Trạm trộn bê-tông không phép ở Bắc Giang: Thêm dấu hiệu không minh bạch về thuế và khai thác nước ngầm
Khai thác, sử dụng nước ngầm sản xuất bê tông không xin phép
Sau khi Tạp chí Nông thôn mới đăng tải bài viết Người dân bức xúc với trạm trộn bê tông không phép ở Hiệp Hoà vào ngày 21/11, chiều ngày 4/12, UBND xã Đông Lỗ tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình của Công ty Cổ phần Bến Thủy tại xã Đông Lỗ, (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đang làm việc tại UBND xã cũng được mời đi cùng đoàn kiểm tra. Tại trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình, phóng viên đã phát hiện, ghi hình lại một số hình ảnh, thông tin về việc trạm trộn bê tông không phép này không lắp đặt hệ thống dẫn nước từ bên ngoài vào, đồng thời có hành vi sử dụng nước giếng khoan để sản xuất bê tông.
Để xác minh thông tin, phóng viên đã trao đổi với lãnh đạo UBND xã Đông Lỗ và được người đại diện chính quyền xã này xác nhận là khu vực trạm trộn bê tông Nghĩa Bình không lắp đặt đường ống cấp nước sạch. Phóng viên tiếp tục làm việc với ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa về vấn đề này, ông Khanh cho biết, việc xin cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước ngầm thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Giang. UBND huyện Hiệp Hòa đến thời điểm hiện tại không xác nhận bất kỳ công văn, giấy tờ gì liên quan đến việc Công ty Cổ phần Bến Thủy xin phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước ngầm trên địa bàn huyện.
Ngày 5/12, phóng viên tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang) về nội dung Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh có cấp phép cho Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình của Công ty CP Bến Thủy khai thác nước ngầm hay không? Ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định: “Hiện nay, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Giang chưa cấp bất kỳ giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước ngầm cho trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình của Công ty Cổ phần Bến Thủy tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa”. Ông Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản cũng cho biết thêm Sở cũng vừa có kế hoạch thành lập Đoàn kiểm tra việc sử dụng nước ngầm tại trạm trộn này. Ông nói thêm, “nếu vi phạm đến mức phải xử phạt hành chính thì còn tùy thuộc vào quy mô, công suất hoạt động khai thác nước ngầm của trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình” - ông Dũng cho biết thêm.
Ngày 03/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó, tại Điều 4 của Nghị định này quy định rõ một số hành vi khai thác nước ngầm trái phép có thể bị xử phạt đến mức tối đa đối với tổ chức lên đến 500.000.000 đồng.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị tước giấy phép khai thác có thời hạn, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước...
Theo quy định của luật pháp nước ta, nước ngầm là một trong những nguồn tài nguyên quốc gia, do đó các cá nhân, tổ chức khi khai thác nước ngầm cần phải cho sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trừ một số trường hợp pháp luật cho phép khai thác, sử dụng nước ngầm không phải đăng ký, không phải xin phép thì tất cả các trường hợp còn lại phải đăng ký và có giấy phép trước khi khai thác, sử dụng nước ngầm. Theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012, các tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm từ 10m3/ngày trở lên phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp phép.
Trong khi đó, Dự án “Xây dựng nhà máy sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẵn” do Công ty Cổ phần Bến Thủy là nhà đầu tư (được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo Quyết định số 896/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang cấp lần đầu ngày 24/8/2021), có quy mô, công suất dự án: Sản xuất cống bê tông: 4.320 tấn/năm (12 tấn/ngày); sản xuất bê tông tươi: 67.680 tấn/năm (188 tấn/ngày). Theo đó, tổng công suất thiết kế của nhà máy là 72.000 tấn bê-tông/năm.
Theo bảng thiết kế cấp phối của một Công ty sản xuất bê-tông thương phẩm với mác bê-tông 150 (daN/cm2) thì một mét khối bê-tông sẽ cần 0.185 m3 nước. Giả sử, doanh nghiệp này vận hành trạm trộn bê-tông nói trên chỉ ở mức 35% tổng công suất thiết kế nói trên, thì lượng nước ngầm khai thác từ giếng khoan để sản xuất bê tông đã ở mức bắt buộc phải đăng ký khai thác nước ngầm với cơ quan quản lý, chưa tính lượng nước sử dụng cho các mục đích tưới đường, rửa xe, nước sinh hoạt và các mục đích khác của doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Bến Thủy có dấu hiệu chưa minh bạch về thuế
Như đã đề cập ở các bài viết trước, trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình của Công ty CP Bến Thủy hoạt động suốt ba năm trên địa bàn xã Đông Lỗ (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) mà không có bất kỳ một giấy phép nào liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bê-tông thương phẩm nào. Việc một trạm trộn có công suất thiết kế lên đến 72.000m3 bê-tông một năm hoạt động không phép thì có phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và các sắc thuế khác như thế nào?
Qua thu thập và nghiên cứu tài liệu liên quan đến quy trình hoạt động từ sản xuất, bán hàng đến thanh toán của trạm trộn bê - tông Nghĩa Bình tại địa chỉ xóm Bến, Đồng Việt, Yên Dũng, Bắc Giang, đồng thời sau khi ghi nhận tình trạng cơ sở này vẫn hoạt động kinh doanh bình thường, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Cục Thuế tỉnh Bắc Giang.
Làm việc với phóng viên, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực Bắc Giang – Yên Dũng cho biết: Công ty Cổ phần Bến Thủy (địa chỉ tại xóm Bến, Đồng Việt, Yên Dũng, Bắc Giang) là đối tượng khai báo thuế tại Chi cục Thuế khu vực Bắc Giang – Yên Dũng. Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thuế khu vực Bắc Giang - Yên Dũng, Công ty Cổ phần Bến Thủy đã lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp và thuộc nhóm đối tượng không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC. Cũng theo Chi cục Thuế khu vực Bắc Giang - Yên Dũng, trong báo cáo tài chính của Công ty CP Bến Thủy có một tài khoản thể hiện đầu tư vào Trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục thuế cung cấp thông tin: Tài khoản trên ghi “Tạm dừng do không được cấp phép hoạt động”.
Vị lãnh đạo ngành Thuế này cũng rất ngạc nhiên khi được xem hình ảnh, video clip, tài liệu thể hiện trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang vẫn đang hoạt động bình thường và cho rằng điều này thật khó tin. “Chi cục Thuế khu vực Bắc Giang – Yên Dũng cũng mới kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của Công ty CP Bến Thủy nhưng việc kiểm tra này chỉ là trên sổ sách, giấy tờ kê khai do Công ty này cung cấp mà thôi - ông Trần Học Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Bắc Giang – Yên Dũng nói và cho biết thêm về tình trạng thiếu chức năng, nhiêm vụ của cơ quan thuế: "Hiện nay, cơ quan thuế không có chức năng nhiệm vụ điều tra, nếu như phát hiện doanh nghiệp dùng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, nghĩa là vi phạm pháp luật rõ ràng thì mới báo Cơ quan điều tra vào cuộc. Còn nếu cảm thấy người nộp thuế chưa minh bạch thì chỉ có thể mời họ đến trụ sở làm việc để phối hợp mà thôi”.
Ông Hiếu cho rằng, với những thông tin ban đầu này, chưa đủ kết luận là Công ty CP Bến Thủy sai phạm bởi lẽ có thể họ khai báo và nộp thuế chung cùng với trạm trộn tại Yên Dũng. “Cứ hình dung như là một nhà có hai bếp. Việc này còn liên quan đến hóa đơn đầu vào, đầu ra mua nguyên vật liệu, xi măng, cát sỏi…” - Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Bắc Giang – Yên Dũng nêu giả thiết. Mặc dù vậy, ông Hiếu cũng đồng ý rằng, việc này có dấu hiệu chưa minh bạch vì trạm trộn bê tông của doanh nghiệp trên tại Hiệp Hòa không có giấy phép hoạt động, về lý thuyết sẽ không thể có hóa đơn đầu vào, đầu ra cũng như xuất hóa đơn VAT cho khách hàng. Ông Hiếu cho biết, nếu lãnh đạo Cục thuế Bắc Giang chỉ đạo thì sẽ mời Công ty Cổ phần Bến Thủy lên làm việc cụ thể về vấn đề này.
Phớt lờ văn bản quản lý điều hành của UBND huyện Hiệp Hoà
Mặc dù UBND huyện Hiệp Hòa đã ban hành các văn bản yêu cầu dừng hoạt động, nhưng trạm trộn bê-tông Nghĩa Bình vẫn không chấp hành. Liên tiếp nhiều ngày từ đầu tháng 12/2023 đến nay, Trạm trộn bê-tông này vẫn hoạt động bình thường. Các xe trộn bê-tông vẫn liên tục rời trạm đi giao hàng nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Bắc Giang.
Như vậy, các biểu hiện vi phạm của Công ty Cổ phần Bến Thủy diễn ra liên tục, trong một thời gian dài, trên nhiều hình thức. Ngay cả khi vi phạm được phát hiện và bị phạt tiền hàng trăm triệu đồng, bị chính quyền địa phương yêu cầu dừng hoạt động.., công ty này vẫn không chấp hành, mà tiếp tục tái diễn. Các hành vi này thể hiện sự bất tuân pháp luật, phớt lờ quản lý điều hành của chính quyền sở tại, tác động tiêu cực đến môi trường và quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đề nghị cấp uỷ Đảng, Chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang chỉ đạo kịp thời để làm rõ những dấu hiệu vi phạm tại doanh nghiệp này để bảo vệ sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trước pháp luật và giữ vững kỷ cương phép nước./.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới