Tìm "phương thuốc" đẩy lùi bệnh sợ trách nhiệm của cán bộ
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận tình hình KT-XH, ngân sách Nhà nước, vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, dẫn tới giải quyết công việc chưa hiệu quả.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP.HCM), căn bệnh sợ trách nhiệm đang khiến cho việc giải quyết nhiều công việc chính đáng của người dân, doanh nghiệp bị đình trệ.
“Có một tồn tại là tình trạng ngần ngại ra các quyết định thuộc thẩm quyền, tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp phép các loại giấy phép, tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết các khiếu nại, ách tắc của người dân, doanh nghiệp. Tình hình này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, gây ra tình trạng đình đốn trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết.
Tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm xuất hiện nhiều lần trong các báo cáo gửi Quốc hội qua nhiều kỳ họp nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm đã trở thành một loại dịch lan rất nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ trong mọi cấp, mọi ngành.
Nêu lại câu hỏi: “Có phải do chưa có cơ chế xử lý cán bộ, công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng, điều băn khoăn này là không đúng. Theo đại biểu, đã có nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; Trung ương cũng đã có Kết luận 14, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị Chính phủ đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thực sự hiệu quả. Trong đó có việc khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay, có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả để từ đó nhân rộng. Nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc, các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần phải xem xét lại và có biện pháp hữu hiệu để khắc phục.
Nghị định 73 của Chính phủ ban hành năm 2023 quy định rõ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) việc này vẫn khó áp dụng trên thực tế.
“Bảo vệ cán bộ như thế nào để họ không sa vào tiêu cực, tham nhũng? Thứ nhất phải định vị trách nhiệm, quyền lực của cán bộ đến đâu? Thứ hai, để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm mà không bị kỷ luật thì trước hết, cán bộ phải chấp hành nguyên tắc của cấp ủy, làm theo lời dạy của Bác “việc gì có lợi cho nhân dân, dù nhỏ nhất cũng cố làm, việc gì có hại cho dân, dù dễ cũng không làm”, GS.TS Phạm Hồng Tung nói.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định này đưa 5 chuẩn mực về đạo đức, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân.
TS Vũ Ngọc Lương – Trưởng Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, thực hiện nghiêm Quy định 144 sẽ góp phần điều trị hiệu quả căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm.
Theo TS Vũ Ngọc Lương, 5 chuẩn mực đạo đức trong Quy định 144 là những điều hết sức cần thiết. Thực tiễn công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay cũng đang có nhiều vấn đề mới đặt ra. Nếu không bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám dấn thân để vượt qua khó khăn, thử thách thì sẽ dẫn tới sự trì trệ rất lớn. Nếu cán bộ không dám, đồng thời không có cơ chế, chính sách để bảo vệ cán bộ thực hiện những “dám” đó thì khó khăn sẽ trở thành một trở lực cho sự phát triển của đất nước.
"Rất cần những cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám dấn thân nhưng cùng với đó là cơ chế, chính sách để bảo vệ cán bộ”, TS Vũ Ngọc Long cho biết.
Sau Đại hội XIII, Đảng, Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện để vừa xử lý nghiêm các sai phạm, ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm, vừa khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đặc biệt, sắp tới đây, việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp chính là điều kiện và là cơ hội để rà soát, sàng lọc đội ngũ cán bộ, lựa chọn những người xứng đáng nhất, đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ để đảm đương công việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Theo VOV
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới