Nông dân Vĩnh Phúc hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn
Điển hình về mô hình sản xuất nông nghiệp sạch
Anh Lâm Văn Trung – Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Lải (xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Vĩnh Phúc. Chia sẻ về mô hình của HTX, anh Trung cho biết: Năm 2018, anh đầu tư xây dựng mô hình HTX nông nghiệp Đại Lải theo định hướng nông nghiệp sạch mà Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc phát động phong trào thi đua. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã liên kết được 16 hộ nông dân với diện tích trồng trọt khoảng 40ha, chủ yếu trồng các loại rau, củ, quả như bưởi, mít, thanh long ruột đỏ, nho… với sản lượng hàng trăm tấn/tháng.
Để phát triển quy mô, anh Trung bàn với các thành viên HTX tận dụng diện tích nước mặt trên khu vực được giao khoán để nuôi thả cá và xây dựng mô hình nuôi cá lồng. Hiện, sản lượng khai thác trung bình mỗi năm của HTX đạt khoảng 70 tấn cá. Các sản phẩm rau, củ, quả, cá của HTX được đưa vào bếp ăn của 32 trường học trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, thành phố Hà Nội và 5 bếp ăn tại Khu công nghiệp Bá Thiện, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam…
Rau hữu cơ của HTX nông nghiệp Đại Lải được thị trường đánh giá cao về chất lượng.
Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Lải cho biết: Để có những sản phẩm rau, quả hữu cơ đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cung cấp ra thị trường, ngoài việc lựa chọn giống, HTX phải đảm bảo tuyệt đối các quy chuẩn an toàn về môi trường, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc. Trong đó, nguyên tắc “5 không”: Không bón phân hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ và không sử dụng sản phẩm biến đổi gen được thành viên đồng loạt thực hiện.
Cùng với phát triển mô hình nông nghiệp sạch, tận dụng lợi thế cảnh quan, khí hậu mát mẻ, anh Trung kết hợp làm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Hiện, anh đang có 2 khu sinh thái là EnCamp và Phú Lâm Farm Stay. Khách tới đây sẽ được trải nghiệm tham gia làm nông nghiệp, thu hoạch rau, quả, tổ chức team building, chèo thuyền, câu cá, tổ chức tiệc ngoài trời... và được trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu bản địa.
Hiện, trung bình mỗi tháng, mô hình du lịch sinh thái của anh Trung thu hút khoảng 300 khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, anh Trung vinh dự là nông dân duy nhất của Vĩnh Phúc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Còn chị Ngô Thị Tâm (xã Liên Châu, huyện Yên Lạc) lại thành công với mô hình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Chị Tâm cho biết: Trang trại chăn nuôi của chị nằm xa khu dân cư, hệ thống chuồng trại được chị thiết kế xây dựng thành từng khu riêng biệt, đúng quy chuẩn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, trang bị hệ thống quạt thông gió, mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông.
Nhờ hướng đi đúng, làm tốt công tác phòng dịch, đàn lợn, đàn gà trong trang trại gia đình chị Tâm mau lớn, ít bị dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trang trại luôn có trên 3.500 con gà, hàng nghìn con lợn, tạo việc làm thường xuyên cho 16 - 18 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững
Ông Phùng Quang Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Từ năm 2017, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phát động phong trào thi đua “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” tới toàn thể cán bộ, hội viên; đồng thời, chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải, chất thải; không sử dụng túi nilon, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thường xuyên nạo vét kênh mương, cống rãnh, ao, hồ, hệ thống thoát nước; sử dụng các biện pháp an toàn sinh học cho cây trồng, vật nuôi, chú trọng phòng, chống dịch bệnh; định kỳ tổ chức ra quân vệ sinh môi trường tại các chi hội, tổ hội, tổ dân phố, tổ liên gia…
Giai đoạn 2017-2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 96.000 hộ hội viên nông dân ký cam kết hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; hơn 157.000 hộ hội viên cam kết thu gom rác thải đúng nơi quy định; hơn 93.000 hộ tham gia hoạt động “Ngày nông dân Vĩnh Phúc vì môi trường”.
Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các cấp Hội như mô hình “Làm sạch từ nhà ra ngõ, từ ngõ vào nhà” của Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường; mô hình 3T (tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng) của Hội Nông dân thành phố Vĩnh Yên; mô hình hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” của Hội Nông dân thành phố Phúc Yên; mô hình xây dựng tuyến đường hoa của 11 chi hội nông dân của xã Liên Châu, huyện Yên Lạc…
Mô hình trồng nho VietGAP của nông dân xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường được giải ngân vốn Quỹ HTND.
Nhằm tạo ra nhiều nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn của nhóm nông dân liên kết như sản xuất và hướng tới xây dựng thương hiệu rau hữu cơ Vĩnh Phúc, quy mô 5ha tại phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên; chuỗi chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc; mô hình trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP, du lịch sinh thái tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên; chăn nuôi gia súc “4 không - 2 sạch” (không chất tạo nạc, không thuốc tăng trọng, không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm; sạch vật nuôi, sạch chuồng trại) tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô...
Các mô hình đã giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phát huy thế mạnh mỗi vùng, địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản, hàng hóa.
Phát huy những kết quả đạt được, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm về đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn; áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm, không tiêu thụ thực phẩm bẩn.