Xuân no ấm trên vùng cao Huổi Một - Sông Mã
Những bông hoa mận nở trắng, cùng cánh đào phai chúm chím nụ trên khắp các triền đồi báo hiệu mùa xuân đang đến. Đón xuân này, đồng bào vùng cao Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La càng vui hơn khi cuộc sống có nhiều đổi mới, no ấm và hạnh phúc hơn.
Lên bản Mông Khua Họ, xã Huổi Một, huyện biên giới Sông Mã (Sơn La) không còn là con đường đất trơn trượt ngày nào; thay vào đó là đường bê tông uốn lượn đến tận bản. Hòa lẫn màu xanh của nhãn, xoài, cùng sắc trắng của hoa mận, mơ hai bên đường là tiếng khèn, tiếng sáo dìu dặt; tiếng trẻ em nô đùa háo hức đón xuân sang.
Ông Lầu Bả Vự - người có uy tín ở bản Khua Họ, xã Huổi Một cho biết, những năm gần đây, người dân trong bản đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là thay thế cây ngô, cây sắn kém hiệu quả trên đất dốc bằng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu đạt trên 100 triệu đồng mỗi năm, từ đó làm được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền trong gia đình và có của ăn, của để.
"Hiện nay trong bản đã có nhiều hộ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên có kinh tế khá. Chủ yếu người dân trong bản phát triển thêm cây ăn quả cùng với trồng ngô, lúa và chăn nuôi gia súc để có thêm thu nhập", ông Lầu Bả Vự nói.
Bản Pá Công, xã Huổi Một hiện có gần 120 hộ, hơn 540 nhân khẩu, chủ yếu các dân tộc Xinh Mun, Khơ Mú và Thái sinh sống. Ông Lò Văn Chiêng, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Pá Công cho biết, trước đây có thời điểm, có tới một nửa số dân trong bản thuộc diện hộ nghèo. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong hướng dẫn bà con phát triển sản xuất và sự quyết tâm vươn lên của bà con, nên cuộc sống dần ấm no hơn.
Đặc biệt, không chỉ sản xuất tự cung, tự cấp, bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; biết đưa nông sản thành hàng hóa cung cấp ra thị trường, nên thu nhập tăng lên, số hộ nghèo giảm dần theo từng năm, nay chỉ còn hơn 10 hộ. "Từ khi chuyển đổi cây trồng thu nhập của bà con cũng được ổn định hơn. Trước kia chỉ trồng ngô, trồng sắn thu nhập thấp, hộ nghèo còn cao, nhưng từ khi chuyển đổi cây trồng đến nay bà con cơ bản đã thoát nghèo", ông Lò Văn Chiêng chia sẻ.
Xã Huổi Một có 21 bản, với hơn 1.500 hộ, gần 8.000 nhân khẩu; trong đó dân tộc Mông chiếm gần 50%. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lầu A Của, để có được những đổi thay tích cực ở xã, ngoài sự chủ động vươn lên của người dân, còn có sự quan tâm, giúp đỡ đáng kể của huyện Sông Mã và tỉnh Sơn La thông qua việc triển khai thực hiện Đề án chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự.
Thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án năm 2017, xã Huổi Một còn tới hơn 70% hộ nghèo. Nhờ cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chú trọng triển khai các nội dung theo Đề án như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nhận thức, tránh xa các tệ nạn xã hội; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư làm đường giao thông liên bản, liên xã; tập huấn kiến thức phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đưa những cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như nhãn, xoài, gia súc, gia cầm để bà con chăn nuôi, trồng trọt... Nhờ vậy, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên, số hộ nghèo, cận nghèo giảm nhiều, nay chỉ còn khoảng 50%.
Cũng theo Phó Chủ tịch xã Huổi Một Lầu A Của, hiện xã đang chú trọng hướng dẫn kỹ thuật để bà con triển khai mô hình nhãn chín sớm cho đồng bào. Đây là mô hình mang lại năng suất, hiệu quả cao, được kỳ vọng sẽ giúp bà con nhanh chóng thoát nghèo trong thời gian tới.
"Cấp ủy chính quyền cũng đã tăng cường công tác tuyền truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, người dân cũng đã nhận thức sâu sắc, phát triển kinh tế xã hội, trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, trồng trọt có cây săn, ngô và phát triển cây ăn quả, cải tạo vườn tạp trên đất dốc. Năm 2021, sản lượng nhãn của Huổi Một đạt trên 4000 tấn, xoài trên 200 tấn, đã giúp mang lại nguồn thu cho người dân", Phó Chủ tịch xã Lầu A Của cho biết.
Thượng tá Lê Ngọc An, Phó trưởng Công an huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết, trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục là nòng cốt trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm… nhằm đem lại sự an toàn, bình yên cho bản làng vùng cao.
“Công an huyện tham mưu cho UBND huyện trong công tác chỉ đạo, điều hành, quan tâm đến phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Cũng như tuyên truyền những tác hại của việc mua bán ma túy, qua lại biên giới với hình thức vượt biên để bà con nhận thức rõ những hành vi vi phạm pháp luật và cùng lực lượng công an tuyên truyền, nhắc nhở với người thân”, Thượng tá Lê Ngọc An, Phó trưởng Công an huyện Sông Mã nhấn mạnh.
Tiếng khèn, tiếng sáo đang vang vọng khắp núi rừng Tây Bắc. Một mùa Xuân mới đang về. Dù còn không ít khó khăn, vất vả, song với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng; sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên của người dân, tin tưởng rằng, một cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc và no ấm hơn sẽ hiện hữu nơi mảnh đất miền biên giới này./.
Theo VOV