Nông nghiệp

Đã có phác đồ điều trị, khống chế bệnh tiêu chảy trên bò sữa ở Lâm Đồng

Chi Phương - 10:40 12/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã trả lời các cơ quan báo chí, ông cho biết hiện nay cơ quan chuyên môn của tỉnh Lâm Đồng đã có phác đồ điều trị phù hợp nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi bệnh tiêu chảy trên bò sữa.
Người chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng lo lắng vì đàn bò bị bệnh sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và tỉnh Lâm Đồng tổ chức rà soát, đánh giá lại các biện pháp khẩn cấp triển khai  áp dụng phác đồ điều trị sát thực tiễn và có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tập trung toàn bộ nhân lực và phân công cụ thể đến từng hộ nuôi bò; về vật tư phải đảm bảo đủ 100% không để đứt gãy. Về phía tỉnh Lâm Đồng có sự phân công chi tiết, cụ thể cho từng đối tượng và cho từng hộ nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều động Cục thú y gồm Thú y vùng 6, trung tâm chẩn đoán và các đơn vị vào tập trung lấy mẫu xét ngiệm, giải trình tự gien với độ chính xác cao để kết luận nguyên nhân.

Về phác đồ điều trị, giải pháp quan trọng nhất được đưa ra là đảm bảo an toàn sinh học cho đàn vật nuôi và tổ chức phân loại đàn bò theo các cấp độ, sức khỏe của bò để có giải pháp điều trị, chăm sóc phù hợp.

Về xử lý xác bò chết, cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và không làm lây truyền bệnh trong tự nhiên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông  thôn đã chỉ đạo các đơn vị và thống nhất cách xử lý xác chết vật nuôi. Trước mắt tập trung toàn bộ lực lượng để chống dịch, vật tư hoá chất, thuốc sau khi tỉnh, các đơn vị thống kê nhu cầu cấp thuốc. Trong quá trình điều trị  nếu phác đồ hiện tại chưa sát, chưa chặt chẽ thì sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Khi phân tích nguyên nhân phải hết sức khách quan và phải rõ trách nhiệm của các bên để xử lý, làm sao để bà con chăn nuôi yên tâm và cũng có sự chia sẻ nhất định. Chúng ta đã biết dịch tả lợn châu Phi xảy ra là hỗ trợ chứ không phải đền bù. Trường hợp nào phải đền bù, trường hợp nào hỗ trợ, sẽ rất rõ trách nhiệm của các bên. Phải khẳng định Bộ sẽ chỉ đạo triệt để vấn đề này khi xác định được nguyên nhân…

“Chúng tôi đã khảo sát thực tế, và cũng đã có giải pháp. Bệnh tiêu chảy ở bò đã xuất hiện ở nước ta nhiều năm. Các DN nuôi tập trung đều đã tiêm phòng và vaccine đều được nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, ở ngoài, thể hiện ảnh hưởng chưa lớn và đặc biệt là các vùng lân cận. Chúng tôi đã chỉ đạo các vùng lân cận, giáp ranh có các giải pháp như thế nào, vùng đã bị bệnh thế nào, vùng lõi thế nào… Phải giải quyết an toàn sinh học cho chặt chẽ.

Việc nữa là khi chúng ta xử lý với thực tiễn thì hôm nay  có những đàn bò, trong đó có những cá thể đang mang thai không tiêm, khi không tiêm thì chưa thấy xuất hiện con nào bị bệnh. Điều đó cho thấy, mức lây truyền ở giới hạn nhất định, chứ không phải là bùng phát lên thành dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, tai xanh hay lở mồm long móng…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Sau khi kiểm tra, khảo sát thực địa và làm việc với các đơn vị liên quan tại Lâm Đồng, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành phác đồ điều trị trong chiều ngày 10/8 và được áp dụng ngay lập tức.

Tỉnh Lâm Đồng hiện nay có tổng đàn bò sữa khoảng 25.000 con, số lượng bò tiêm vacxin viêm da nổi cục của NAVETCO là khoảng 9.000 con, số bò bị bệnh sau tiêm khoảng 4.900 con và số bị chết tính đến ngày 11/8 là 209 con.

                                Các biện pháp an toàn sinh học

1. Phân loại bò

Trước tiên, cần tách bò chưa tiêm vắc xin viêm da nổi cục ra khỏi đàn bò đã tiêm phòng để theo dõi quản lý. Tách bò bệnh, không để tiếp xúc với đàn bò khỏe. Bò khỏe được nhốt ở khu vực ô chuồng riêng đầu hướng gió, đường thoát phân, nước tiểu. Bên cạnh đó, có thể tách những bò bệnh nặng riêng để chăm sóc, điều trị đặc biệt.

2. Tiêu độc, khử trùng

Đầu tiên là vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ hằng ngày. Sau đó, phun thuốc sát trùng (Virkon, Biokon, Navetkon-S, Vimekon, Altacid, Benkocid, Aiodcid, Rebencid 50, Fordecid,…) đảm bảo nồng độ pha loãng theo hướng dẫn của nhà sản xuất bên trong chuồng trại và môi trường xung quanh, khu vực hố chứa phân, nước tiểu và thức ăn thừa mỗi ngày 1 - 2 lần/ngày sau khi thực hiện công việc vệ sinh chuồng trại theo định kỳ hàng ngày.

Ngoài ra, rải vôi bột xung quanh chuồng nuôi, cổng ra vào khu vực chuồng nuôi, nơi tập kết phân, chất thải. Đặc biệt, hạn chế tối đa người không có nhiệm vụ, phương tiện vận chuyển thức ăn ra vào trại, bố trí cho bò ở khu vực khỏe mạnh ăn trước, sau đó mới cho bò ở khu vực bệnh ăn sau.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác