Trao giải cuộc thi sáng tạo video về công nghệ sinh học gắn với phát triển nông nghiệp bền vững
Đây là cuộc thi sáng tạo video về đề tài công nghệ sinh học (CNSH) gắn với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững dành cho các bạn trẻ từ 16 đến 24 tuổi tại Việt Nam. CropLife Châu Á cùng Phòng Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ là hai đối tác đồng hành và tài trợ tổ chức cuộc thi và sự kiện lần này. Mục tiêu của cuộc thi GenZ Biotech Challenge là tạo thêm một sân chơi mới cho các bạn trẻ đam mê khoa học có thể khai thác những nội dung và cách tiếp cận khác nhau về chủ đề ứng dụng CNSH trong nông nghiệp hiện đại bằng cách tạo ra những video ngắn (độ dài không quá 3 phút). Từ góc nhìn của các bạn trẻ GenZ, cuộc thi cũng kỳ vọng sẽ gợi mở thêm cách thức truyền thông mới, sáng tạo về chủ đề CNSH trong nông nghiệp, thu hút sự chú ý của cộng đồng đối với chủ đề này.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Huy Hàm - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng Ban Giám khảo cho biết: “Phát triển nghiên cứu và ứng dụng CNSH là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà Nước. Gần đây nhất, đầu năm 2023, đích thân Tổng Bí Thư đã ký nghị quyết về phát triển nghiên cứu và ứng dụng CNSH đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. Đây sẽ là cơ hội để lĩnh vực CNSH tạo ra những đóng góp to lớn hơn cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chúng tôi muốn thế hệ trẻ hôm nay còn trên ghế nhà trường sẽ sớm tiếp cận, tìm hiểu về CNSH, tiềm năng của nó cho phát triển kinh tế xã hội và chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng để cùng với các thế hệ đi trước phát triển CNSH như kỳ vọng của xã hội. Mặt khác, có các quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều về các sản phẩm CNSH, vậy lớp trẻ cần được tiếp cận, tìm hiểu và trang bị các kiến thức khoa học cần thiết cho mình để tự lựa chọn và phát triển CNSH học theo hướng tận dụng được tối đa tiềm năng của các công nghệ này”
Chia sẻ tại sự kiện, ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp của Đại sứ quán Hoa Kỳ - một trong hai đơn vị tài trợ cho cuộc thi cho biết: “Hoa Kỳ đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam nhằm hỗ trợ việc áp dụng công nghệ sinh học và đổi mới trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi đánh giá cuộc thi này là một cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy việc trao đổi, chia sẻ các kiến thức và hỗ trợ các phương pháp tiếp cận dựa trên khoa học nhằm ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, hướng tới thực hiện các mục tiêu về nông nghiệp bền vững, giảm lượng khí thải nhà kính, và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam”.
Đến từ Hiệp hội CropLife Việt Nam, bà Đặng Ngọc Chi - Chủ tịch Tổ công tác Công nghệ sinh học, Giống cây trồng của hiệp hội này chia sẻ: “Nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Tuy nhiên, với sự hấp dẫn của các ngành kinh tế và kỹ thuật khác, nông nghiệp chưa là sự lựa chọn của thế hệ trẻ trong thời kỳ hiện đại. Chúng tôi hy vọng cuộc thi này sẽ tạo thêm một sân chơi hấp dẫn cho các bạn trẻ, giúp các bạn có thêm động lực tìm hiểu khoa học công nghệ ứng dụng trong ngành nông nghiệp.”
Được phát động vào đầu tháng 10 năm 2023, cuộc thi đã nhận được hơn 100 video dự thi của các bạn học sinh – sinh viên đến từ 20 trường THPT và đại học trên cả nước. Sau vòng sơ loại và hai vòng thi trực tuyến, ban tổ chức đã chọn ra được top 6 video xuất sắc nhất để tham dự Vòng Chung kết và Lễ Trao giải tổ chức trực tiếp tại Hà Nội. Những video này đã nhận được đánh giá và điểm số cao nhất từ ban tư vấn cũng như có lượt xem và tương tác trực tuyến ấn tượng. Đây cũng là những video khai thác những chủ đề hiện đại, có tác động rộng rãi trong nông nghiệp, thể hiện hàm lượng khoa học cao, có thông điệp truyền thông rõ ràng cùng nhiều ý tưởng sáng tạo trong cách thức khai thác, truyền tải nội dung và cũng như thiết kế - biên tập hình ảnh. Nhiều bạn trẻ tham gia cuộc thi đã có cơ hội tham gia các buổi hướng dẫn về nội dung khoa học cũng như cách thức xây dựng nội dung trên nền tảng số với các chuyên gia về CNSH và truyền thông do cuộc thi giới thiệu.
Tại vòng chung kết, các thí sinh của top 6 video xuất sắc nhất đã có cơ hội trình chiếu video tham dự, thuyết trình ý tưởng và trả lời các câu hỏi từ ban giám khảo. Các thành viên ban giám khảo là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực CNSH và truyền thông đã đánh giá và cho điểm trực tiếp đối với từng đội dự thi. Kết quả của cuộc thi như sau:
Giải nhất thuộc về video “Bí mật đằng sau ngô biến đổi gen” do hai bạn Nguyễn Thế Ngọc Phượng và Hoàng Thị Hồng Nga đến từ Khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN;
Giải nhì thuộc về video có chủ đề “Saving money while enhancing egg production predictability in ducks” - “Tiết kiệm chi phí trong nâng cao dự đoán năng suất trứng ở vịt” do bạn Đỗ Chí Hiếu đến từ Khoa Khoa học Sinh học, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM;
Giải ba đã được trao cho video “Ứng dụng CNSH trong nông nghiệp trong giải quyết vấn đề an ninh lương thực” được thực hiện bởi các thành viên nhóm Sustaina-Squad đến từ Khoa Sinh học và CNSH, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM. Đây cũng là video được trao giải video được yêu thích nhất do các khán giả tham dự trực tiếp tại sự kiện bình chọn.
3 giải khuyến khích thuộc về các video:
- Video “What is GMO crops? How to make it” – “Cây trồng biến đổi gen là gì? Làm thế nào để tạo ra cây trồng biến đổi gen” của nhóm các bạn Lê Thu Thảo, Phạm Văn Tuấn, Mao Saven, và Đào Khánh Vân đến từ Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Video “Chỉnh sửa gen” do nhóm GENtle đến từ Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện
- Video “Tổn thương lạnh trên chuối” của bạn Đỗ Ngọc Anh đến từ Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao các giải sáng tạo cho 19 video clip lọt vào vòng 2 và một giải yêu thích cho video có lượt bình chọn trực tiếp cao nhất tại sự kiện. Ban tổ chức cho biết sẽ tiếp tục ý tưởng của cuộc thi lần này để xây dựng và tổ chức thêm những hoạt động nhằm thu hút sự tham gia của các bạn sinh viên đang theo học các chuyên ngành về khoa học thực vật và CNSH trong việc truyền thông tới cộng đồng về chủ đề này.
Nam Phong
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới