Hợp tác xã quy mô lớn sẽ quyết định cung cầu và giá cả trên thị trường
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra sản phẩm khó khăn là thực trạng chung mà các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nhỏ trong cả nước đang gặp phải. Từ thực tế đó, những mô hình HTX kiểu mới hình thành trên cơ sở liên kết các HTX thành viên nhỏ lẻ, xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất, cung ứng, bao tiêu sản phẩm đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Nếu như các HTX nông nghiệp nhỏ lẻ được xem là “bà đỡ” trực tiếp cho xã viên thì những HTX dịch vụ kiểu mới này lại là “bà đỡ” của HTX.
HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc được xem là một trong những “con chim đầu đàn” về phong trào kinh tế HTX tỉnh Quảng Nam. Hình thành từ thời bao cấp trải qua nhiều thăng trầm, có những thời điểm HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa rơi vào khủng hoảng tưởng chừng phải giải thể. Bằng sự nhạy bén, Ban điều hành HTX đã tự đổi mới hoạt động ổn định đến ngày nay.
Sản phẩm bánh tráng Đại Lộc được xem là đặc sản truyền thống, trở thành thương hiệu của tỉnh Quảng Nam, được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Theo ông Trương Cảm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa, do quy mô nhỏ lẻ, sản xuất manh mún và tiềm lực hạn chế, thị trường tiêu thụ sản phẩm bó hẹp nên đầu ra nông sản của xã viên còn thiếu ổn định. Mới đây, HTX đã liên kết với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Sunfood Đà Lạt về bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết này mở ra cơ hội mới trong tiêu thụ sản phẩm ra cả nước và mở đường xuất khẩu.
“Do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên tiêu thụ nông sản rất khó khăn. Khi tham gia chuỗi liên kết này đã tạo ra sự cung ứng sản phẩm kịp thời, liên kết tất cả đầu ra sản phẩm trên toàn quốc, sức lan tỏa nhiều hơn và có cơ hội xuất khẩu sang nước ngoài”, ông Cảm nói.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Sunfood Đà Lạt là đơn vị tiên phong và thành công về xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong ngành nông nghiệp. Đây là mô hình HTX kiểu mới, từ cung ứng giống vật tư, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết. Đặc biệt, nông sản được vận chuyển trực tiếp đến người tiêu dùng, sản phẩm được bảo hành, khách hàng được bảo hiểm khi mua sản phẩm.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Sunfood Đà Lạt cho biết, đơn vị có dự án hơn 1.000 ha tại tỉnh Lâm Đồng, liên kết với đối tác Hàn Quốc tự sản xuất phân bón, áp dụng quy trình trồng, sản xuất tiêu thụ theo mô hình khép kín. HTX còn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch nông sản cho các HTX thành viên và bà con nông dân.
Sau 4 năm hoạt động, đơn vị đã liên kết với 20 HTX nông nghiệp thành viên, hàng trăm hộ gia đình và nhiều doanh nghiệp trong cả nước tham gia chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm. Hiện nay, HTX đang mở rộng liên kết với các HTX nông nghiệp tại miền Trung để trồng và tiêu thụ sản phẩm.
"Sunfood Đà Lạt cam kết bao tiêu đầu ra với giá sản phẩm bình ổn quanh năm. Chúng tôi đầu tư đội xe tại các tỉnh để vận chuyển, giảm chi phí tối đa cho các thành viên liên kết, đưa sản phẩm đến tận người tiêu dùng trực tiếp trên toàn quốc. Kế hoạch đến năm 2023, Sunfood Đà Lạt sẽ bao phủ sản phẩm trong 63 tỉnh, thành. Sau đại dịch Covid-19 này, chúng tôi là một trong những đơn vị sẽ kết nối đưa các sản phẩm tốt nhất của các địa phương xuất khẩu sang nước ngoài”, ông Thạch chia sẻ.
TS. Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cung, tự cấp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá năng suất, chất lượng là hướng đi tất yếu phù hợp với quy luật thị trường.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Sunfood Đà Lạt được xem là tiên phong trong kết nối, xây dựng chuỗi giá trị nông sản Việt và xây dựng mô hình HTX kiểu mới theo hướng tập đoàn HTX. Hiệu quả là nông dân bán sản phẩm đúng giá, doanh nghiệp có nguyên liệu rộng lớn ổn định, đạt chất lượng và người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, có bảo hiểm.
Theo ông Lê Văn Nghị, điểm mới của mô hình HTX kiểu mới này là kết hợp vận chuyển hàng hóa đối lưu 2 chiều liên hoàn, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận.
“Đây là bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới, quy mô càng lớn càng quyết định cung cầu về giá cả trên thị trường. Cho nên, Liên minh HTX Việt Nam đã và đang hướng tới sẽ thành lập các mô hình HTX qui mô lớn cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp khu vực. Các HTX quy mô nhỏ, không có quyền quyết định cung cầu trên thị trường sẽ tham gia vào thành viên các HTX lớn này để giúp đầu vào, đầu ra sản phẩm hiệu quả nhất”, ông Nghị khẳng định./.
Theo VOV