Góc nhìn

Tổ chức cộng đồng - đột phá đổi mới thể chế

TS. Đặng Kim Sơn. - 07:09 05/01/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tổ chức cộng đồng là giải pháp quan trọng trong đột phá thể chế, đồng thời cũng là con đường để thực hiện định hướng XHCN. Nguyên nhân chính là do các tổ chức cộng đồng như hiệp hội các doanh nghiệp, hợp tác xã của kinh tế hộ, nông dân nhỏ chính là tế bào để xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp.

Gắn bó hữu cơ giữa thị trường, nhà nước và cộng đồng 
Thế kỷ 18, nhà kinh tế Adam Smith đề cao “Bàn tay vô hình” của thị trường. Trong đó, nỗ lực tối đa hóa lợi nhuận của các cá nhân vô tình đem lại lợi ích cho cả cộng đồng và thúc đẩy phát triển (1). Thị trường tự do cạnh tranh tạo phát triển kinh tế tư bản mạnh mẽ suốt thế kỷ 19. Sang thế kỷ 20, thị trường tự do dẫn tới đầu cơ tài chính và các chu kỳ khủng hoảng kinh tế. Sau “Đại khủng hoảng kinh tế” thế giới 1929-1933, nhà kinh tế Maynard Keynes giới thiệu “Bàn tay hữu hình của nhà nước” điều tiết kinh tế vĩ mô để bù đắp cho kinh tế thị trường không tự động đạt tới điểm cân bằng (2). Lý thuyết này được áp dụng chống khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp. Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, các nhà kinh tế như Hilton Root, Douglass North dưới lăng kính thể chế, đề cao “bàn tay bán vô hình” của cơ chế cộng đồng, nhằm chia sẻ những giá trị xã hội bổ sung cho lợi ích kinh tế. Dưới góc độ “cơ chế”, theo nghĩa là động lực và “luật chơi”, “Ba bàn tay” vận hành kinh tế, xã hội bằng lợi ích vật chất, mệnh lệnh hành chính và niềm tin tình cảm(3). 

TS. Đặng Kim Sơn.

Từ khía cạnh tổ chức, C.Mác coi nhà nước và thiết chế thị trường là những phạm trù lịch sử trong giai đoạn xã hội phân chia giai cấp, trong khi cộng đồng là tổ chức vĩnh cửu. Mác viết: “Lúc đầu, cá nhân tự nhiên là một phần của gia đình và bộ lạc tiến hóa từ gia đình; sau này họ là một phần của cộng đồng, thuộc những dạng khác nhau phát sinh từ xung đột và sự hợp nhất các bộ lạc. Mãi đến thế kỷ thứ 18, trong xã hội tư sản, các hình thức kết cấu xã hội khác mới đối đầu với cá nhân như một phương tiện hướng tới những mục đích riêng từ nhu cầu bên ngoài” (4). Nhìn về tương lai, ông coi chủ nghĩa cộng sản là sự tái xuất hiện cộng đồng trên hình thức cao hơn ở quy mô toàn cầu, thay thế thị trường và nhà nước: “chế độ mới mà xã hội hiện đại đang đi tới sẽ là sự phục sinh dưới hình thức hoàn thiện nhất (in a superior form) của một xã hội kiểu xưa”(5). 
Cộng đồng nông thôn Việt Nam 
Cộng đồng là tập thể xã hội đặc trưng bởi không gian địa lý, các tương tác trực tiếp, liên kết nhau bằng tình cảm, giá trị đồng nhất và chuẩn mực ràng buộc chung(6). Cộng đồng nông thôn sống và làm việc gắn với địa bàn làng, thôn, bản, phum, ấp…, những đơn vị dân cư đủ nhỏ để mọi người biết rõ và quan hệ chặt với nhau và đủ lớn để nhận diện khác biệt xã hội. Cộng đồng này thường sống chung nhiều thế hệ, ràng buộc bởi các mối quan hệ thân tộc, tập quán, tôn giáo; cùng chia sẻ công trình công cộng như đường xá, đình chùa, nghĩa trang, bến nước; dùng chung tài nguyên như khu rừng, đoạn sông, hồ nước,… Ngoài cộng đồng địa bàn, còn có thể chia ra các nhóm cộng đồng theo đặc điểm như hoàn cảnh kinh tế, huyết thống, giới tính, sở thích, mục đích... Ví dụ, cùng dân tộc, cùng tôn giáo, người nghèo, cựu chiến binh, người cao tuổi, người làm vườn... 

Các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương thu hoạch cà rốt. Ảnh Vũ Sinh

Xã hội nông nghiệp, quan hệ lâu dài, xử sự theo dòng giống, thứ bậc, uy tín, lịch sử gia đình, liên hệ đan xen thế hệ “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, người ta biết rõ sức khỏe, khả năng sinh nở, tài nguyên sản xuất, kinh nghiệm tay nghề, lưng vốn kinh tế,… của đối tượng quan hệ (dựng vợ, gả chồng, thuê mướn lao động, cho vay vốn, theo học nghề, bầu chọn chức sắc). Nhờ đó, quan hệ giao dịch bên trong trở nên ít rủi ro, chi phí thấp, được ưu tiên hơn với bên ngoài. Buôn bán tại chỗ và với địa phương lân cận, nắm rõ thông tin nhau “buôn có bạn, bán có phường”, nên dễ ràng buộc, thưởng phạt “ông giơ chân giò, bà thò nậm rượu”. Lời khen, tiếng chê xóm làng là phần thưởng, là hình phạt tinh thần là điều kiện sinh sống cho cá nhân, là bảo đảm an ninh gia đình, “sơn ăn từng mặt, ma bắt từng người”. Gìn giữ quan hệ trở nên ưu tiên hàng đầu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Với kết cấu tổ chức đặc biệt và các ưu điểm vượt trội như cần cù, tự lực, tôn sư trọng đạo, đề cao học vấn, kính trọng tuổi tác, gắn bó gia đình, đoàn kết xóm giềng, chấp hành hương ước,… suốt hàng ngàn năm đã giúp mở mang bờ cõi dân tộc, phát triển sản xuất, phòng chống thiên tai, bảo vệ Tổ quốc. Nền kinh tế nông nghiệp từ cung cấp đủ lương thực thực phẩm đã vươn lên xuất khẩu nông sản mạnh. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 48 tỷ đô la Mỹ. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước giai đoạn 2016-2020 giảm từ 10% xuống còn 5%, riêng nông thôn giảm 12,7% xuống 5.6%. Thu nhập 2010-2020 tăng gấp 3 lần. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 8.9% lên 17,8%. Cộng đồng nông thôn thực sự là đơn vị tổ chức căn bản để tích lũy kinh tế và chuyển đổi xã hội đưa đất nước lên các bước phát triển cao hơn. 
Bên cạnh mặt mạnh, đặc điểm nhỏ hẹp, chậm thay đổi, cố kết chật hẹp của cộng đồng nông thôn cũng đem lại những điểm yếu cố hữu của tổ chức cộng đồng: Tình trạng phe cánh, bè phái trong cơ quan; lựa chọn con người không theo năng lực mà theo tiêu chí họ hàng trong tổ chức theo kiểu “một giọt máu đào hơn ao nước lã”; thói quen đề cao quyền lợi phe nhóm dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm “ăn cây nào, rào cây ấy”; đề cao quy định nội bộ vượt trên pháp luật như “phép vua thua lệ làng” dẫn đến tình trạng cát cứ, vô chính phủ. Ngoài ra là các thói xấu khác như việc chạy theo bằng cấp, học vị; đề cao hình thức, phô trương “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”, thái độ xuôi chiều “mẹ hát, con khen”, tư duy giáo điều, bó cứng … cũng ảnh hưởng đến tập quán, tác phong của cư dân, trong quản lý. 
Tổ chức cộng đồng nông thôn cổ truyền 
Làng xã là đơn vị sản xuất và cư trú của cư dân nông nghiệp hàng trăm, hàng nghìn năm. Trong chế độ phong kiến, vua sở hữu đất đai toàn quốc, trị vì toàn bộ thần dân nhưng ở làng xã, địa chủ hào tộc có mức độ tự trị nhất định. Đơn vị này có quyền thu thuế, giữ an ninh, cung cấp lao dịch và thi hành các luật tục địa phương. Tại các vùng biên ải, quyền lực của hào tộc địa phương thậm chí còn mang tính cát cứ ở châu quận và tham gia bảo vệ lãnh thổ. Dịch vụ dân sinh chính yếu như học hành, chữa bệnh, sinh đẻ, ma chay, an ninh cũng cung cấp chủ yếu tại cộng đồng. Từ sau thời kỳ Bắc thuộc, nhà nước phát triển, năm 907 Khúc Hạo phân thứ bậc hành chính từ xã trở lên (xã lúc đó có thể trùng với làng hoặc vài làng). Sau đó các đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Trần, nhà Hồ, Hậu Lê, nhà Nguyễn đều như vậy. Trừ đời Lý, tên thôn, bản mới xuất hiện trên danh bạ hành chính.
Quan viên làng xã miền Bắc và miền Trung có ba nhóm: Kì mục, kì lão và kì dịch. Hội đồng “kỳ mục” là bộ phận chức sắc chỉ đạo bao gồm quan chức, sỹ tử, con quan,  bàn bạc và quyết định mọi công việc. Nhóm “kì lão” cao tuổi là tư vấn. Nhóm “kì dịch” thi hành công việc Hội đồng kì mục giao. Tổ chức này mang đậm tính chất cộng đồng: “Tiên chỉ” đứng đầu hội đồng kỳ mục phải có phẩm tước, danh vọng và tuổi tác cao nhất, sinh trưởng tại làng. “Trọng khoa hơn hoạn”, học vị được đề cao hơn quan chức. “Nhân tước”, tôn trọng tuổi tác, vua Tự Đức ban lệ: “Phẩm trật đồng hàng ai hơn tuổi ngồi trên”(7). Đứng đầu nhóm lý dịch là lý trưởng, đại diện làng giao dịch với chính quyền, do kỳ mục và kỳ lão cử ra và nhân dân bầu để huyện quyết định và cấp dấu. Người này cũng phải giàu, có danh vọng và là người bản địa.
Làng xã tự đảm nhiệm chi phí hoạt động. Bởi vậy, làng phải có đất. Trần Đình Hượu nhận xét: “ở Việt Nam cho đến năm 1945 ta còn rất nhiều công điền. Công điền là gì? Công điền là di tích của công xã, nó là của công xã mà sau đó được nhà nước hoá”(8). Lúc đó, 1/5 tổng diện tích ruộng cả nước là công điền (490.000 ha trên 2.500.000ha)(9). Thực thể cộng đồng làng xã nắm giữ tư liệu sản xuất và nắm giữ quyền lực. Một số thời kỳ, chính quyền trung ương đã cắt cử quan xã (đời Trần thế kỷ 13, đời Lê thế kỷ 14, thời Pháp thuộc) rồi cũng phải trả về cho dân địa phương cử. Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer viết: “Theo cách tổ chức này thì mỗi làng xã sẽ là một nước cộng hòa nhỏ, độc lập trong giới hạn những quyền lợi địa phương. Đó là một tập thể được tổ chức rất chặt chẽ, rất có kỉ luật, và rất có trách nhiệm(10)”. 
Cộng đồng nông thôn thay đổi
Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc viết sách Đường Kách Mệnh kể chuyện thợ dệt nông thôn Anh lập cộng đồng ngành nghề năm 1761 và trích dẫn tuyên ngôn hợp tác xã Anh: “Cốt làm cho những người vô sản giai cấp hoá ra anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây”(11). Năm 1945, lần đầu một tổ chức đại diện cộng đồng làng xã có tư cách pháp nhân được thành lập ở làng quê theo Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch là “Hội đồng nhân dân xã” gồm 15-25 đại diện do dân trực tiếp bầu và có quyền giải tán. Hội đồng họp công khai hàng tháng “có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề” không trái với chỉ thị trên, nội dung cần huyện, tỉnh chuẩn y là thuê, mướn, mua, bán bất động sản, đóng góp, vay mượn, đầu tư, định thuế (12). 
Sắc lệnh trên đã thay thế bộ máy quan viên làng xã miền Bắc và miền Trung của chế độ phong kiến thành tổ chức quản lý dân chủ của cộng đồng nhân dân ở cơ sở. Nhờ đó, làng xã Việt Nam đã đóng góp hiệu quả trong quá trình chống đói, chống dốt, tham gia Tổng tuyển cử xây dựng chính quyền mới và tiến hành kháng chiến, kiến quốc. Từ 1946, chiến tranh phá hoại, các đảo lộn trên địa bàn quân Pháp kiểm soát suốt 9 năm kháng chiến cùng với các tác động bất lợi của chiến dịch chỉnh đốn tổ chức đầu hòa bình năm 1953 – 1956 đã tạo ra nhiều đảo lộn chuyển cơ chế quản lý bán chủ động ở địa bàn cơ sở nông thôn miền Bắc sang theo hệ thống hành chính. Cuộc di cư đồng bào công giáo từ miền Bắc vào Nam và tập kết cán bộ miền Nam ra Bắc, đưa dân đi xây dựng kinh tế mới, tiếp đến là cuộc vận động Hợp tác xã thập kỷ 1960 đưa cấp xã thành đơn vị kinh tế làm thay đổi mạnh kết cấu cộng đồng nông thôn. 

Người dân thôn Nà Vài, xã Thổ Bình (Lâm Bình, Tuyên Quang) biểu quyết bầu cử Trưởng thôn, nhiệm kỳ 2022 - 2025. Ảnh minh hoạ: Xuân Cường
Ở miền Nam từ năm 1945 cho đến năm 1975, cuộc chiến tranh ác liệt kèm theo làn sóng di tản từ nông thôn ra đô thị, các chính sách dồn dân, xây dựng dinh điền cũng tạo ra những biến động và xáo trộn to lớn cả với cộng đồng dân cư và hệ thống quản lý nông thôn. Sau ngày thống nhất đất nước, các cộng đồng dân cư tiếp tục chịu đựng những xáo trộn khi di tản, đưa dân đi kinh tế mới, hợp tác hóa, tiến hành tập thể hóa và công hữu hóa đất đai. Vai trò của các tổ chức cộng đồng thay bằng cơ quan hành chính và đoàn thể chính trị. Các hoạt động văn hóa truyền thống đình trệ, không gian làng quê thay đổi.
Từ Đổi mới giữa thập kỷ 1980, bên cạnh cơ chế và tổ chức nhà nước, thị trường ngày càng phát huy tác dụng: Lao động nông thôn di cư ra đô thị, nhiều nhóm dân tộc thiểu số từ miền núi phía Bắc chuyển vào Tây Nguyên. Các chương trình tái định cư lấy đất xây dựng công nghiệp, đô thị ở đồng bằng và thủy điện ở miền núi trộn lẫn các cộng đồng với sinh kế, tập tục, tôn giáo, dân tộc khác biệt nhau gây mất cân bằng về tuổi tác, giới tính ở nhiều vùng. Quỹ đất công mất dần khi hợp tác xã tan vỡ và nông lâm trường sắp xếp lại đang tiếp tục mất khi địa phương bán, khoán, cho thuê lấy kinh phí đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Giao thông thuận tiện, phát triển văn hóa, xuất khẩu lao động, internet và truyền thông phổ cập, giúp khôi phục văn hóa cổ truyền đồng thời tái lập các hủ tục và du nhập văn hóa tôn giáo xa lạ đến nhiều vùng nông thôn xa xôi. 
Sức mạnh của tổ chức cộng đồng 
Mỗi cơ chế có thế mạnh và điểm yếu riêng. Phối hợp thì ổn, tách riêng thì hỏng. Nhà nước bảo đảm ổn định xã hội, an ninh quốc phòng, cân bằng vĩ mô nhưng nếu chỉ áp dụng nó, xã hội sẽ theo khuôn khổ cứng, thiếu dân chủ, kinh tế kém phát triển. Thị trường phân bổ tài nguyên hiệu quả, tạo điều kiện và động lực mở mang kinh tế nhưng nếu độc quyền, lại làm con người ích kỷ, mất cân bằng sinh thái, mâu thuẫn xã hội. Cộng đồng nổi trội về khả năng bảo vệ lợi ích, đảm bảo dân chủ và bình đẳng kinh tế nhưng nếu độc tôn sẽ làm xã hội lạc hậu, thiếu sáng tạo, kinh tế trì trệ. Ở Việt Nam cơ chế nhà nước độc tôn cuối thập kỷ 1950 - đến giữa 1980. Từ giữa thập kỷ 1980 đến nay, cơ chế nhà nước nhường dần chỗ cho thị trường chiếm ưu thế nhưng cả hai đều chưa thể vận hành hiệu quả vì thiếu vắng vai trò của cơ thế cộng đồng suốt hơn nửa thế kỷ. Mặt khác, cơ chế chưa gắn với tổ chức. 
Cơ chế là nội dung mềm tạo ra động lực vận hành, tổ chức là nền tảng cứng để tồn tại. Cả ba cơ chế đều phải vận hành dựa trên cơ sở của ba loại tổ chức. Tổ chức cộng đồng là một hệ sinh thái sống, bao gồm các cộng đồng nhỏ chủ động. Tổ chức cộng đồng hình thành trên những điều kiện cơ bản. Thứ nhất, được công nhận về pháp lý;Thứ hai, có chương trình làm việc phục vụ quyền lợi cư dân và được họ giám sát minh bạch; thứ ba phải có năng lực phục vụ, có tài sản, cung cấp dịch vụ, ban hành qui định thiết thực giúp dân để họ nuôi và đóng góp; thứ ba cán bộ gắn bó lâu dài, được dân trực tiếp bầu và bãi miễn. Đó là các tính chất phải có của tổ chức cộng đồng làng xã truyền thống Việt Nam và thông lệ quốc tế. 
Đứt gãy của tổ chức cộng đồng nông thôn 
Cộng đồng nông thôn Việt Nam hiện không còn vị thế rõ ràng. Nó có thể có tài sản chung(13) được giao đất(14), giao rừng (15) nhưng không có quyền định đoạt (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn,…), quản lý tài nguyên nước có nêu(16), nhưng Luật chỉ cho lấy ý kiến như “bên liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng”. “Người dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn nông thôn” là đối tượng thụ hưởng và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới(17) nhưng chỉ có vai trò bàn bạc mức đóng góp, tham gia các gói thầu, tham gia giám sát. Thiết chế “cộng đồng” không có tính pháp lý, cộng đồng làng xã không phải là một “pháp nhân” (thành lập hợp pháp, có cơ quan điều hành, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm, tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập) để hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật được, càng không thể đóng vai trò đối tác phối hợp điều chỉnh các tổ chức nhà nước và thị trường đang hoạt động rất mạnh mẽ.
Hiện tại, Ủy ban xã quyết định Ban quản lý làm chủ đầu tư Chương trình Nông thôn mới. Ngân sách của xã được giao 80% tiền đấu giá, giao, thuê đất để xây dựng nông thôn mới và đang khai thác rất mạnh quĩ đất làng xã còn lại mặc dù Ủy ban xã cũng không có tư cách pháp nhân. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ cơ sở không mang tính cộng đồng và hành chính hóa mạnh mẽ. Ngoài số ít “người có uy tín” ở vùng dân tộc thiểu số(18), có tới 1.031.851 cán bộ, nhân viên hoạt động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố(19). Cả nước có 10.616 xã, phường, thị trấn, mỗi đơn vị có tối thiểu 100 cán bộ các loại dính đến ngân sách. Ngoài 20 công chức một xã, còn lại 80% là cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách, đoàn thể,… So với bộ máy trước cách mạng không dùng ngân sách, không có công chức và sau cách mạng chỉ có 5 người, cũng không là công chức(20) thì bộ máy hiện quá cồng kềnh và vắng bóng các tổ chức cộng đồng nông thôn. 
Mô hình cộng đồng nông thôn Việt Nam và quốc tế
Ở Hàn Quốc việc tái tạo nông thôn tan nát sau chiến tranh và chia rẽ trong công nghiệp hóa và ở Israel xây dựng nông thôn từ đầu. Bước căn bản là hình thành tổ chức cộng đồng cơ sở, gọi là Làng mới (Saemaul Undong) ở Hàn Quốc, là công xã (Kibus) ở Israel. Đây là các tổ chức dân bầu, nhà nước giao đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ và phân cấp. Hàn Quốc hỗ trợ ngân sách và trao quyền lập kế hoạch, quyết định quản lý, đánh giá đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, quản lý đất đai trồng rừng, xây dựng hợp tác xã và doanh nghiệp nông thôn. Israel hỗ trợ phát triển nông trường, công xưởng, phân cấp quản lý kinh tế, xã hội nông thôn; giao quyền cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, quốc phòng. Cộng đồng nông thôn trở thành các tổ chức kinh tế sản xuất hiệu quả và còn là địa bàn phát triển văn minh và đơn vị phòng thủ quân sự, an ninh xã hội ổn định.

Sự thành công của phong trào Saemaul Undong có phần quan trọng từ việc Chính phủ Hàn Quốc trao quyền tự quyết trên nhiều khâu xây dựng Làng mới cho cộng đồng dân cư nông thôn. Ảnh tư liệu minh hoạ.
Như vậy, với quyết tâm của “nhà nước kiến tạo phát triển” và sức mạnh truyền thống dân tộc, nhiều quốc gia nghèo khó trong một thời gian ngắn đã tổ chức lại thành công cộng đồng nông thôn, biến nó thành bệ phóng kinh tế xã hội đưa đất nước lên hùng cường. Kinh nghiệm Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, Nepal,… cho thấy nội lực duy nhất của nông thôn có thể cân bằng lại với sức mạnh khách quan của thị trường và lợi thế nhà nước của đô thị. Trong cạnh tranh toàn cầu, với đe dọa quốc phòng và biến đổi khí hậu quyết liệt, xã hội nông thôn phải đứng chân trên nền tảng cộng đồng vững mạnh. Đó là kết luận của Tổng thống Hàn Quốc Park-Chung Hee phải “khai thác được tinh thần chăm chỉ, tự vượt khó khăn, và hợp tác tiềm ẩn trong mỗi thành viên sống trong khu vực nông thôn” để “tất cả các làng, xã nông thôn sẽ trở thành nơi sinh sống thịnh vượng” (21) giữa giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa.
Ngược lại, nhiều nước khác ở Nam Á, châu Phi, của Liên Xô cũ, Myanmar, Nam Tư,... nông thôn phát triển thất bại vì dựa hẳn vào các trung tâm kinh tế công nghiệp và đô thị giầu có dẫn dắt kinh tế nông thôn; vì dùng chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, phát triển miền núi, trợ giúp dân tộc ít người để phân phối lại ngân sách nhà nước. Chỉ đạo chính trị của các đảng phái từ trung ương, chương trình, dự án của nhà nước, viện trợ quốc tế, tiền của đầu tư của doanh nghiệp không đủ sức quản lý, hỗ trợ, nâng đỡ lên những địa bàn số cư dân nông dân đông đảo, địa bàn nông thôn quá rộng lớn, xã hội nông nghiệp quá phức tạp; trong khi sức mạnh khủng khiếp của thị trường đang rút đi mọi tài nguyên, để lại người già, trẻ em và các nhóm yếu thế, đẩy về đây chất thải, nghĩa trang, tàn phá môi trường.
Tổ chức nhân dân, huy động sức mạnh cộng đồng
Vấn đề cốt lõi là tập trung được lực lượng nhân dân trong các tổ chức tự giác, tự chủ theo đường lối của Đảng. Bác Hồ căn dặn: “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân (22).” Trong điều kiện cụ thể hiện nay, các tổ chức đoàn thể phải giảm tính hành chính và tăng tính cộng đồng: dựa vào đóng góp của nhân dân và tích lũy từ dịch vụ hơn là trợ cấp ngân sách, chuyển từ triển khai chính sách thành phục vụ nhân dân, từ vận động nhân dân sang giao quyền cho dân. Cần tổ chức ra đơn vị cộng đồng nhân dân như hiệp hội ngành nghề, tổ hợp tác, hội quán. Lấy hoạt động kinh tế phát triển tổ chức cộng đồng. Hợp tác xã nông nghiệp đảm bảo cung cấp vật tư đầu vào, thu mua nông sản đầu ra và hỗ trợ dịch vụ phục vụ sản xuất; thay thế trung gian thương lái, đầu nậu. Hợp tác xã phi nông nghiệp dẫn dắt kinh tế hộ phát triển ngành nghề. Vùng đồng bào dân tộc cho các tổ chức cộng đồng tham gia quản lý, khai thác dịch vụ trồng rừng, bảo vệ biên giới, bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất. 
Chiến lược nông nghiệp mới đã xác định: “Xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp”(23). Các cấp ủy Đảng cần chỉ đạo đổi mới tổ chức đoàn thể, xây dựng các tổ chức xã hội. Công tác dân vận đổi mới để trao nhiệm vụ, quyền hạn cho dân. Lấy hoạt động kinh tế phát triển hợp tác xã và hiệp hội để dẫn dắt và phát triển kinh tế hộ lên sản xuất lớn. Ban hành chính sách tiếp cận tài nguyên, đầu tư cơ sở hạ tầng, cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo cán bộ, phân cấp dịch vụ công. Pháp luật tạo điều kiện để cộng đồng nông thôn có tư cách pháp nhân hoạt động. Có như thế, cơ chế và tổ chức cộng đồng mới làm tròn vai trò bổ khuyết cho nhà nước và thị trường. Khi cơ chế và tổ chức thị trường tạo ra lực lượng sản xuất mới, thì cơ chế và tổ chức cộng đồng sẽ hình thành một cách tự nhiên quan hệ sản xuất phù hợp định hướng xã hội chủ nghĩa - thành tố thích hợp trong thượng tầng kiến trúc của giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Phát triển cộng đồng, đột phá đổi mới thể chế
Tổ chức cộng đồng là giải pháp quan trọng trong đột phá thể chế, đồng thời cũng là con đường để thực hiện định hướng XHCN. Nguyên nhân chính là do các tổ chức cộng đồng như hiệp hội các doanh nghiệp, hợp tác xã của kinh tế hộ, nông dân nhỏ chính là tế bào để xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Trên nền tảng các tế bào cơ sở đó mới hình thành các cơ thể hoàn chỉnh để tạo ra nền tảng để hình thành các hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp như các vùng chuyên canh, các chuỗi giá trị, các ngành hàng chiến lược,… Đối với một nền kinh tế được tạo nên bởi chủ yếu là các hộ gia đình nhỏ lẻ, muốn trở thành trang trại, gia trại, doanh nghiệp nhỏ rồi doanh nghiệp lớn thì không có con đường ngoài tạo điều kiện cho chính các hộ này huy động nội lực để tự tích lũy để đạt tới năng lực tái đầu tư, tái sản xuất mở rộng. Muốn làm được quá trình tiến hóa này, tất yếu phải mở ra cánh cửa phát triển kinh tế hợp tác. 

Những con đường hoa ở Cam Hiếu (Cam Lộ - Quảng Trị) tạo nên cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp (Nguồn: camlo.quangtri.gov.vn)
Mặt khác, về thực chất kết nối các địa phương, các vùng kinh tế, các vùng sinh thái để kiến tạo liên kết vùng không thể thiếu được chất keo kết dính là phát triển tổ chức cộng đồng. Mang tính chất đồng đẳng về lợi ích và quyền lực, các đối tượng này cần sử dụng các cơ chế của cơ chế cộng đồng như xác lập giải pháp đồng thuận, bầu ra thủ lĩnh tin cậy, hình thành luật chơi gắn bó, tạo ra thông tin minh bạch… để có thể cùng nhau phối hợp chủ động và vững bền, vượt qua những yếu kém của cơ chế nhà nước (đặc điểm nhiệm kỳ, phân cách quyền lực bộ ngành…) yếu kém của thị trường (khác biệt tài nguyên, cạnh tranh quyền lợi…). Chính vì thế, phát huy vai trò của tổ chức cộng đồng cũng chính là tiền đề quan trọng để đổi mới công tác quản lý nhà nước. 
Chỉ có toàn dân thông qua các tổ chức cộng đồng của mình mới tạo ra nổi năng lực quản lý hiệu quả trên mọi lĩnh vực, địa bàn đa dạng, rộng lớn và biến động của cơ chế thị trường trong thời đại toàn cầu hóa. Mới giải quyết được các vần đề nhà nước và thị trường đang bó tay hiện nay (an toàn lương thực, thực phẩm, giám sát bảo vệ môi trường, ngăn chặn đánh bắt thủy hải sản tận diệt tự nhiên, vi phạm lãnh hải quốc tế…). Có tổ chức cộng đồng rộng rãi thì mới cải cách, thu hẹp được bộ máy hành chính, số hóa được quản lý, kết hợp được nguồn lực và tài nguyên tổng hợp theo qui hoạch quốc gia, mới giám sát và tuân thủ sát sao pháp luật nhà nước. 
(*) Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT)  

  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Xem thêm các giải thích về bàn tay vô hình tại Của cái của các dân tộc (the Wealth of Nation), tác giả Adam Smith (xuất bản lần đầu 1776), dịch giả: Đỗ Trọng Hợp, Nhà xuất bản Giáo dục, 1997.
2. John Maynard Keynes (1919), The Economic Consequences of the Peace (tạm dịch: Những hệ quả kinh tế của Hòa Bình) xuất bản lần đầu năm 1919. 
3. Xem thêm Đặng Kim Sơn. Ba cơ chế thị trường, nhà nước, và cộng đồng, ứng dụng cho Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội Việt Nam. 2004.
4. Marx, K. (1971), A contribution to the critique of political economy, (Introduction), London: Lawrence and Wishart
5. Những bản dự thảo trả lời thư của V.I.Da-xu-lích năm 1881, C.Mác và Ph.Ăng-ghen Toàn tập: Tập 19, Trang 1123, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
6. Paul Adler (2015) Community and Innovation: From Tönnies to Marx (tổng hợp ý kiến Calhoun (1998) Community without propinquity revisited: Communications technology and the transformation of the urban public sphere. Tạp chí Sociological Inquiry, số 68(3), trang 373–397; Delanty (2003), Community: Key ideas, Nhà xuất bản Routledge; Hillery (1955) Definitions of community: Areas of agreement. Tạp chí Rural Sociology, số 20(2), trang 111–123; Williams, R. (1985) Keywords: A vocabulary of culture and society. Nhà xuất bản Oxford University Press.
7. Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Tường Phượng, Từ xã thôn đến Quốc gia–Văn hóa Nguyệt san, số 11-12 tháng 3-4/1953
8. Trần Đình Hượu, Các bài giảng về tư tưởng phương Đông, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001
9. Nghiêm Đằng, Tài-chính-học đại-cương. Sài-gòn: Học-viện Quốc-gia Hành-chánh, 1957. Tr 24
10. Hồi ký Joseph Athanase Paul Doumer. Xứ Đông Dương. Alphabooks & NXB Thế Giới  2016.
11. Hồ Chí Minh Toàn tập Tập 2 1924-1929 Đường Kách mệnh – hợp tác xã NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật Hà Nội 2011. Trang 343. Đường Kách mệnh – hợp tác xã
12.  Sắc lệnh của Chủ Tịch Chính phủ lâm thời số 63/SL Ngày 22 tháng 11 năm 1945. Thư viện pháp luật Việt Nam.
13. Điều 211 Bộ luật dân sự 2015
14. Khoản 3 Điều 5 Luật đất đai năm 2013
15. Điều 29 Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 
16. Chiến lược Quốc gia về Tài nguyên Nước đến năm 2020 Quyết định 81/2006/QD-TTg năm 2006
17. Ban hành theo quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016
18. Quyết định số 18/2011QĐ-TTg, QĐ 56/2013/QĐ-TTg, Quyết định 12/2018/QĐ-TTg
19. Báo cáo 135/BC-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ.
20. Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời 63/SL ngày 22 tháng 11 năm 1945. 
21. Đặng Kim Sơn và Phan Sỹ Hiếu, Phát triển nông thôn bằng phong trào nông thôn mới Saemaul Undong ở Hàn Quốc, Trung tâm Thông tin Nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, 2001
22. Bài viết đăng trên báo Sự thật ngày 15-10-1949. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. 1995, t5, tr. 698-700
 23. Quyết định 150/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác