Bài học lớn nhất từ Hiệp định Geneve 1954 là tinh thần độc lập, tự chủ
Chỉ đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ngày 8/5/1954, Hội nghị Geveve bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đàm phán hết sức căng thẳng, phức tạp, Hiệp định Geneve đã chính thức được ký vào ngày 21/7/1954. Bản Hiệp định này đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam…
Hiệp định Geneve là mốc son lịch sử của dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn". Có thể khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ chính là cái chiêng tạo tiếng vang toàn cầu, là nhân tố mang tính quyết định đưa phái đoàn của Chính phủ Việt Nam đến bàn Hội nghị cũng như tạo ưu thế cho ta trên bàn đàm phán.
Tại sự kiện lịch sử này, Việt Nam đã lần đầu tiên tham gia một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và toan tính lợi ích riêng. Tuy nhiên, thông qua phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược, đoàn đàm phán của Ta đã đạt được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.
Việc ký kết Hiệp định Geneve năm 1954 là một thắng lợi có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là văn bản pháp lý quốc tế hết sức quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương.
Theo đó, Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ ba nước Đông Dương…
Gần 20 năm sau, Hiệp định Paris năm 1973 đã một lần nữa khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneve năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Bên cạnh đó, Hiệp định Geneve năm 1954 cũng là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử thế giới, đã tạo nguồn cảm hứng và cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp toàn cầu, vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; đồng thời mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
Phát huy tinh thần Hiệp định Geneve trong bối cảnh hiện nay
70 năm trôi qua kể từ ngày Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, đặc biệt là từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước ta đã đạt được những thắng lợi vẻ vang và những thành tựu to lớn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thuỷ chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay”.
Mặc dù tình hình quốc tế và khu vực đã có nhiều thay đổi và diễn biến hết sức nhanh chóng, khó lường nhưng tinh thần và nhiều kinh nghiệm quý báu từ Hội nghị Geneve 1954 vẫn còn ý nghĩa sâu sắc cho chúng ta trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Bài học lớn nhất nhìn từ Hiệp định Geneve 1954 là tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh Hội nghị Geneva được tổ chức theo sáng kiến của các nước và chịu sự tác động, can dự của các nước lớn, đoàn đàm phán của Việt Nam vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, thể hiện trong việc xác định và bám sát các mục tiêu, nguyên tắc đàm phán dù linh hoạt về sách lược.
Thực tế đã chứng minh, mặc dù các cường quốc có khả năng chi phối các vấn đề quốc tế nhưng các nước nhỏ hơn thông qua việc hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại đúng đắn có thể tác động trở lại cục diện. Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia, bao gồm các nước lớn luôn vì các mục tiêu và toan tính lợi ích riêng. Vì vậy, trong tham gia hợp tác quốc tế, chỉ có kiên định độc lập, tự chủ mới giúp chúng ta giữ vững thế chủ động và bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia và dân tộc.
Cùng với đó, có thể nói, thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Geneve dựa trên nền tảng sức mạnh đoàn kết dân tộc và sự phối hợp hiệu quả của nhiều mặt trận. Trong đó, cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta được bạn bè quốc tế và các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và nhân dân trên thế giới ủng hộ, cổ vũ. Việc này đã góp phần tạo nên sức mạnh của thời đại cho thắng lợi của Hội nghị Geneve.
Trong tình hình hiện nay, Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nêu cao phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Công tác đối ngoại, nhất là ngoại giao nhân dân cần phải tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh nhằm vận động, kêu gọi sự chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khu vực đối với các vấn đề liên quan lợi ích, đặc biệt là lợi ích cốt lõi của Việt Nam.
Quan trọng hơn cả, bài học bao trùm nhất từ thành công của Hội nghị Geneve năm 1954 chính là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Phát huy tinh thần và các bài học kinh nghiệm từ việc ký kết Hiệp định Geneve năm 1954 và truyền thống vẻ vang của cách mạng Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên các lĩnh vực, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn:
1. Ban Tuyên giáo (https://bantuyengiao.cantho.gov.vn/vi/news/tai-lieu-tuyen-truyen/de-cuong-tuyen-truyen-ky-niem-70-nam-ngay-ky-hiep-dinh-gionevo-ve-dinh-chi-chien-su-o-viet-nam-1844.html)
2. Báo điện tử Đảng Cộng sản (https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/hiep-dinh-geneva-the-hien-ban-linh-va-ban-sac-ngoai-giao-viet-nam-663832.html)
3. Báo điện tử Đảng Cộng sản (https://dangcongsan.vn/tieu-diem/hiep-dinh-geneve-dau-moc-quan-trong-cua-nen-ngoai-giao-cach-mang-viet-nam-663568.html)
4. Tạp chí Cộng sản (https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/920002/chien-thang-dien-bien-phu---bai-hoc-lich-su-va-y-nghia-doi-voi-su-nghiep-doi-moi-hien-nay.aspx)
5. Báo Chính phủ (baochinhphu.vn/hiep-dinh-geneve-1954-mot-moc-son-lich-su-cua-nen-ngoai-giao-viet-nam-102240425094504794.htm)
6. Báo Chính phủ (baochinhphu.vn/hiep-dinh-geneve-viet-nam-mem-deo-sang-suot-va-kien-dinh-trong-dam-phan-102240425163824965.htm)
7. Báo Dân trí (https://dantri.com.vn/xa-hoi/hiep-dinh-geneve-nam-1954-moc-son-trong-lich-su-ngoai-giao-viet-nam-20240425134039422.htm)
8. Cổng thông tin tỉnh Tây Ninh (https://www.tayninh.gov.vn/vi/news/tin-hoat-dong-h/hiep-dinh-geneve-bai-hoc-quy-cho-hoat-dong-doi-ngoai-quoc-phong-an-ninh-trong-tinh-hinh-moi-47303.html
Theo VOV
- Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in sâu trong tâm thức người dân Lào
- Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP
- Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi