Nông thôn mới

An Giang: Phát triển các sản phẩm OCOP xanh nhằm phát triển bền vững

Nguyễn Vân - 07:21 10/12/2023 GMT+7
Chương trình OCOP tỉnh An Giang đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh vào đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Thông qua đó, các địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương. Hiện nay, An Giang có 74 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP”.

Sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn

Thời gian qua, Chương trình OCOP tại tỉnh An Giang được tổ chức, triển khai tương đối đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu và góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục thiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhiều chủ trương, chính sách được cụ thể hoá và tổ chức thực hiện nhằm hỗ trợ các chủ thể; hỗ trợ tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra sản phẩm đạt được chất lượng cao và đa dạng mẫu mã sản phẩm.

Chương trình OCOP được tỉnh rất quan tâm tạo điều kiện. Ảnh: ĐVCC

Sự tập trung thực hiện của các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể, người dân đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Qua đó đã đánh giá được tiềm năng, thế mạnh của địa phương từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Dịch vụ du lịch, tạo được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân;

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đã và đang triển khai thực hiện theo quy trình chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, ISO... để sản xuất sản phẩm, là các quy trình sản xuất đảm bảo sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguyên nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình.

Đồng thời, chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể về quản trị, tổ chức sản xuất, năng lực thị trường… hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP. Công tác quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận còn là vấn đề cần được quan tâm và đẩy mạnh.

Năng lực của các tổ chức kinh tế OCOP còn khiêm tốn nên việc quản trị, phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương của các sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn… Nhiều Chủ thể kinh tế chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của Chương trình OCOP, các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, tư tưởng và nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ về chương trình OCOP, sản xuất chưa tập trung. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chủ yếu các cơ sản xuất nhỏ, hợp tác xã… chưa được hóa đơn hàng hóa nên gặp nhiều khó khăn trong liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Nhiều Hội nghị, diễn đàn được tỉnh tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho Chương trình OCOP. Ảnh: ĐVCC

Các chủ thể OCOP ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; Các chính sách, giải pháp về đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, quy mô nhỏ chưa gắn với yêu cầu và điều kiện thực tế; năng lực tư vấn hỗ trợ về đổi mới sáng tạo ở địa phương còn hạn chế gây không ít khó khăn trong phát triển Chương trình OCOP của tỉnh.

Phát triển các sản phẩm OCOP xanh nhằm phát triển bền vững

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang, nhằm tăng cường tuyên truyền, chuyển đổi tư duy và nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP, thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP, nhất là việc phát huy nội lực trí tuệ, sự sáng tạo của chủ thể OCOP; giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; sử dụng nguyên liệu địa phương và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa địa phương... gia tăng giá trị.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể OCOP, cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm OCOP; Phát huy giá trị tài nguyên bản địa, truyền tải về văn hóa, tri thức dân gian của địa phương; phản ánh các hoạt động về quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Đẩy mạnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP, tập trung trọng tâm vào trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường; bổ sung kiến thức cho các chủ thể OCOP về phát triển kinh tế xanh, từ đó góp phần từng bước thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP xanh nhằm phát triển bền vững (Sản phẩm OCOP xanh cần thỏa mãn 3 tiêu chí về kinh tế, môi trường và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người và hài hòa với thiên nhiên). Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn gắn với phương pháp phát triển dựa vào nguồn lực cộng đồng (ABCD) để nâng cao năng lực, nhận thức và sự tham gia của chủ thể OCOP và cộng đồng.

Sản phẩm OCOP An Giang phong phú, đa dạng. Ảnh: ĐVCC

Khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn; Đẩy mạnh hướng phát triển sản xuất theo hướng bền vững sản phẫm hữu cơ, thân thiện mới môi trường; Khai thác được các lợi thế về chất lượng của các sản phẩm đặc sản địa phương; Hình thành các câu chuyện mang tính quảng bá, marketing trên nền tảng các giá trị về văn hóa, tri thức bản địa của người dân và cộng đồng; gắn với các thông điệp về tiêu dùng bền vững, có trách nhiệm dựa trên nền tảng lợi thế của các sản phẩm địa phương;

Nâng cao năng lực, sự chủ động của các chủ thể theo hướng hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; Chú trọng về các khía cạnh tổ chức sản xuất và quản trị; năng lực về thương mại, xây dựng sự kết nối ngay từ đầu giữa các chủ thể với các đơn vị phân phối, hình thành sự kết nối và thống nhất chung về sản phẩm, chất lượng, yêu cầu để tham gia vào chuỗi phân phối.

Xây dựng và quản lý đồng bộ và hiệu quả thương hiệu OCOP tỉnh An Giang để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP, đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng. Xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP, góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Tập trung, ưu tiên thị trường trong nước, phát huy các yếu tố về văn hóa, cộng đồng gắn với đặc trưng của sản phẩm OCOP.

Xây dựng hệ thống các sự kiện, chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thường niên, đồng bộ và kết nối từ trung ương đến địa phương. Xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế; nâng cao năng lực hệ thống logistic trong thương mại sản phẩm OCOP; xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP quốc gia. Từng bước tổ chức các sự kiện tuần lễ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Việt Nam ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Tin cùng chuyên mục
Tin khác