Làng nghề

Người hiếm hoi còn lại của bản Sà Chải làm trống thiêng

Lê Vũ - 07:14 15/01/2022 GMT+7
Bằng tất cả tiềm năng năng sáng tạo mà trời ban tặng cho người nghệ nhân chân quê, cuối cùng Lý Phủ Quyện (bản Sà Chải, xã Tà Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cũng hoàn thành chiếc trống nêm. Đấy là tác phẩm nghệ thuật mở đầu cho một năm chế tác đầy những công phu, sáng tạo của anh.
Nghệ nhân Lý Phủ Quyện

Không bỏ được nghề làm trống nêm

Lý Phủ Quyện, người đàn ông dân tộc Dao đỏ vạm vỡ thô mộc, cứng cáp và hiền lành chân chất thơm thảo như cây pơ - mu nơi dải đất miền biên viễn xa xôi bảo: “Người bản xa, làng gần người ta nói về mình như thế cũng đúng đấy. Ở cái bản Sà Chải này, giờ đây xem ra chỉ có mình theo đuổi nghề làm trống của người Dao đỏ thôi!”.

Sự thân thiện của của chủ nhà mang lại cho tôi cảm giác tự tin: “Anh Quyện à, sao không đầu tư cho kinh tế nông trại. Hoặc kinh doanh buôn bán qua biên giới để nhanh giàu mà lại nhọc nhằn kiên trì với nghề làm trống nêm truyền thống?!”.

Thoáng một cái cười hiền lành, nghệ nhân Lý Phủ Quyện bật cười: “Ôi dà! Thế khách dưới xuôi tưởng rằng Lý Phủ Quyện này không thích trong túi mình có thật nhiều tiền sao? Nhiều lần mình đã toan bỏ cái nghề làm trống nêm của người Dao đỏ mà ông bà truyền lại đấy chứ!”

Bắt gặp cái nhìn nửa tin nửa ngờ của tôi, Lý Phủ Quyện mở lòng: “Mình đã từng rất muốn vay vốn nhà nước để thuê đất trồng chuối. Không thì cây dược liệu. Hoặc cây dứa. Hay cây này, cây nọ. Còn không thì mình buôn bán qua đường tiểu ngạch để vợ con không phải “chui ra chui vào” trong cái nhà xập xệ thế này. Nghĩ đi thì thế. Nghĩ lại mình thấy, không được bỏ nghề làm trống nêm!”.

 Chủ nhà chắc nịch một câu khiến khách cảm thấy hết sức tò mò: “Ý của anh Quyện là…”. “Với người Dao đỏ mình, cái trống chính là linh hồn đấy. Linh thiêng lắm. Nó được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa vật thể cấp Quốc gia rồi đấy!” - Lý Phủ Quyện xúc động - “Làm trống nêm không bao giờ lắm bạc, nhiều tiền được đâu. Nhưng mình nhất định phải giữ lấy nghề cho bằng được. Bản Sà Chải không còn tiếng trống nêm, hồn vía ông bà bao đời sẽ bay theo mây theo gió về trời hết mất thôi. Không còn hồn cốt ông bà ở bên thì còn biết lấy ai tiếp thêm sức mạnh cho con cháu hôm nay, ngày mai cứng chân mạnh tay, đầu óc sáng láng để mà giữ đất, giữ nước chứ!”.

Hồi hộp chen lẫn chút cảm giác nôn nóng muốn được tận mắt chứng kiến người nghệ nhân mang cốt cách của nghi lễ truyền thống và đầy tài hoa nơi miền sơn cước “khai sinh” một chiếc trống mới nhất đại diện cho một phần cơ bản văn hóa truyền thống người Dao đỏ, nhưng Lý Phủ Quyện lắc đầu từ chối, vẻ huyền bí: “Ầy! hôm nay không phải là ngày được phép làm trống đâu mà!”.

Nghĩ rằng chủ nhà từ chối khéo như thế là vì không muốn để lộ bí quyết nhà nghề với một kẻ lữ hành xa lạ, tôi liền mạnh dạn đặt vấn đề với Lý Phủ Quyện rằng, mình cần mua một cái trống truyền thống của người Dao đỏ bản Sà Chải mang về xuôi làm kỷ niệm.
“Muốn vậy thì để khi khác đi!” - Lý Phủ Quyện cười hiền nhưng thái độ rất thành thật, dứt khoát như nhát dao chém nước suối - “Không phải vì cần tiền mà muốn làm ra cái trống thiêng lúc nào cũng được đâu. Ông bà ông vải giận cho chết đấy!”. 

Biết là không thể lung lay được ý chí của chủ nhà, khách đành chia tay Lý Phủ Quyện trong sự hụt hẫng, nuối tiếc. Và đương nhiên, kèm theo đó là cái cảm giác rất lấy làm khó hiểu trước sự bí hiểm của người nghệ nhân thuần phác như đất và nước nơi sông cùng núi tận.

Bẵng đi một thời gian, chiều ấy, tôi bỗng dưng nhận được một cuộc “alo” từ một số máy nửa như lạ, nửa như quen. Thật không ngờ, đó chính là cuộc gọi của Lý Phủ Quyện. Anh bảo, nếu có thể sắp xếp được thì có mặt tại bản Sà Chải vào ngày 16 tháng 4 âm lịch. Vì hôm sau, ngày 17/4 sẽ là ngày được phép làm trống theo truyền thống của người Dao đỏ bản Sà Chải.

Còn nếu không thì phải chờ tới ngày 17/7 âm lịch, tức là phải một thời gian rất lâu sau đó, người Dao đỏ mới được tiếp tục khai trương việc làm trống. Không thành văn đâu, nhưng trật tự truyền thống của người Dao đỏ là vậy, không thể khác được, nếu còn muốn được vinh dự làm con làm cháu thế hệ hậu duệ của người Dao. 

Trống nêm của người Dao đỏ.

Trống nêm là tâm hồn, văn hóa của người Dao đỏ 

Bữa đó, Lý Phủ Quyện không quên nói nhỏ với tôi rằng, chả phải chỉ riêng với những thợ làm trống (gia đình) chuyên nghiệp phải tuân theo phép kiêng kỵ của dân tộc mình đâu. Mà ngay cả với những người muốn mua một chiếc trống thiêng của người Dao đỏ bản Sà Chải nhất định cũng phải chọn được ngày lành tháng tốt mới được phép rước trống ra khỏi nhà người bán, không tùy tiện được đâu. Xưa nay ở cái bản Sà Chải này nếu không ứng xử một cách văn hóa và có trên có dưới với chiếc trống thì đừng bao giờ mơ đến việc, có tiền là muốn gì được nấy.

Lý Phủ Quyện trân trọng khoác vào người bộ y phục đẹp nhất thành kính thực hiện các nghi thức tâm linh truyền thống xin với trời - đất, tổ tiên cho mình được phép làm ra chiếc trống đầu tiên của năm. 

Chia sẻ về cái nghề cái nghiệp của mình, Lý Phủ Quyện bảo, trống thiêng truyền của người Dao đỏ có tên gọi: Trống nêm. Gọi thế là bởi, chung quanh tang trống được nêm những miếng gỗ có hình thù đặc trưng, tựa như những cánh hoa đồng nội tinh khôi. Muốn có được một chiếc trống nêm đạt tiêu chuẩn truyền thống, ngoài kinh nghiệm ra, nhất định người thợ phải có được “cái tay” và “cái tai” hơn người. Có thế mới thẩm âm một cách chính xác độ trầm bổng cần thiết của một cái trống. 

Vui chuyện, Lý Phủ Quyện thổ lộ, để chủ động cho ngày khai trương làm trống trong năm, trước đó anh đã vào rừng tìm cho được những thứ gỗ nguyên liệu “chuẩn không cần chỉnh”. Nhưng không phải muốn vào rừng ngày nào cũng được đâu. Phải được ngày lành tháng tốt mới thực hiện được nghi thức đó.Người nghệ nhân tài hoa của bản Sà Chải đưa ra kết luận trong một trạng thái xúc động lạ thường - “Cái trống thiêng là cốt cách khí chất. Nó là tâm hồn. Là văn hóa của người Dao đỏ mình mà trước khi làm ra nó, không giữ thân thể cho sạch sẽ thì trống sẽ mất thiêng, tổ tiên sẽ quở trách đấy!”.

Chuyên nghiệp và đầy chất lãng mạn trong lúc căng miếng da trâu tạo mặt trống, Lý Phủ Quyện “tiết lộ” thêm với khách rằng thì, cũng vì sự thiêng liêng đặc biệt của cái trống nêm nên, trong gia đình người Dao đỏ, chỉ những người đần ông đủ phẩm chất và tư cách mới được phép làm ra nó. Và việc đó mang tính chất bí mật trao truyền riêng có cho cánh đàn ông mà thôi.

Say sưa nói về công việc của mình, Lý Phủ Quyện bảo, trống nêm của người Dao đỏ có diện mạo hoàn toàn khác biệt với cái thứ cùng tên gọi của các tộc người khác. Diện mạo của trống nêm người Dao đỏ thường chỉ từ 15 - 20cm về mặt kích thước, chiều cao. Cũng bởi là trống thiêng thành ra việc chế tác được thực hiện công phu, tỷ mỉ. 

Này nhá, tang trống được lấy từ gỗ mít đã bị rỗng. Hoặc khoét thủng ruột, sau đó vót tròn, vót bóng xung quanh, làm sao cho tang mỏng, nhẹ nhưng vẫn bền và chắc. Mặt trống được bưng bằng da thú hình tròn có đường kính 30 - 40 cm.

Lý Phủ Quyện bảo, chả biết các tộc người khác thế nào chứ với người Dao đỏ, từ thời tổ tiên cho tới thời 4.0 bây giờ, mặt trống được làm bằng da bò, trâu, sơn dương, sau khi đã lựa chọn kỹ càng. Và chúng phải có độ mỏng cần thiết. Da mà dày quá thì phải bào mỏng thêm mới có thể dùng được. Da được đem phơi nắng hoặc để gác bếp 10-15 ngày rồi mới đem ra dùng.

Thông thường, da mặt trống sẽ được giữ vào tang trống bằng cách đóng đinh chết vào. Nhưng da mặt trống của người Dao đỏ được giữ vào tang trống bằng cách dùng các dây mây nhỏ đan chéo nhau níu lại tạo thành một dải liên kết được nêm chặt ôm lấy mặt trống. Thứ gỗ dùng nêm chung quanh tang trống nêm, nhất định cứ phải là gỗ xoan mới đạt chuẩn, mới “hết ý” về chất lượng âm thanh được. 

 “Một chiếc trống nêm đạt chuẩn là khi đánh lên người đứng xa vẫn nghe thấy tiếng vang. Nhưng người đứng gần không cảm thấy chói tai!” Lý Phủ Quyện thủng thẳng đưa ra nhận xét - “Muốn vậy người làm ra nó phải biết gửi cái tâm, cái trí, cái của mình vào đó thôi. Vậy nên người bản gần kẻ làng xa mới bảo, nghề làm trống nêm của người Dao đỏ mình là một phần văn hóa truyền thống của họ. Nghe thế, nhưng mình biết chả biết có đúng không nữa!”.

Đóng vào người bộ y phục truyền thống đẹp nhất, người “nghệ sĩ” miền sơn cước ấy kính cẩn xin với tổ nghề và các bậc tiên tổ của dòng họ Lý cho mình thật nhiều sức khỏe cùng những khát vọng nhân văn để có cơ hội sáng tạo ra thật nhiều những chiếc trống nêm truyền thống, không chỉ cho riêng tộc người Dao đỏ. Bởi với anh, trống nêm còn thì văn hóa truyền thống của bản Sà Chải của mình còn mãi và mảnh đất nơi địa đầu đất Việt này sẽ muôn thuở vững âu vàng!. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác