Nông dân thời hội nhập: Mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh
Xây dựng hình mẫu người nông dân “mới”
Trong các thời kỳ lịch sử, nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Ở giai đoạn lịch sử nào, nông dân cũng luôn giữ vị thế vô cùng quan trọng và cũng là lực lượng phải đương đầu với nhiều thử thách, khó khăn. Cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp hội nông dân xác định cần phải có người nông dân “mới” nhằm đáp ứng tốt cho công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Việc xây dựng hình mẫu này được dựa trên cơ sở thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, giải pháp của Chính phủ, góp phần thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, hình mẫu người nông dân trong thời kỳ CNH, HĐH phải có 5 cái mới, đó là: Tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và quyết tâm mới. Từ 5 cái mới này sẽ dẫn đến nguồn thu nhập mới.
Xác định được điều đó, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân phát huy nội lực, tích cực học tập, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi các mô hình kinh tế nhỏ lẻ, manh mún sang các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các loại hình kinh doanh tổng hợp, dịch vụ, chế biến, ngành nghề truyền thống... Bên cạnh đó, hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Gắn công tác tuyên truyền, vận động với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập; hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết hợp tác trong phát triển kinh tế... Tính đến cuối tháng 8-2020, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tín chấp và ủy thác cho hơn 187.000 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với mức dư nợ trên 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hội phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng trên 12.000 tấn phân bón trả chậm các loại cho nông dân phát triển sản xuất. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp tổ chức lớp tập huấn cho nhiều lượt hội viên nông dân. Nội dung tập huấn tập trung vào những nội dung chủ yếu như khai thác sử dụng internet, các kỹ năng sản xuất nông sản sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi các loại cây cho giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây phù hợp cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hộ gia đình sang sản xuất mang tính chất nhóm, tổ... Qua đó, giúp nông dân nâng cao kiến thức, trình độ ứng dụng trong sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm... Từ trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam. Toàn tỉnh đã có 209.017 hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu
Được “mục sở thị” trang trại tổng hợp của gia đình anh Đỗ Trung Thành, ở xã Hoạt Giang (Hà Trung) chúng tôi không khỏi “choáng ngợp” bởi quy mô, diện tích, sự chuyên nghiệp từ khâu quy hoạch đến tổ chức sản xuất. Bằng giọng từ tốn, anh Thành kể: Năm 1998, sau khi quyết định nghỉ việc tại Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa, tôi đã bắt tay đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi để thực hiện ước mơ của mình. Cái khó nhất lúc ấy là vốn, vì vậy tôi chỉ đầu tư theo kiểu nhỏ giọt cho diện tích 4,2 ha đã nhận thầu lâu năm với xã. Theo kinh nghiệm và học hỏi được ở những nơi tôi đã từng đến tham quan, ban đầu nơi nào trũng, khó cấy trồng là tôi đào sâu làm ao nuôi cá và cũng lấy đất để tôn cao phần khác làm chuồng trại, chỗ thì trồng cây, trồng cỏ. Nguồn vốn lúc đầu tôi trông vào là thông qua hội nông dân xã vay 30 triệu đồng, số tiền quý giá này tôi mua ngay 2 con bò, 5 con lợn giống sinh sản, cá giống và một số cây ăn quả khác. Do đam mê, có sức khỏe và chịu khó nên vật nuôi trong trang trại đều phát triển tốt. Với gần 20 ha đất thầu, tôi quy hoạch nuôi 300 con bò giống, bò sinh sản; trồng trên 1.000 cây ăn quả các loại như bưởi Diễn, mít Thái, na..., nuôi thêm hàng trăm con gia cầm, thả hàng vạn cá các loại và trồng trên 10 ha cây lấy gỗ. Hiện nay, trang trại của gia đình tôi hàng năm cho thu lãi trên 300 triệu đồng.
Trăn trở với cái đói, cái nghèo đã đeo đuổi bao đời nay đối với bà con, sau nhiều năm suy nghĩ, khảo sát thực tế, anh Phạm Bá Thiều, ở xã Thành Sơn (Quan Hóa) nhận thấy với điều kiện, tiềm năng của địa phương đất rộng, người thưa phù hợp cho việc trồng cây luồng và chăn nuôi trâu, bò, tận dụng các khe suối để khai phá, tu tạo làm ao thả cá. Năm 2000, gia đình anh vay mượn tiền của anh em, bạn bè mua một con bò giống, tận dụng khe suối đào ao thả cá rộng 2.000m2. Tận dụng diện tích đất làm nương rẫy anh trồng trên 10 ha rừng luồng. Khi Đảng, Nhà nước có chủ trương về việc cho vay vốn sản xuất ưu đãi đối với hộ nghèo và Nhân dân đang sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình anh Thiều được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi, phát triển rừng luồng. Hiện, gia đình anh có trên 20 ha rừng luồng, hàng năm khai thác, thu nhập từ cây luồng (đã trừ chi phí) từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn thu nhập từ bán cá ao trên 10 triệu đồng/năm. Có nguồn thu nhập ổn định, anh đầu tư xây dựng gia trại với quy mô hộ gia đình để chăn nuôi tổng hợp, gồm: trâu, bò, dê, lợn rừng, gà đồi, hiện gia đình anh có 5 con trâu, 15 con bò, 30 con dê. Bình quân nguồn thu nhập từ trồng rừng, nuôi cá, chăn nuôi hàng năm của gia đình anh đạt khoảng 300 triệu đồng.
Để có được mô hình sản xuất hiệu quả như hiện nay, gia đình anh Phan Đình Châu, ở xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc) cũng đã phải trải qua vô vàn khó khăn, vất vả. Nhận thấy địa phương có tiềm năng về đồi rừng, năm 2008, anh Châu quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế. Với gần 10 ha đất đồi rừng, anh dành 8 ha trồng cam, bưởi, na... Ngoài ra, anh còn chăn nuôi trâu, bò, ong, đào ao thả cá, vừa cải thiện đời sống, vừa tăng thêm thu nhập. Hiện nay, trang trại của gia đình anh hàng năm cho thu lãi gần 300 triệu đồng.
Trên đây chỉ là số ít những “ông chủ” mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng những người như anh Thành, anh Thiều, anh Châu vẫn quyết tâm sống trọn với ước mơ của mình. Trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng vạn nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả, nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường.
Để khẳng định vai trò của nông dân thời kỳ hội nhập, Hội Nông dân tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên; nhân rộng và áp dụng thành công những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục có những định hướng chiến lược cho sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, dự báo thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp...
Theo Baothanhhoa.vn