Diễn đàn

Gà đen đặc sản giúp người Mông đổi đời

07:14 09/08/2021 GMT+7

Thực hiện Nghị quyết 26 về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và quyết định QĐ/1722-TTCP của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Một trong những minh chứng rõ nét là những đổi thay ở Lùng Thẩn với những dự án đem lại sinh kế, tăng thu nhập cho ngươi dân.

Những con gà đen ở Lùng Thẩn mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho bà con địa phương.

Niềm vui nơi biên cương

Từ tháng 1.2020, 60 hộ dân ở xã biên giới Lùng Thẩn vui như mở hội khi lứa gà đen đầu tiên thuộc Dự án hỗ trợ của tỉnh được xuất bán. Thay vì cảnh chạy ăn từng bữa, những lứa gà đặc sản đã giúp cho các hộ dân có tiền tích lũy, mua sắm vật dụng, sửa sang cửa nhà.

Xã Lùng Thẩn được thành lập từ tháng 3.2020, trên cơ sở nhập toàn bộ con người, diện tích tự nhiên và bộ máy hành chính 2 xã Lử Thẩn và Lùng Sui. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 35,78km2, dân số 4.480 người và 5 thôn, bản. Do thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước, đất đai khô cằn xen lẫn đá nên việc canh tác, nuôi trồng không thuận lợi. Ở đây, người dân cũng nuôi trâu, bò và cả ngựa, dê nhưng quy mô nhỏ lẻ nên chỉ để giải quyết nhu cầu tự cung, tự cấp…

Nhiều hộ dân người Mông ở Lùng Thẩn đã quá quen với những con gà đen sì từ đầu đến chân, cả ngày kiếm ăn tha thẩn quanh sân vườn. Tuy nhà nào cũng nuôi, song nhiều lắm chỉ đôi ba chục con. Từ năm 2015, khi bắt đầu có dự án của huyện đưa giống gà đen bản địa về phát triển, người dân mới biết đây là giống gà quý hiếm, đã được bảo tồn gen thành công. Từ tháng 8.2019, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai Dự án hỗ trợ chăn nuôi gà đen tại đây nhằm nhân rộng mô hình nuôi con đặc sản cho quê hương vùng cao này.

Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn cho biết, đa phần người dân trong xã là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống còn nghèo khó. Vài năm trở lại đây, khi mô hình chăn nuôi gà đen được triển khai đã góp phần tích cực giúp bà con phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã đã có trên 60 hộ dân tham gia nuôi giống gà đặc sản này.

Theo ông Toán, nuôi gà đen rất dễ, ở Lùng Thẩn hầu như nhà nào cũng có vườn cây ăn quả, chỉ cần rào quây lại cho gà “ăn dưới đất, ngủ trên cây”, như thế gà sẵn có không gian rộng rãi để “tập thể dục” giúp thịt thêm săn chắc, phân gà thải ra lại bón trực tiếp cho cây thêm tốt. Nuôi gà đen còn phù hợp với hộ neo người do lực lượng lao động chính đi làm thuê xa nhà, để có thêm nguồn thu. Cùng với đó, sẵn thóc, ngô cứ tung ra cho ăn là chúng lớn, trong khi thịt gà đen ngoài thị trường luôn cho giá cao.

“Hiện nay trên thị trường, gà đen có thể bán được 180.000 – 200.000 đồng/kg, mỗi lứa bình quân 1 hộ có thể thu về 20-30 triệu đồng. Chúng tôi xác định chăn nuôi gà đen có thể làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đặc biệt là thay đổi từ cách làm lạc hậu của người dân trước đây sang hình thức mới, chăn nuôi với quy mô lớn hơn” – ông Hảng Seo Toán cho biết.

Đàn gà đen của người dân Lùng Thẩn rất phù hợp với khí hậu và tập quán chăn nuôi của đồng bào vùng cao.

Từng bước xây dựng thương hiệu

Đến nay, huyện Si Ma Cai có khá nhiều đặc sản ngon mang thương hiệu của vùng, như quả Lê Tai Nung, Mận Tam Hoa. Với việc bảo tồn và phát triển thành công giống gà đen của người Mông, địa phương đang kỳ vọng sẽ trở thành đặc sản đi đến khắp mọi miền Tổ quốc cũng như là bước đệm giúp đồng bào nơi đây xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững hơn.

Gà đen của người Mông có thịt đen, xương đen và có giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt, giống gà này chỉ phù hợp nuôi ở vùng cao, nơi có thời tiết mát mẻ và có diện tích rộng để chăn thả. Khi trưởng thành mỗi con gà có trọng lượng từ 1,5kg đến 1,8kg và được nuôi khoảng 4 tháng sẽ cho xuất chuồng.

Đánh giá về triển vọng của Dự án đối với địa phương, ông Hảng Seo Toán nhận định: “Dự án chăn nuôi gà đen là dự án trọng điểm, có thể làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thay đổi từ phong tục, tập quán, cách làm của người dân trước đây sang một hình thức mới là chăn nuôi theo quy mô lớn hơn. UBND xã đã phân công các cán bộ phụ trách thôn tổ chức họp, đến gặp trực tiếp từng hộ dân cho đăng ký. Đặc biệt, đã xét những hộ đủ nhân lực, đủ điều kiện về chuồng trại để tham gia dự án. Sau khi thực hiện bà con rất phấn khởi, phối hợp với chính quyền xã chăm sóc rất tốt, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.”

Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cái hay của loài gà này ở chỗ, chúng vốn là giống gà của chính người Mông, nên rất phù hợp với khí hậu, cũng như cách nuôi chăn thả của người vùng cao. Thực tế ghi nhận, tỷ lệ sống, thích nghi của gà đen bản địa rất cao, gần như tuyệt đối, khác hẳn các giống gà lai khác cùng nuôi tại địa phương.

Đặc biệt, gà đen bản địa khác hoàn toàn với loài gà ác dù cùng thịt đen, xương đen, nhưng vẫn dễ dàng phân biệt nhờ các đặc điểm nổi bật như sở hữu mào đen, chân nhỏ và chỉ có 4 ngón. Thêm vào đó, so với gà ác thì gà đen bản địa thuộc hàng “đẳng cấp”, mang tính đặc trưng của địa phương hơn nhiều.
Ông Nguyện cho biết: “Hay nhất ở đây là chất lượng thịt gà thơm ngon, độ dinh dưỡng rất cao, đặc trưng nữa là tất cả cơ thể gà đều có màu đen tạo ra loại đặc sản hiếm có, đó là những điều kiện cần thiết để xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương cũng như của tỉnh trong giai đoạn tới”.

Cho tới nay, một số nhà đầu tư để ý tới việc làm thương hiệu cho gà đen Lùng Thẩn để bán sản phẩm như gà đen hầm tam thất Si Ma Cai, gà đen gác bếp… Từ thành công của Dự án nuôi gà đen ở Lùng Thẩn, tỉnh Lào Cai đang tiếp tục mở rộng dự án ra toàn huyện Si Ma Cai và các địa bàn phù hợp trên toàn tỉnh Lào Cai.

Giống gà đen bản địa ở vùng cao Lào Cai (còn được mọi người biết đến là gà H Mông) là giống gà quý hiếm, chất lượng bậc nhất ở nước ta. Song song với việc bảo tồn, quá trình phát triển giống gà này ngay tại địa phương đã cho thấy chính những người đồng bào thiểu số ở vùng cao, là chủ nhân của giống gà này hoàn toàn có thể làm giàu từ nó.

Nhân Hà

Tin cùng chuyên mục
Tin khác