Góc nhìn

Vị thế của “Tam nông” sau 78 năm từ Cách mạng Tháng Tám

Thành Nam - 07:02 02/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong sự chuyển mình của đất nước qua hơn 3/4 thế kỷ kể từ ngày giành độc lập, qua nhiều thăng trầm, vị thế của nông dân, nông nghiệp, nông thôn đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế; góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Những “con số biết nói”
Vượt qua những khó khăn, thác thức, qua nhiều năm chiến tranh và cấm vận, sau hơn 35 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô nền kinh tế từ 4 tỷ USD lên khoảng 410 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực và thứ 37 trên thế giới, với thứ bậc kinh tế ngày càng đi lên; thu nhập bình quân đầu người từ 160 USD lên trên 4.100 USD. 

Nông dân Sóc Sơn (Hà Nội) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh Lê Hiếu
Việt Nam, từ nước nghèo sau khi độc lập, đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế năng động nhất nhóm thu nhập trung bình và là điểm đến lớn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kim ngạch xuất nhập khẩu hiện lớn gấp 1,8 lần GDP, cho thấy Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại rất rộng mở với các quốc gia. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt khoảng 27 tỷ USD năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 13 tỷ USD. 
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động khó lường, Việt Nam ưu tiên và đang tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần.

Qua nhiều thăng trầm, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế; đóng góp nhiều vào xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”.
(Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành NN&PTNT)

Báo cáo “The World in 2050” của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người tính theo đồng giá sức mua (PPP) của Việt Nam vào năm 2050 sẽ đạt mức 28.200 USD, so với mức 6.300 USD vào năm 2016. Khi đó, GDP tính theo PPP của Việt Nam 3.176 tỷ USD, đứng thứ 20 thế giới, so với mức 3.115 tỷ USD của Italy (vị trí 21), 3.100 tỷ USD của Canada (vị trí 22), hay 2.782 tỷ USD của Thái Lan (vị trí 25). Việt Nam cũng sẽ là một trong 3 nền kinh tế có sự thăng hạng mạnh mẽ nhất trong thời gian đến năm 2050, đứng trong nhóm 20 nước có quy mô kinh tế lớn nhất – theo báo cáo.
Điều đó cũng chứng minh lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Trong sự chuyển mình của đất nước qua hơn ¾ thế kỷ kể từ ngày giành độc lập, không thể không nhắc đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nêu rõ, qua nhiều thăng trầm, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế; đóng góp nhiều vào xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Việt Nam tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. 
Nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch năm 2022 đạt 53,53 tỷ USD, tiếp cận đến 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, nông sản chính đạt trên 22,7 tỷ USD; lâm sản chính đạt trên 17,09 tỷ USD; thủy sản đạt trên 10,92 tỷ USD. 12 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD; tôm 4,31 tỷ USD; cà phê 4,05 tỷ USD; gạo 3,46 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,36 tỷ USD; hạt điều 3,08 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 8,68 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Bảy tháng đầu năm 2023, báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoàn mới được gửi đến các đại biểu Quốc hội cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 29,13 tỷ USD; các doanh nghiệp tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế, trong đó 4 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ là rau quả (3,2 tỷ USD), gạo (2,58 tỷ USD), cà phê (2,76 tỷ USD), hạt điều (1,95 tỷ USD). 
Báo cáo cũng cho biết, đến nay đã có 6.021/8.167 xã (73,72%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 1.518 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 215 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 263 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (40,8%); 19 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó công nhận 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 5.069 chủ thể tham gia. Cả nước có 20.057 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại.
Thay đổi năng động và tích cực để vững vàng trụ đỡ của nền kinh tế
Thông kê trên thực sự là những “con số biết nói”, dù có thể chưa được như kỳ vọng, bởi khó khăn thách thức luôn luôn bám theo nền nông nghiệp. Song, nhiều khi tiếp cận ở những con số tăng trưởng thì chưa thấy hết vai trò và ý nghĩa của ngành Nông nghiệp với xã hội. Đằng sau những con số nhìn thấy được còn có những điều đáng tự hào khi nông nghiệp không chỉ đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn bảo đảm về mặt xã hội, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia bị khủng hoảng an ninh lương thực.
Điều đó được khẳng định rõ trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia”.
Trung ương cũng nêu rõ: Việt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trình độ, học vấn của nông dân nước ta từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, về đích sớm hơn so với mục tiêu đề ra; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; diện mạo nông thôn Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt…
Sự chuyển mình đi lên của đất nước nói chung và của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng không phải ngày một, ngày hai mà có. Đó là kết quả của cả quá trình bền bỉ triển khai các chủ trương, định hướng đúng đắn, chiến lược nhất quán của Đảng, phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, thể hiện rõ trong Văn kiện Ðại hội của Ðảng và nhiều chỉ thị, nghị quyết hội nghị Trung ương trong các nhiệm kỳ.
Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh quan điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 
Mục tiêu đặt ra rất rõ ràng khi đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. 
Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Tái hiện lễ hội Tịch điền của Vua Hùng Ảnh minh họa.

Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc…
Tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Top 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tự hào về chặng đường đã qua, song nhiệm vụ đặt ra phía trước cũng rất nặng nề. Song, như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ, cùng với Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nghị quyết về phát triển vùng mới đây của Bộ Chính trị, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn xã hội, chắc chắn sự nghiệp xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tiếp tục phát huy được những thành tựu lịch sử như thời gian vừa qua; đồng thời có những bước phát triển đột phá mới. 
Nông nghiệp chuyển mình, thay đổi năng động và tích cực để vững vàng trụ đỡ của nền kinh tế. 

Sứ mệnh của nông nghiệp không chỉ giải quyết về vấn đề tăng trưởng mà bao trùm cho hàng chục triệu nông dân và cư dân ở nông thôn. Vai trò của nông nghiệp nằm trong một cấu trúc chung về kinh tế lẫn xã hội. Nếu chỉ tiếp cận qua những con số về tăng trưởng thì chúng ta không thấy được vai trò của nông nghiệp đối với xã hội”.
 Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác