Yên Sơn bứt phá trong xây dựng nông thôn mới
Trăn trở xã nghèo
Yên Sơn là xã vùng cao của huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La), cách trung tâm huyện 18km về phía Tây; có 1.400 hộ dân với hơn 5.600 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc (Kinh, Thái, Mông, Xinh Mun). Yên Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên là 4.870ha; trong đó, có gần 1.880ha đất lâm nghiệp, hơn 2.580ha đất nông nghiệp.
Hơn chục năm về trước, khi mới bắt đầu xây dựng nông thôn mới, Yên Sơn thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí chưa cao; giao thông chưa phát triển, sản xuất hàng hóa chưa thật sự hiệu quả. Cuộc sống của bà con phụ thuộc vào nương ngô, ruộng mía; thu nhập trung bình của mỗi người chỉ từ 10-15 triệu đồng/người/năm.
Xuất phát điểm thấp, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Sơn là bài toán khó đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương bởi đích đến cuối cùng của nông thôn mới chính là nâng cao chất lượng đời sống người dân, xây dựng vùng quê phát triển, xanh - sạch - đẹp. Để đạt được điều đó, các cán bộ từ huyện đến xã, bản luôn trăn trở với câu hỏi làm thế nào để phát huy tiềm lực, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Thiết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Yên Sơn còn những hạn chế do có đông dân cư nhưng phân bố rải rác, địa hình khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Một số bản chưa quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện các tiêu chí mà chỉ chú trọng đến các nội dung về phát triển sản xuất, xây dựng đời sống xã hội, giao thông… Đội ngũ cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm, làm việc kiêm nhiệm trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Để giải bài toán xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Yên Sơn đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các bộ tiêu chí; văn bản cụ thể hóa các quy định của xã về các bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở các văn bản chỉ đạo cấp trên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng; phát động các phong trào thi đua, phát huy vai trò của các tổ chức Hội trong công tác xây dựng nông thôn mới; Tổ chức rà soát, đánh giá định kỳ các tiêu chí, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp bám sát tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cho thời gian tiếp theo.
Cũng theo ông Đỗ Văn Thiết: "Để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao và bền vững, chúng tôi luôn bám sát các chỉ đạo của tỉnh, của huyện. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã, cấp bản; phân công nhiệm vụ rõ ràng tới từng cán bộ, thành viên trong Ban Chỉ đạo và từng đoàn thể của xã trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các tiêu chí. Cán bộ phải bám sát dân, bám sát địa bàn và bám sát phong trào; phát hiện và tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền cấp trên về những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để có giải pháp phù hợp. Với những khó khăn nào mà xã, bản có thể giải quyết được thì chúng tôi giải quyết luôn. Khó khăn lớn hơn thì đề nghị tỉnh, huyện, các sở, ngành hỗ trợ. Nhờ thế, người dân thêm tin tưởng hưởng ứng, phong trào ngày một mạnh hơn, thành công hơn".
Phát huy nội lực, bứt phá trong xây dựng nông thôn mới
Tận dụng những lợi thế của địa phương, xã Yên Sơn đã khảo sát và tiến hành cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; khai thác được tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng bản. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.
Người dân từ chỉ biết trồng cây ngô, cây mía nay đã chuyển sang trồng thêm cây cà phê, cây mận, cây chè và các loại cây ăn quả, rau màu khác; trồng thêm cỏ, các loại cây phục vụ hoạt động chăn nuôi. Những cây trồng kém hiệu quả đã được thay thế bằng những giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn. Diện tích cây ăn quả cũ được cải tạo; lai ghép giống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và áp dụng quy trình chăm sóc khoa học, giúp điều chỉnh thời vụ thu hoạch sớm hoặc muộn hơn so với chính vụ để nâng cao giá trị hàng hóa, tiêu thụ thuận lợi hơn với các sản phẩm như: Nhãn chín sớm, nhãn chín muộn, bưởi da xanh chín muộn, mận hậu chín sớm, mận hậu chín muộn…
Bà Lò Thị Chài, người dân bản Cò Chìa, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La tự hào: “Giờ xã Yên Sơn chúng tôi có nhiều loại nông sản hay, ngon lắm. Mùa nào thức nấy đều có cả. Tại bản Cò Chìa, chúng tôi có mận, mơ, xoài, nhãn, ngô, mía, cà phê…. Tầm này có bí với dưa chuột. Bà con tập trung vào phát triển sản xuất, nhà nào làm được cũng dần có của ăn, của để, trong bản không có rượu chè, tệ nạn”.
Về chăn nuôi, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá, như nuôi gia súc sinh sản, nuôi gia súc lấy thịt theo phương pháp vỗ béo đúng chu kỳ, nuôi gà thả vườn… Vận động, hướng dẫn người dân tiêm vaccine đầy đủ cho đàn vật nuôi; chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; ứng dụng các giải pháp môi trường như dùng đệm lót sinh học, xây hầm khí biogas, thu gom rác thải theo chủng loại để vừa giải được bài toán nâng cao thu nhập, vừa đạt mục tiêu bảo vệ môi trường, sản xuất ra nông sản sạch và đạt chất lượng cao.
Hiện sản lượng búp chè tươi trên địa bàn xã đạt khoảng 27 tấn, sản lượng quả cà phê tươi ước đạt 850 tấn, sản phẩm mận hậu ước đạt 2.260 tấn; đàn gia súc, gia cầm lên đến hơn 63.000 con, chủ yếu là trâu, bò, dê, lợn… Tổng giá trị thu nhập của toàn xã đạt gần 160 tỷ đồng. Mức thu nhập bình quân đầu người/năm từ hơn 28 triệu đồng/người năm 2023, đến nay đã tăng lên 37 triệu đồng/người.
Để tiếp tục phấn đấu đạt tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới và phát triển kinh tế trong điều kiện thời tiết và thiên tai diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của người dân, xã Yên Sơn đã chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ bà con ổn định sản xuất, thâm canh tăng vụ. Về lâu dài, xã đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp, không tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả mà tập trung vào xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm, nâng cao chất lượng cây ăn quả, phấn đấu có 1 sản phẩm OCOP là mận Yên Sơn.
Trong triển khai xây dựng nông thôn mới ở Yên Sơn, các tổ chức hội, đoàn thể xã cũng tích cực vào cuộc; thường xuyên vận động, tuyên truyền hội viên và bà con nông dân cùng tham gia giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm; cải tạo cảnh quan môi trường theo hướng xanh - sạch - đẹp. Hiện xã Yên Sơn đã thành lập tổ thu gom rác thải tại khu trung tâm xã, các bản trục đường quốc lộ 6c; phát động phong trào đào hố rác mini tại các bản không có tổ thu gom rác; đầu tư 25 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại 4/10 bản.
Chị Vì Thị Sướng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Sơn cho biết: “Tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Sơn đã tuyên truyền tới 100% các cán bộ, hội viên ở 10 bản thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới, chương trình “5 không 3 sạch” và quét dọn đường làng ngõ xóm. Mỗi tháng, chị em ra quân quét dọn đường làng ngõ xóm với hơn 1000 hội viên tham gia; trồng thêm hoa, cây xanh tại nhà văn hóa và các đoạn đường vào bản”.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc được quan tâm sát sao. Cũng theo chị Vì Thị Sướng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Sơn, cho biết: Xã Yên Sơn đang xây dựng mô hình dân vận khéo để bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Thái. Chúng tôi đã sưu tầm các hiện vật như khung cửi, áo cóm, khăn piêu… để bảo tồn, trưng bày cho các thế hệ trẻ. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các bản vẫn được tổ chức định kỳ, để giữ gìn những giá trị, nếp sống của bà con dân tộc nơi đây.
Đời sống văn hóa nông thôn ở Yên Sơn được cải thiện; các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao mỗi dịp lễ, tết được duy trì. Xã có 11 nhà văn hóa, mỗi bản đều có một đội văn nghệ thường xuyên hoạt động. Công tác vận động, tuyên truyền được thực hiện đến từng bản, có cụm loa truyền thanh thông báo tại 10/10 bản của xã.
Về giáo dục, xã Yên Sơn có sự phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng. Toàn xã duy trì 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, duy trì tốt kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, xóa mù chữ đạt mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Y tế tuyến cơ sở được nâng cao chất lượng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100% kế hoạch huyện giao…
“Đến nay, xã đã đạt 13 tiêu chí, đang phấn đấu hoàn thành 6 tiêu chí còn lại là quy hoạch, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, nghèo đa chiều, môi trường và an toàn thực phẩm”, ông Đỗ Văn Thiết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết.
Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, từ một xã nghèo vùng III của huyện Yên Châu, Yên Sơn đã có nhiều nỗ lực để thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống cho bà con các dân tộc, khơi dậy nội lực địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để Yên Sơn tiếp tục phát triển, khai thác những tiềm năng thế mạnh, cán đích nông thôn mới trong năm 2024.