên kết; Khuyến khích các tổ chức nông dân (HTX, THT) tham gia và làm chủ chuỗi liên kết: áp dụng GAP; mã vùng trồng, vùng nuôi; TXNG; nhật ký điện tử...
Ông Lê Đức Thịnh cũng bày tỏ mong muốn, trong những năm tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục được cộng tác cùng IFAD nỗ lực chung trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới