Học hỏi làm giàu

Thu nhập khá từ nuôi gà xương đen ở Hà Giang

Hoàng Tính - 07:31 23/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh Hà Giang, chị Vi Thị Ngoan ở bản Cưởm (xã Ngọc Đường, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang) đã phát triển mô hình nuôi gà xương đen thả vườn, hướng đi này giúp chị Ngoan có thu nhập khá.

Đầu năm 2022 được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang và Hội Nông dân xã Ngọc Đường tuyên truyền hỗ trợ, tư vấn, kỹ thuật, giống, thức ăn… chị Vi Thị Ngoan đã tích cực triển khai mô hình chăn nuôi gà xương đen tập trung. Kết thúc mô hình, nhận thấy hiệu quả từ chăn nuôi gà xương đen tập trung, gia đình chị Ngoan đã chủ động phát triển chăn nuôi thêm những đàn gà, giờ đây gia đình chị Ngoan đã có thu nhập cả trăm triệu mỗi năm.

Được các ngành chức năng hỗ trợ chị Vi Thị Ngoan (bên phải) đã tự tin phát triển kinh tế gia đình từ nuôi gà xương đen. Ảnh: Khuyến nông Hà Giang

Chị Ngoan cho biết, gà xương đen hay còn gọi là gà đen, gà HMông - đây là giống gà bản địa ở tỉnh Hà Giang, được các gia đình chăn nuôi để lấy thịt và làm vị thuốc… nhưng chỉ ở mức độ phục vụ gia đình, chưa thành sản xuất hàng hoá. Chính vì vậy khi được ngành chức năng tỉnh Hà Giang hỗ trợ gia đình tôi đã mạnh dạn chăn nuôi tập trung gà xương đen.

Với đặc điểm dễ chăm sóc, đầu tư ít vốn và tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn có ở địa phương như: Thóc, ngô, sắn… chính vì vậy khi chăn nuôi tập trung gà xương đen cần cần chú ý đến công tác bảo vệ, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Theo chị Ngoan “Cách làm đệm lót sinh học là dùng men sinh học trộn đều với trấu để lót chuồng gà, cứ khoảng 2 tuần thì thay đệm lót 1 lần đã giúp cho khu chuồng trại của gia đình chị luôn sạch sẽ, không mùi… đàn gà khoẻ mạnh, không bệnh tật”.

Gà xương đen là giống gà đen từ ngoài vào trong: Lông đen, thịt đen, xương đen. Khi trưởng thành gà xương đen to khoảng tầm giống gà ri, nặng từ 1,2 - 1,6kg; thân hình gà thon nhỏ, chân cao.

Thịt gà xương đen ngoài là đặc sản quý, các món ăn làm từ giống gà xương đen dù đơn giản hay phức tạp cũng có sự hấp dẫn lạ kỳ bởi phẩm chất thịt, hương vị tự nhiên đặc trưng không lẫn với bất kỳ giống gà nào khác. Nhưng hơn cả giá trị ẩm thực, gà xương đen còn là một vị thuốc quý, là nguyên liệu cho nhiều vị thuốc.

Đặc biệt, gà xương đen có hàm lượng axit glutamic cao vượt trội so với các loại gà khác nên gà xương đen có vị ngọt đậm đà. Về mặt dinh dưỡng, gà xương đen có giá trị gấp nhiều lần so với các loại gà khác, vì thế người dân thường mua loại gà này về tần thuốc bắc, dành để tẩm bổ cho người suy dinh dưỡng.

Là giống gà với chất lượng thịt thơm ngon, vì vậy thị trường tiêu thụ gà xương đen khá rộng. Ngay tại Hà Giang ngoài việc cung cấp gà xương đen cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch khi đến thăm quan, cũng đã có rất nhiều thương lái đến tận các gia đình nuôi gà xương đen để đặt cọc mua gà xương đen về thị trường các tỉnh miền xuôi bán.

Chị Ngoan cho hay, trước đây do chăn nuôi không tập trung, vì vậy mà tỷ lệ nuôi thành công gà xương đen rất thấp, kinh tế không cao nhưng từ khi được hỗ trợ về kỹ thuật trong chăn nuôi, xử dụng đệm lót theo hướng an toàn, được tiêm phòng dịch đầy đủ… tỷ lệ nuôi thành công đạt rất cao (đạt 95%). Do áp dụng đầy đủ các biện pháp trong chăn nuôi theo hướng dẫn, sau 4 tháng nuôi đàn gà đầu tiên của gia đình nhà tôi đã được xuất bán, với giá bán từ 150.000-170.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi cũng được trên 100 triệu đồng/kg.

Nuôi gà xương đen đang là hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở Hà Giang. (Ảnh KN Hà Giang)

Nhận thấy nuôi gà xương đen hiệu quả kinh tế cao, đến nay chị Ngoan đã tiếp tục nuôi được thêm 2 đàn gà, mỗi đàn cũng từ 800-1.000 con. Nhờ nuôi gà xương đen mà kinh tế gia đình chị Ngoan đã có sự thay đổi rõ rệt.

Nhận thấy mô hình nuôi gà xương nhà chị Ngoan đen cho hiệu quả kinh tế cao, đã nhiều người dân trong bản, trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gà của gia đình chị. Không ngần ngại chị Ngoan đều chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật mà mình đã đúc kết trong thời gian qua từ việc nuôi gà.

Có thể thấy rằng với sự hỗ trợ tích cực, đúng hướng của các ngành chức năng, người dân sẽ có thể làm giàu ngay trên chính quê hương mình với nhiều sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương. Từ đó sẽ tạo tiền đề để người dân vùng cao tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác