Góc nhìn

Tổng điều tra tài nguyên du lịch Việt Nam

Cơ hội lớn cho hội viên Hội Nông dân bứt phá

Minh Tú - 08:19 09/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1177/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch. Đây không chỉ là cơ sở, tiền đề hướng đến hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch mà nó còn mở ra một hướng phát triển kinh tế quan trọng cho hội viên Hội Nông dân trên phạm vi cả nước.

Tiềm năng to lớn của du lịch Việt Nam
Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến du lịch mới của thế giới trong những năm gần đây với những thành công to lớn, ngành Du lịch kết thúc năm 2023 có tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023.

Theo Điều 15. Luật Du lịch 2017: Tài nguyên du lịch, bao gồm:

Thứ nhất,  là Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

Thứ hai,  là Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác, công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. Từ đó, có thể thấy, Việt Nam có cả tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn với những bãi biển đẹp bậc nhất thế giới, những khu dự trữ sinh quyển, cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Hệ thống tài nguyên này cho phép Việt Nam xây dựng một cơ cấu du lịch phong phú hướng tới nhiều đối tượng với nhiều hình thức mới như: du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh,…

Việc tổ chức điều tra tài nguyên du lịch theo Quyết định số 1177/QĐ-BVHTTDL nhằm hướng đến hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch trên phạm vi cả nước.


Theo đó, đối tượng điều tra là: Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

Việc tổ chức, điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời điểm tiến hành điều tra: Bắt đầu từ năm 2024 (Dự kiến thực hiện trong vòng 5 năm).
Công tác tổ chức điều tra tài nguyên du lịch bao gồm các nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch, phương án điều tra; Xây dựng phần mềm và các tài liệu hướng dẫn phục vụ công tác điều tra tài nguyên du lịch; Tổ chức tập huấn công tác điều tra; Tổ chức triển khai điều tra; Tổ chức tổng hợp, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; Tổ chức công bố và lưu trữ kết quả điều tra.

Chủ động nắm bắt cơ hội lớn

Nếu tận dụng tối đa tài nguyên du lịch sẵn có, hội viên Hội Nông dân trên cả nước có thể có những “cú hích” quan trọng, thay đổi quan điểm làm kinh tế nông nghiệp truyền thống sang kết hợp với du lịch, từ đó phát triển kinh tế. Đã có những bài học quan trọng trong tận dụng tài nguyên sẵn có của địa phương để làm du lịch, từ đó thay đổi bộ mặt kinh tế của cả vùng. Như Đường Lâm, từ một làng cổ hàng ngàn năm tuổi cách trung tâm Hà Nội 50km, nhưng từ năm 2006 tới nay, nhờ du lịch, không chỉ người dân Việt Nam mà hàng triệu khách du lịch quốc tế đã đến ngôi làng, mang lại cho địa phương một nguồn ngoại tệ không nhỏ, góp phần thay đổi cuộc sống của ngôi làng thuần nông này. 


Để có thể ghi danh vào bản đồ du lịch Việt Nam sau cuộc Tổng điều tra tài nguyên du lịch Việt Nam, ngay từ bây giờ không chỉ các lãnh đạo chính quyền địa phương mà cả với Hội Nông dân các cấp, hội viên Hội Nông dân cần chủ động nắm bắt cơ hội, có những hành động thực tế để tự đề cử mình. Thời gian vừa qua, chính hội viên Hội Nông dân một số tỉnh thành, bằng các hoạt động kinh doanh du lịch đã khiến cả một địa phương nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, từ đó người dân địa phương được hưởng lợi, chia sẻ lợi nhuận từ du lịch. 

Và cũng cần lưu ý, tài nguyên du lịch ở đây không nhất thiết phải là có cảnh quan đẹp, những di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian… thậm chí là ẩm thực cũng có thể trở thành các ưu thế. Như trước đây, khu Hang Kia – Pà Cò chỉ được biết đến vì ma túy và các vụ án hình sự, nhưng được sự quan tâm, tuyên truyền, vận động của cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nhiều hội viên nông dân xã Pà Cò chuyển sang làm du lịch cộng đồng. Với lợi thế về địa hình có độ cao trên 1.000m, quanh năm khí hậu mát mẻ, người dân mến khách, đậm đà bản sắc văn hóa người Mông, ẩm thực mang nét văn hóa đặc trưng, Pà Cò đã và đang thay da, đổi thịt, trở thành một điểm đến du lịch lý tưởng của du khách. Hay như Điện Biên Phủ, không có quá nhiều lợi thế về cảnh quan, nhưng với ưu thế về lịch sử, hàng năm, nơi đây vẫn đón hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước. 

Hiện nay, sau khi khám phá những nơi tươi đẹp và tráng lệ, du khách lại muốn có những trải nghiệm phong phú hơn. Một thế hệ du khách mới đã xuất hiện, đây là những khách muốn có trải nghiệm thực tế ở địa phương, trở thành một phần của nơi đến để cảm nhận, tận hưởng những khái niệm văn hóa, phong tục, ẩm thực địa phương. Bất kể cách tiếp cận và giá cả thế nào, trọng tâm khám phá của du khách vẫn là cộng đồng, con người và nền văn hóa. Những cơ hội và tiềm năng này cho thấy, du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Và, để khai thác có hiệu quả những tiềm năng ấy, chuyển đổi số du lịch, chủ động nắm bắt cơ hội, tự “đề cử” mình là xu hướng tất yếu để hội viên Hội Nông dân các tỉnh thành trên cả nước hướng tới khai thác du lịch Việt Nam, phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác