Học hỏi làm giàu

Nông sản Bắc Giang 'thênh thang' đầu ra nhờ chuyển đổi số

Hoàng Tính - 07:11 06/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp người nông dân Bắc Giang tiếp cận xu thế sản xuất thông minh, đồng thời giúp nông sản dễ dàng tạo kênh tiêu thụ, chinh phục thị trường.

Khi nông dân “lên sóng”

Vụ vải thiều năm 2021 của tỉnh Bắc Giang đã kết thúc một cách thuận lợi dù rơi vào đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Ngoài việc bán hàng tại các chợ truyền thống, thì câu chuyện người dân huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang đã nắm bắt được xu thế của chuyển đổi số. Những nông dân trực tiếp livestream bán hàng trên các trang mạng xã hội, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đang trở nên phổ biến. Bởi cách bán hàng mới này đã góp phần giúp người dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi.

Livestream bằng điện thoại đang mở ra hướng tiêu thụ vải thiều cho nông dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Được sự hỗ trợ của các nhân viên Sàn Thương mại điện tử Sendo, chị Đỗ Thị Vân và anh Hà Quang Thành – Xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã tự tin livestream để bán vải thiều. Chỉ trong vòng hơn 40 phút “lên sóng” chị Vân và anh Thành đã chốt được 8 tấn vải thiều với hàng trăm đơn hàng ở trên khắp mọi miền cả nước.

Anh Thành chia sẻ: Việc livestream bán hàng trực tiếp cũng khá đơn giản chỉ cần có 1 chiếc điện thoại thông minh. Một người cầm điện thoại còn lại 1 người đứng trước giới thiệu về vải thiều: Cách trồng, chăm sóc, nhận diện vải thiều… và kêu gọi mọi người đặt hàng trực tuyến trên ứng dụng.

Ngay sau khi khách chốt đơn trên ứng dụng, những người nông dân mới thu hoạch vải thiều, sau đó đóng thùng xốp, giữ lạnh đúng quy cách, dán tem truy xuất nguồn gốc và vận chuyển nhanh bằng nhiều hình thức (xe lạnh, ô tô, máy bay…) về các địa chỉ của khách. Các đơn hàng tới tay người tiêu dùng chỉ trong vòng 2-3 ngày đặt hàng.

Đặt hàng trên ứng dụng điện tử là phương thức mua hàng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn 

Ông Trần Văn Minh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn cho hay: Cách bán vải thiều trực tuyến bằng livestream, rồi đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử đã đem lại nhiều hiệu ứng rất tốt cho bà con trồng vải thiều chúng tôi, tuy mới nhưng đã có hàng trăm hộ gia đình cùng tham gia hàng hàng. Bà con nông dân rất phấn khởi, bởi lỗi vất vả khi phải chở từng xe vải thiều ra ngoài chợ bán mà không biết giá cả thế nào, đã phần nào được giải quyết.

Theo Sở Công thương Bắc Giang: Năm 2021, vải thiều Bắc Giang đã được bán trực tuyến trên nền tảng online (Facebook, Zalo, YouTube…), hạ tầng Internet trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, postmark, Alibba…) với số lượng lớn nhất từ trước tới nay, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng trên 6.000 tấn.

Xây dựng được lòng tin người mua hàng

Khi livestream bán vải thiều trên nền tảng kỹ thuật số tức là người nông dân đã mạnh dạn đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh hiện đại, tương tác với khách hàng ở mọi nơi, đáp ứng đòi hỏi của khách hàng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Qua đó, người nông dân đã thực hiện đúng vai trò là trung tâm trong tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp.

Là người đã mua vải thiều trong livestream bán hàng của chị Vân và anh Thành, chị Nguyễn Thị Thảo – Phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) cho hay: Với cách livestream bán vải thiều trực tiếp của nông dân ở huyện Lục Ngạn, tôi thấy rất yên tâm khi đặt mua hàng, bởi được trực tiếp nhìn thấy những quả vải thiều tươi ngon ngày tại vườn, lại được hiểu thêm về cách trồng, chăm sóc của họ… Điều này hoàn toàn khác so với việc mua hàng ở chợ hay siêu thị.

Sau khi có đơn hàng, người nông dân mới thu hoạch vì vậy mà chất lượng sản phẩm luôn đạt tươi ngon nhất

Chia sẻ về hiệu quả của livestream bán vải thiều chị Vân cho hay: Từ buổi livestream bán vải thiều, chúng tôi đã tiếp cận được với các đơn hàng từ các doanh nghiệp, cửa hàng thực phẩm sạch trên khắp cả nước. Đây là những khách hàng tiềm năng mà chỉ có bán hàng trực tuyến chúng tôi mới có được. Trong những vụ tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc livestream bán vải thiều và xây dựng thêm những buổi livestream trong quá trình trồng, chăm sóc… để khách hàng hiểu thêm về quy trình sản xuất tạo ra những quả vải thiều sạch và an toàn.

Ông Minh cho biết thêm: Việc tiêu thụ vải thiệu qua hình thức bán hàng trực tuyến còn rất thuận lợi cho khách mua hàng. Thay vì phải đi ra ngoài chợ hay siêu thị thì người tiêu dùng chỉ cần đặt hàng trên ứng dụng, nhà vườn sẽ chốt đơn và vận chuyển ship đến tận nhà. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, đây cũng là cách giảm nỗi lo cho mọi người không phải ra đường.

Hiện nay khó khăn đối với ngành Nông nghiệp ở nhiều địa phương là khi thương lái không đến mua nông sản thì nông dân không biết bán ở đâu và cho ai. Bởi vậy với sự hỗ trợ của chính quyền và các doanh nghiệp kỹ thuật số đồng hành hỗ trợ người dân chắc chắn câu chuyện bán sản phẩm ở đâu, bán cho ai, làm thế nào để dễ bán, tạo được niềm tin với khách hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm… sẽ là câu chuyện không phải là rào cản của nông nghiệp nước ta./.

Trên thực tế, vấn đề tiêu thụ nông sản luôn là bài toán khó mà nhiều địa phương vẫn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Kênh bán hàng trực tuyến sẽ là xu thế của tương lai, vì vậy người nông dân cần chủ động nắm bắt.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác