Nông thôn mới

Cà Mau: Xã Khánh Hội xây dựng nông thôn mới từ nghề biển

Hoàng Quân - 18:52 08/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những tưởng thiên tai đã làm mất đi nghề biển trăm năm ở đây, khi 25 năm trước, Cửa biển Khánh Hội - U Minh chứng kiến sự kiện tang thương với hơn 500 người chết và mất tích cùng nhiều phương tiện trong cơn bão Linda 1997. Thế nhưng, hôm nay Khánh Hội đã đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới từ nội lực chính mình, bắt đầu từ nghề biển.

Đổi thay trên vùng quê biển

Chiều ngày 4/10/2022, xã Khánh Hội, huyện U Minh đã long trọng tổ chức lễ đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đánh dấu một bước tiến dài đổi thay trên quê hương phải chịu nhiều tang thương của  nơi cơn bão LinDa khủng khiếp đi qua 25 năm trước.

Tháng 11/1997, hàng ngàn người dân đổ về Cửa biển Khánh Hội, đau đáu nhìn hướng biển trông chờ những người con may mắn trở về sau cơn bão LinDa tàn khốc. Nhưng hơn 500 người con Khánh Hội đã không trở về. Sau cơn bão hãi hùng ấy, cơ sở vật chất, nhân lực của nghề biển của Khánh Hội gánh chịu tổn thất lớn. Kiệt quệ và tang thương, tưởng chừng như không thể khôi phục.

Nhưng nay đã hoàn toàn khác, nghề biển nơi đây vẫn được ngư dân duy trì, bám biển mưu sinh, góp phần giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Đến với Khánh Hội hôm nay, chỉ nhìn thấy đâu đâu cũng một cảnh sắc nhộn nhịp của thị tứ miền Biển, năng động và phát triển.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (bên phải) trao chứng nhận nông thôn mới cho xã Khánh Hội ngày 4/10/2022.

Được thiên nhiên ưu đãi, Cửa biển Khánh Hội, xã Khánh Hội huyện U Minh thuận lợi cho nghề biển. 542 phương tiện khai thác thủy hải sảncủa xã mỗi năm  khai thác 23.000 tấn thủy hải sản. Chợ xã nằm ngay cửa biển với hơn 250 cơ sở kinh doanh các dịch vụ hậu cần nghề biển như: hãng nước đá, cây xăng dầu, cơ sở thu mua, sơ chế thủy sản, cơ sở sửa chữa máy móc, sửa chữa tàu thuyền, cơ sở mua bán hậu cần nghề cá (ngư lưới cụ, xăng dầu, nước đá....), góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động, tăng thu nhập bền vững cho người dân. Đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế của địa phương.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã nhấn mạnh: “Đi lên từ một xã vùng xa, nhiều khó khăn, ban đầu chỉ đạt 4/19 tiêu chí, sau 11 năm phấn đấu, tập trung quyết liệt của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và bà con nhân dân, đến nay đã Khánh Hội đã chinh phục được chuẩn NTM. Thời gian tới, Khánh Hội cần tập trung nâng chất, phấn đấu năm 2025 đạt chuẩn mới chuẩn nông thôn mới  nâng cao”.

Cây xăng ngay cửa Khánh Hội, hậu cần nghề biển (ngư cụ, nước đá, xăng dầu…) ở Khánh Hội đang được phát triển.

Đầu tư phát triển lâu dài nghề biển

Đánh giá tiềm năng là xã vùng ven biển, Khánh Hội được cấp các ngành có liên quan quan tâm, chỉ đạo tốt công tác phát triển kinh tế xã hội từ nghề biển. “Mỗi chuyến biển an toàn sẽ góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương” - ông Châu Minh Đảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội nói.

Cơn bão số 5 (Linda)  đổ bộ vào vùng biển Tây Nam tháng 11/1997 đã làm 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác. Tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 2.700 tỷ đồng. Riêng Khánh Hội là địa phương chịu nhiều tổn thất, khi có hơn 500 ngư dân thiệt mạng và mất tích. Những địa danh: kênh Biện Nhị, Chệt Tửng, kênh Xáng Mới, Rạch không chồng, Xóm không chồng… thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh lgắn liền với những cảnh đời phải chịu hậu quả tang thương nhất khi bão Linda đi qua.

Toàn xã có hơn 500 phương tiện đánh bắt, chưa kể có hàng trăm phương tiện khác của các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu…

 Chính vì vậy, để kiên trì phát triển nghề biển, U Minh và tỉnh Cà Mau đã tập trung hàng đầu vấn đề con người, phương tiện khai thác. Nhiều năm nay, công tác tuyên truyền IUU, luật biển… được các cấp các nghành thường xuyên tăng cường giáo dục tăng thêm ý thức cho người dân trước khi ra khơi. Phương tiện phải đảm bảo phải đầy đủ các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn theo qui định

Theo ông Châu Minh Đảm, những địa danh tang thương ngày trước như “Làng goá phụ”, xóm không chồng  giờ diện mạo đã nhiều đổi thay. Con kênh Xáng Mới giờ đây tấp nập ghe biển. Nhiều con lộ bê-tông rộng 2,5- 3m đã nối liền các ấp, ra tận đê biển. Dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú bão cho tàu cá kết hợp với bến cá cửa biển Khánh Hội được đầu tư với tổng số vốn trên 134 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng. Tất cả đang tạo điều kiện cho các phương tiện đánh bắt thuỷ sản ra vào thuận lợi, vực dậy nền kinh tế biển, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của huyện U Minh.

Một cơ sở thu mua mực của Khánh Hội ngay cửa biển.

Ngoài nghề đi biển, xã còn tạo điều kiện để phụ nữ Khánh Hội tăng thu nhập bằng những nghề truyền thống, thông qua các lớp dạy nghề ở địa phương. Vì thế, thu nhập bình quân đầu người 55 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 11,6% vào năm 2015, nay giảm xuống còn 3,88%, tương đương 108 hộ. Theo ông, con số trên sẽ còn nhiều thay đổi mới tích cực hơn vào năm 2025 khi Khánh Hội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao như nghị quyết của Đảng bộ xã khóa 2020-2025 đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác