Học hỏi làm giàu

Làm giàu từ đặc sản địa phương

Ái Vân - 08:04 24/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mô hình chế biến cá khô, tôm khô, cua và các mặt hàng thủy sản tươi sống... giúp cho ông Bùi Văn Chương - Giám đốc HTX Tân Phát Lợi ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có doanh thu hàng năm khoảng gần 20 tỷ đồng và giúp nhiều nông dân có thu nhập ổn định.

Nguồn nguyên liệu sạch được nuôi dưới tán rừng
Ông Bùi Văn Chương cho biết, hiện nay, từ các nguyên liệu tôm cá, cua… HTX Tân Phát Lợi đã chế biến ra hơn 15 sản phẩm, trong đó 10 sản phẩm đạt được OCOP 3 sao và 10 sản phẩm nông thôn tiêu biểu đạt cấp tỉnh và cấp khu vực. Có 3 sản phẩm đạt cấp quốc gia gồm: Tôm khô tách vỏ, bánh phồng tôm, chà bông tôm, có 14 đại lý phân phối sản phẩm toàn quốc; hợp đồng mua bán với các siêu thị như: Sài gòn Coop, Organica, Organic… và 5 cửa hàng thực phẩm an toàn và các điểm dừng chân của tỉnh Cà Mau. 

Ông Bùi Văn Chương (phải) bên gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Tân Phát Lợi. 
Để sản xuất cá, tôm khô đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận thì khâu nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, tươi, ngon, nên ông Bùi Văn Chương đã chủ động nguồn nguyên liệu, ông đã nuôi tôm dưới tán rừng đước, thuận theo tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh. 
“Người nuôi chủ yếu cải tạo, sên vét đầm tôm và thả giống với mật độ thưa, thủy sản lớn lên dựa vào thức ăn tự nhiên, chỉ bổ sung thức ăn tự nhiên cho tôm và sử dụng chế phẩm sinh học, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, vừa bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, các loại tôm đất, tôm sú, cá, cua biển có chất lượng thịt ngon, ngọt vượt trội hơn so với loại nuôi công nghiệp” – ông Chương cho hay.
Với quy trình khép kín từ nuôi đến chế biến, các loại thủy sản được tận dụng tối đa, vừa tăng giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho HTX khi giá thành sản xuất thấp hơn bình thường, lợi nhuận tăng lên. 
Ông Bùi Văn Chương chia sẻ: Khi sản phẩm đã được thị trường đón nhận thì việc quan trọng là phải ổn định nguồn nguyên liệu, ngoài các xã viên là những người cung cấp nguồn tôm sinh thái thường xuyên, hợp tác xã còn liên kết với nhiều tổ hợp tác, đơn vị nuôi tôm khác ở địa phương để cung ứng đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến. 
“Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu và sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, HTX vẫn giữ được giá cả và sản lượng ổn định kể cả khi thị trường khó khăn. Hiện nay, mỗi tháng HTX Tân Phát Lợi xuất bán ra thị trường trung bình 4 tấn sản phẩm các loại, vào dịp cận Tết, sản lượng của HTX tăng gấp ba lần” – ông Chương cho hay. 
Nhiều sản phẩm đạt được OCOP
Theo ông Bùi Văn Chương, khi mới thành lập do điều kiện sản xuất còn hạn chế, vốn ít, các hộ chủ yếu làm tôm khô bằng phương pháp thủ công, lợi nhuận của HTX thu được cũng không nhiều. Năm 2012, HTX Tân Lợi Phát được thành lập, ban đầu chỉ có 9 thành viên tham gia, ông Bùi Văn Chương được bầu làm Giám đốc HTX và chỉ có một mặt hàng, đó là tôm khô. 
Thời gian đầu, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn rất khó khăn, nhưng với tính cần cù, chịu khó, chăm chỉ lao động và với tình yêu quê hương, yêu con tôm Cà Mau, ông Chương và các thành viên trong HTX đã vượt qua những khó khăn để tìm tòi cách chế biến con tôm thành sản phẩm đạt chất lượng. Để tiêu thụ được sản phẩm, ông Chương đã phải chạy ngược xuôi tham quan mô hình, tìm hiểu, dự các hội chợ, đem sản phẩm tôm khô của HTX giới thiệu ở các nơi mong tìm được thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ vậy sản phẩm của HTX cũng có chỗ đứng trên thị trường. 
Vài năm sau, HTX đã đầu tư nhà xưởng, áp dụng thiết bị máy móc công nghệ cho dây chuyền sản xuất, kho đông, nhà phơi năng lượng mặt trời, máy trán, máy đập, máy lau bóng, máy luộc, được cài đặt ứng dụng công nghệ quản lý phần mềm theo quy trình sản xuất, nhờ đó, sản phẩm chế biến của HTX được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng.
Ông Chương cho hay: Hiện HTX có 11 thành viên. Ngoài ra, HTX còn liên kết với các HTX khác nhằm đảm bảo tốt hàng hóa sản xuất kinh doanh năm sau cao hơn năm trước. Ban giám đốc HTX luôn nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm mới, lạ mang dấu ấn của địa phương sẵn có, làm phong phú đa dạng thành chuỗi giá trị thu lợi nhuận cao cho HTX cụ thể như tôm khô tách vỏ, tôm khô nguyên vỏ, tôm thẻ lụi khô, tôm khô chà bông, bột tôm nêm canh, tôm ép lụi, mắm ruốc, mắm tôm chua, chả tôm, bánh phồng tôm sú, bánh phòng hàu, bánh phồng nghêu, bánh phồng tôm đất… với sản lượng quy mô lớn. 

Sản phẩm đạt OCOP của HTX Tân Phát Lợi. 
Thành viên được HTX thu mua nguyên liệu với giá thành cao hơn 10% so với thị trường. Sản phẩm chế biến hàng hóa bán cho thành viên được giảm 10%, người lao động cho HTX được ưu tiên tiền công, tiền lương, góp vốn điều lệ được chia lợi nhuận đảm bảo đúng quy định. Từ đó, các thành viên trước đây có đời sống kinh tế khó khăn nay được khá giả hơn. Các thành viên được chia lãi hằng năm hơn 200 triệu đồng/thành viên/năm.
Ngoài ra, HTX tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động thường xuyên, lương bình quân 5 triệu đồng/tháng. 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Chương còn tích cực tham gia các hoạt động do chính quyền, đoàn thể phát động như đóng góp các quỹ xã hội địa phương như quỹ vì người nghèo, quỹ hỗ trợ nông dân, đền ơn đáp nghĩa, giúp hộ nghèo và cận nghèo người lao động khó khăn vươn lên thoát nghèo; Tuyên truyền vận động nông dân hiến đất làm lộ nông thôn 4 tuyến dài 8.000m trị giá hơn 8 tỷ đồng; đóng góp đường dây điện, thắp sáng đường quê dài 1,7km cho 29 hộ hơn 50 triệu đồng; xây dựng trụ sở nhà văn hóa hơn 170 triệu đồng...
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: Ông Chương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, được nhiều người dân quý mến. Ông là tấm gương điển hình về dám nghĩ, dám làm, tích cực học hỏi, nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng từ sản vật quê hương, qua đó, làm giàu cho gia đình và giúp nhiều hộ nông dân khác cũng được hưởng lợi.
Nhờ những sản phẩm đặc sản đó đã góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương; là mô hình kinh tế hiệu quả và đi đầu của huyện. Hiện nay, được sự hỗ trợ của Hội ND huyện Ngọc Hiển kết nối với các sở ban, ngành trong tỉnh để xây dựng nhãn hiệu, có truy xuất nguồn gốc để sản phẩm cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên toàn quốc. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác