Vì sao màu đỏ lại may mắn, mang lại vượng khí và tài lộc?
Người Việt Nam không mấy ai không biết đôi câu đối nổi tiếng về ngày Tết là "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh."
Ngày Tết của Việt Nam ngập tràn màu đỏ, từ câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ, hạt dưa nhuộm màu đỏ đến quyển lịch đỏ. Từ đó có thể thấy màu đỏ quan trọng đến như thế nào trong cuộc sống của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung.
Theo quan niệm Tết của người Á Đông, màu đỏ chính là màu tượng trưng cho sự đầm ấm, may mắn. Sắc đỏ phù hợp với không khí linh thiêng, sum vầy của dịp Tết cổ truyền, vì nó mang lại vượng khí, tài lộc và sức mạnh.
1. Ý nghĩa của màu đỏ
Vì sao màu đỏ là màu may mắn trong văn hóa Á Đông? Nguồn gốc của trả lời này bắt nguồn từ một truyền thuyết từ xa xưa tại Trung Quốc.
Truyền thuyết kể lại, thời cổ đại từng hiện hữu một loại quái thú mình sư tử đầu rồng, gọi là niên thú. Mỗi khi Năm mới đến, nó xuống núi bắt gia súc và tấn công dân làng. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra con quái thú này sợ lửa và tiếng pháo nổ.
Vậy nên dân làng treo đèn lồng đỏ, trang trí nhà với màu đỏ của lửa cháy và đốt pháo mỗi khi Năm mới đến. Từ đó, niên thú không còn dám đến hoành hành nữa.
Để kỷ niệm chiến thắng, người dân kể lại câu chuyện đánh đuổi niên thú qua điệu múa lân/múa sư tử.
Dựa trên truyền thuyết đánh đuổi niên thú, màu đỏ được xem là có khả năng trừ tà. Ý niệm này từ Trung Quốc lan truyền đến các quốc gia lân cận gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Người Nhật Bản tô màu đỏ trên các cánh cổng điện thờ Thần Đạo của họ (gọi là torii) như một cách gắn kết tâm linh với thần thánh và chống ác niệm. Người Hàn Quốc dùng mực đỏ viết tên người chết trên sổ sách cũng như trên bùa tang để xua đuổi tà ma.
Ở Việt Nam, xưa kia con gái quan được phép mặc áo yếm đỏ, gọi là yếm đại hồng, như một cách bảo vệ bản thân khỏi yêu ma quỷ quái.
Ngoài ý nghĩa xua đuổi tà ma, màu đỏ còn mang lại may mắn và tài lộc. Màu đỏ được coi là biểu tượng của may mắn, tài lộc và thành công trong Năm mới.
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống: Màu đỏ đã được sử dụng trong các nghi lễ và lễ hội truyền thống từ hàng ngàn năm nay. Việc sử dụng màu đỏ trong ngày Tết không chỉ là việc tuân thủ truyền thống mà còn là cách thể hiện lòng tôn kính và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.
Sự trang trọng: Màu đỏ thường được xem là một màu sáng và nổi bật. Màu đỏ thể hiện sự kiêu hãnh, tôn trọng và lòng kính trọng đối với ngày lễ trọng đại này. Nó cũng mang đến sự trang trọng và ấm áp cho không khí Tết.
Tình yêu và sự đoàn kết: Màu đỏ còn tượng trưng cho tình yêu thương, hạnh phúc và sự đoàn kết gia đình.
Nếu xét ở góc độ khoa học và thực tế, màu đỏ có tính kích thích thần kinh, làm cho con người tăng hưng phấn, vì vậy mà suy nghĩ tích cực và làm việc hiệu quả hơn. Màu đỏ phản chiếu lên con người, nhất là gương mặt, và mọi vật sẽ làm cho cảnh vật rạng rỡ, sinh động, đầy sức sống.
2. Cách dùng màu đỏ thu hút tài lộc
Vì màu đỏ là màu của may mắn, tài lộc nên vào gia đình nào cũng sử dụng sắc đỏ để trang hoàng nhà cửa mỗi khi Tết đến Xuân về. Nhiều gia đình trang trí dây tiền ngũ đế có dải chỉ đỏ bên dưới, dán chữ phúc đỏ trước cửa nhà, trang trí cây và hoa màu đỏ...
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số vật dụng màu đỏ để mang lại vận may và thu hút tài lộc như đặt mèo Thần tài màu đỏ ở ban thờ thần tài; để một sợi chỉ đỏ trong ví; cột ruy băng đỏ xung quanh đồ phong thủy trong gia đình; tô điểm một vài vật dụng màu đỏ trong phòng ngủ (nhưng không nên sử dựng quá nhiều), phòng khách (tấm nệm, chiếc gối vuông, bình cây hoa màu đỏ), phòng bếp.
Bạn cũng có thể đặt đồ vật thường dùng trong công việc lên tấm vải đỏ như bút, máy tính, điện thoại để mang lại may mắn; hay trồng cây phong thủy có màu đỏ như vạn lộc, trạng nguyên, hải đường... để tạo thêm cảm giác may mắn và rực rỡ./.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới