Góc nhìn

Vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông thôn ở Hoà Bình

(Tapchinongthonmoi.vn) - Tỉnh Hòa Bình hiện nay có 76,15% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên, với nhiều dân tộc sinh sống, lưu giữ được những giá trị mang đậm bản sắc truyền thống...

Đây là những lợi thế để tỉnh Hòa Bình phát triển du lịch nông thôn. Việc nông dân phát triển du lịch nông thôn đã thực sự làm bộ mặt nông thôn, đời sống nông dân thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 
Nhiều nông dân nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm du lịch độc đáo
Nhiều nông dân ở Hòa Bình tìm hiểu thông tin, đóng góp ý kiến xây dựng bản quy hoạch điểm, khu du lịch, tự giác hiến của cải hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch. Từ năm 2016 - 2022, nông dân đóng góp hơn 85.000 ngày công, trên 600 triệu đồng, sửa chữa, làm mới hơn 500km đường giao thông nông thôn. Nông dân tích cực thành lập tổ, nhóm đảm bảo an ninh trật tự, môi trường ở các điểm, khu du lịch: nông dân huyện Tân Lạc thành lập 15 tổ tự quản; các bản, xóm, huyện Mai Châu xây dựng mô hình “Nông dân với an toàn giao thông”,… Nhờ đó, góp phần làm tăng điểm du lịch nông thôn của tỉnh từ 0 điểm (năm 2016) lên hơn 30 khu, điểm du lịch (năm 2022). Trong đó, có 1 khu du lịch đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, 4 điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP.

Homestay của nông dân ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Nhiều nông dân nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với bản sắc địa phương. Ví như, du lịch “8 điểm”, ngắm hoàng hôn ở Đèo Đá trắng, trải nghiệm “săn mây” ở Hang Kia, chèo thuyền kayak trên hồ Sông Đà… Nông dân còn phục dựng các giá trị văn hóa, nghề truyền thống (nông dân huyện Mai Châu phục dựng điệu “xòe Thái”, nghề dệt thổ cẩm; mô hình “Quán tự giác” của nông dân xóm Đá Bia, huyện Đà Bắc…) vừa để du khách trải nghiệm, vừa quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương. Với những sáng tạo độc đáo đó, đã tăng thời gian lưu trú của du khách từ 1 – 1,2 ngày (năm 2016) lên 1,9 ngày (năm 2022). Có thể thấy, nếu được phát huy, nông dân sẽ rất sáng tạo trong tạo ra các sản phẩm du lịch nông thôn. Bởi chính nông dân là chủ thể của quá trình sản xuất, chủ nhân sáng tạo, biểu diễn, trao truyền văn hóa.
Với ý chí, nghị lực bền bỉ, nhiều nông dân khắc phục khó khăn, trau dồi kiến thức ngoại ngữ, kĩ năng làm du lịch từ báo, đài, kinh nghiệm của những người làm du lịch giỏi, tham gia bồi dưỡng, tập huấn về du lịch. Vì vậy, từ năm 2016 - 2022 gần 1.500 lượt nông dân đã được tập huấn về ngoại ngữ, nghiệp vụ du lịch… Thời gian qua, nhiều nông dân mày mò, sáng tạo hình thức khác nhau để quảng bá du lịch nông thôn. Điển hình là ứng dụng công nghệ số, xây dựng trang web, fanpage, tiktok… Nông dân xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc xây dựng fanpage “Hồ Tằm Homestay” với gần 5.000 lượt thích và theo dõi, kênh Tiktok của nông dân Sùng A Sung gần 5.000 lượt thích và follower… 
Chưa quan tâm đa dạng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu và quảng bá du lịch
Một số nông dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng trái phép xây dựng homestay, cơi nới không gian, chiếm dụng hành lang giao thông như điểm dừng chân Đèo Đá Trắng... Xuất hiện tình trạng “chặt chém”, chèo kéo khách, bán hàng không rõ hoặc giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Nhiều nông dân chưa thực sự quan tâm đến phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, dẫn đến trùng lặp, như: mô hình du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm. Một số dịch vụ, sản phẩm du lịch chưa thể hiện bản sắc, đặc trưng dân tộc như: bật nhạc remix trong lễ hội truyền thống; mâm cơm cố lá bị cải biến... Một số đặc sản địa phương mẫu mã chưa bắt mắt, đóng gói sơ sài, thiếu thông điệp sản phẩm.
Trình độ lao động nói chung và nông dân nói riêng không cao, số lao động đã qua đào tạo là 59,23%, thấp hơn so với cả nước (đạt khoảng 67%), tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 23,81%, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển du lịch nông thôn… dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Nhiều hộ nông dân tập trung chủ yếu vào phát triển sản phẩm du lịch hơn là tạo dựng thương hiệu, quảng bá du lịch. Chưa có sự gắn kết câu chuyện, sự tích địa phương với sản phẩm để lưu lại dấu ấn trong du khách. Các trang web, fanpage quảng bá du lịch có hình ảnh, thiết kế, nội dung chưa hấp dẫn. Việc sử dụng công nghệ số, nền tảng mạng xã hội không phải nông dân nào cũng làm được, điều này gây khó khăn trong quảng bá du lịch địa phương.
Giải pháp phát huy vai trò của nông dân 
Thứ nhất, nâng cao năng lực cho nông dân đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nông thôn tỉnh Hòa Bình hiện nay. (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về vai trò, tác dụng của phát triển du lịch nông thôn. (2) Nâng cao trình độ, kĩ năng làm du lịch cho nông dân: nghiệp vụ kinh doanh du lịch, kĩ năng hướng dẫn viên, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững… (3) Tạo động lực cho nông dân tham gia tự giác, tích cực vào hoạt động du lịch. Có sự khảo sát nhu cầu làm du lịch, tổ chức chương trình tham quan mô hình làm du lịch để nông dân nhận thức được lợi ích thực tế. (4) Xây dựng các tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch nông thôn, bộ tiêu chí về xây dựng chuẩn các điểm du lịch nông thôn, phổ biến tiêu chuẩn nghề du lịch cho nông dân.

Homestay của nông dân ở xóm Đoàn Kết, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Thứ hai, hoàn thiện các cơ chế, chính sách góp phần phát huy vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông thôn. (1) Làm tốt công tác quy hoạch điểm, khu du lịch nông thôn tỉnh Hòa Bình đảm bảo chi tiết, phân vùng không gian du lịch: khu phát triển dịch vụ, khu sản xuất nông nghiệp, khu làng nghề, điểm dừng chân, tham quan… Kiến trúc, mật độ hạ tầng du lịch. (2) Hoàn thiện chính sách đất đai phục vụ phát triển du lịch nông thôn; Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát. (3) Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nhất là hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nông nghiệp sạch, chế biến thực phẩm. (4) Hoàn thiện chính sách liên quan đến quảng bá, thu hút du khách; Xây dựng, triển khai chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng, phát triển, định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn; Tăng cường liên kết, xúc tiến du lịch…
Thứ ba, tăng cường, đa dạng hóa các nguồn lực cho nông dân phát triển du lịch nông thôn. (1) Huy động các nguồn lực tài chính, tín dụng từ nhà nước, ngân hàng. Nhà nước hỗ trợ nông dân qua các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ riêng cho nông dân làm du lịch. (2) Huy động tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài, phi chính phủ hỗ trợ cho phát triển du lịch như tổ chức AOP, WWF, ACID… (3) Lồng ghép hiệu quả chương trình/đề án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh qua đó tạo thể chế đồng bộ cho phát triển du lịch nông thôn.
Để phát triển du lịch nông thôn tỉnh Hòa Bình bền vững theo hướng tích hợp đa giá trị đòi hỏi cần nhiều yếu tố cả bên trong và bên ngoài nhưng đặc biệt phải phát huy được tính năng động, sáng tạo, chủ động, tự giác, tích cực của người nông dân.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác