Tài chính – Ngân hàng

TTCK: Có nên bắt đáy thời điểm này

Tú San - 07:14 04/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thị trường chứng khoán (TTCK) đang đi vào một giai đoạn khốc liệt khi giảm điểm từ vùng đỉnh 1.530 điểm (tháng 4/2022) về sát 1.085 điểm (3/10/2022) đã khiến số lượng vốn hoá thị trường “bốc hơi” rất lớn. Thời điểm này, tâm lý các nhà đầu tư đang thận trọng từng giờ để theo sát “đà giảm” của VNIndex và cũng đang tự hỏi liệu đây có phải là đáy thị trường?

Dự đoán VNIndex sẽ về mức 1.000 điểm

Nhịp giảm lớn hồi đầu tháng 4/2022, VNIndex đã giảm từ đỉnh 1.530 điểm về vùng đáy hỗ trợ 1.140-1.150 điểm trong 1,5 tháng, sau đó đi ngang kênh giá hẹp 1.140 – 1.300 điểm đến gần cuối tháng 9/2022 mới phá vỡ hỗ trợ mạnh này. Tính từ đỉnh 1.300 điểm đến 1.132 điểm cuối tháng 9/2022, TTCK đã giảm gần 170 điểm, so với sóng giảm đầu tiên là gần 390 điểm hiện đã đi được 40% sóng giảm đầu tiên này. Vùng hỗ trợ gần nhất về mặt tâm lý và cả kỹ thuật được đoán đợi đang là ngưỡng tâm lý 1.000 điểm (+/- 50 điểm) và cũng cần trông đợi thêm các dấu hiệu của dòng tiền lớn sẽ sớm trở lại tại vùng hỗ trợ này.

Ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám Đốc Công ty Chứng khoán Funan

Trao đổi cùng Tạp chí Nông Thôn Mới về những phiên giảm điểm khá lớn trong thời gian này, ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám Đốc Công ty Chứng khoán Funan nhận định: “Các lý do cơ bản làm TTCK tiếp tục giảm lớn dịp này, trước tiên là dấu hiệu FED tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp cũng như đang tiếp tục các động thái sẽ không ngừng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát ở Mỹ là lý do chính làm cả thế giới và Việt Nam phải hành động theo nhằm cân bằng tỷ giá, ổn định các chính sách tiền tệ cũng như giúp giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối cho Việt Nam giai đoạn hiện tại. Ở Việt Nam, sau phát động của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) về việc tăng lãi suất điều hành thêm 1%, tại các Ngân hàng có cổ phần nhà nước thì các Ngân hàng TMCP cũng đã bắt đầu kế hoạch tăng lãi suất huy động lên theo nhằm hút tiền huy động về trong bối cảnh room tín dụng hạn chế tăng, siết mạnh trái phiếu bất động sản (BĐS) và room tín dụng BĐS hiện tại. Những thay đổi mới trong chính sách phát hành trái phiếu riêng lẻ vừa được Bộ Tài chính ban hành làm ảnh hưởng mạnh đến kênh huy động tiền từ trái phiếu của các ngân hàng cũng là 1 lý do quan trọng là thanh khoản TTCK sụt giảm nhanh giai đoạn cuối tháng 9 vừa qua”.

Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao KIS Việt Nam

Cùng quan điểm trên, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao KIS Việt Nam cho biết: “Do chỉ số đã hình thành một vùng đáy mới thấp hơn tháng 7/2022 nên xu hướng điều chỉnh vẫn đang chiếm ưu thế trong ngắn và trung hạn. Vì thế, bất chấp việc chỉ số có sự phục hồi nhờ lực cầu bắt đáy trong hôm thứ 6 (30/9/2022) thì giai đoạn này có thể là hiện tượng pull back nhiều hơn là việc tạo đáy. Dự kiến chỉ số có thể điều chỉnh về kiểm định lại vùng 1.100 điểm trong thời gian tới. Nếu ngưỡng này bị phá vỡ thì chỉ số có thể điều chỉnh về lại vùng 1.000 điểm”.

Liệu thị trường có đang ở mức… đáy?

Về nhận định TTCK liệu có đang ở mức đáy, ông Trần Đình Khánh cho biết: “ Các dấu hiệu cho TTCK tạo đáy trong tháng 10 này hiện tôi đang trông đợi là: Thứ nhất, là dấu hiệu dòng tiền lớn trở vào lại TTCK, thanh khoản cần trở lại mốc 15-20 ngàn tỷ/phiên (kể cả TTCK giảm mạnh nhưng thanh khoản lớn trở lại là 1 tín hiệu tích cực cho thấy dấu hiệu dòng tiền lớn trở lại này). Thứ 2, TTCK có chiết khấu đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư cơ bản tham gia trở lại, mức chiết khấu 25-30% từ 1.300 về 1.000 điểm xem là một mức hợp lý để nhiều nhà đầu tư cơ bản chú ý giai đoạn này (tương ứng 25% của nhịp giảm đầu tiền hồi tháng 4/2022 từ đỉnh 1.530 về 1.150 điểm). Thứ 3, nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt TTCK là dòng ngân hàng, hiện vẫn chỉ bị xem là ảnh hưởng nhẹ bởi chính sách tăng lãi suất, hạn chế room tín dụng và đang được nhà đầu tư cơ bản kỳ vọng giảm 10-20% xem là mức chiết khấu hợp lý để mua trở lại. Dòng bất động sản xem là nhóm bị ảnh hưởng chính bởi chính sách thắt chặt tiền tệ đợt này dự báo sẽ có mức chiết khấu cao hơn vốn đã giảm khá sâu (50-60% từ sóng giảm trước), nhưng nay quy mô vốn đã giảm nhiều, mức ảnh hưởng chung lên TTCK sẽ không còn nhiều nữa nên sẽ ít bị ảnh hưởng dù nhóm này vẫn tiếp tục dự báo giảm tiếp đến cuối năm nay. Tổng hoà lại, với chiết khấu chung của TTCK lên mức 30% sẽ được xem là hấp dẫn và là cơ sở để dòng tiền lớn quay trở lại trong ngắn hạn. Dù chỉ xem là sóng hồi nhưng cũng được kỳ vọng cú hồi này được kéo dài từ 2 đến 3 tháng tiếp theo, mức hồi phục dự báo từ quanh 1.000 điểm có thể bật lên được vùng 1.150-1.200 sau đó (hồi 50% của cú giảm 300 điểm dự báo đợt này). Tháng 1/2023 dự sẽ có dòng tiền từ room tín dụng ngân hàng được mở trở lại, cũng như dòng tiền đầu tư mới cho năm 2023 sẽ được giải ngân mới cũng được xem là những điểm tích cực cho cú hồi dự báo cuối quý 4/2022 này được tích cực hơn”.

Có thể nói, trong thời điểm này các nhà đầu tư đang rất khó khăn khi đưa ra những quyết định nên giữ hay trung bình giá hoặc bán cắt lỗ xoay vòng mới, tuy nhiên với kinh nghiệm của mình trên TTCK, ông Trương Hiền Phương cho rằng: “Với nhóm nhà đầu tư lướt sóng thì nên tập trung nắm giữ tiền mặt và chờ đợt những tín hiệu đảo chiều trước khi giải ngân trở lại do xu hướng điều chỉnh vẫn chiếm ưu thế trong ngắn và trung hạn. Với nhóm nhà đầu tư dài hạn thì giai đoạn này lại là thời điểm thích hợp để lựa chọn cổ phiếu có cơ bản tốt và giải ngân từng phần khi định giá thị trường đã về mức hấp dẫn khi PE forward đã về ngưỡng 10x. Với nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì nên cơ cấu lại danh mục, có thể chuyển một phần vào tiền mặt (nếu là nhóm đầu cơ lướt sóng) hoặc chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác (nếu là nhà đầu tư dài hạn)”.

Nhóm ngành nào sẽ tăng tốc khi thị trường… đảo chiều

Trong một kịch bản lạc quan, TTCK sẽ có cú hồi trong ngắn hạn thì những cổ phiếu của nhóm ngành nào sẽ lấy điểm trở lại, ông Trần Đình Khánh dự báo: “Về nhóm ngành nghề dự báo sẽ dẫn dắt sóng TTCK trong giai đoạn hồi phục cuối quý 4/2022, sau đợt giảm sâu trong tháng 10/2022 này - Hiện tôi vẫn chú trọng nhóm ngành nghề đang vẫn được hưởng lợi từ việc thắt chặt tiền tệ và chính sách kích thích đầu từ công từ Chính phủ. Đó sẽ là nhóm ngành tài chính, ngân hàng, nhóm ngành xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng,... sẽ vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, nhóm ngành đang tiếp tục hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukrainer từ hồi cuối tháng 2/2022 đến nay vẫn là nhóm ngành lương thực, thực phẩm, năng lượng, phân bón, điện và nguyên vật liệu... vốn đang bị ảnh hưởng mạnh do khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng và bị gián đoạn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhóm cổ phiếu đầu ngành đáng quan tâm và dự báo sẽ dẫn dắt chính nhịp tới là: Dòng ngân hàng: VCB, BID, CTG, MBB, STB,... Dòng Chứng khoán (   thường đại diện dòng tiền đầu cơ) VCI, HCM, SSI,... Dòng xây dựng hạ tầng: CII, HHV, FCN, VCG,... Dòng vật liệu xây dựng: HPG, NKG, KSB, HT1... và các dòng đang hưởng lợi từ khủng hoảng lương thực, thực phẩm, và khung hoảng năng lượng hiện đang trong sóng và sẽ vẫn tiếp tục đi ngang trong các kênh giá lớn nhưng sức mạnh dòng tiền dự sẽ yếu dần vào đầu năm 2023 (điện, dầu khí, thuỷ sản, gạo, thực phẩm,...)”.

Cùng quan điểm trên, ông Trương Hiền Phương cũng cho biết: “Các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có câu chuyện riêng sẽ phục hồi nhanh khi thị trường tăng trưởng trở lại như (1) Ngân hàng dự kiến kết quả kinh doanh của nhóm vẫn tích cực trong trung hạn, (2) Bất động sản khu công nghiệp với câu chuyện dòng vốn FDI (3) Đầu tư công với câu chuyện tăng đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chính phủ. Các cổ phiếu ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán có thể chịu ảnh hưởng nhiều khi thị trường điều chỉnh nhưng cũng là nhóm phục hồi mạnh khi thị trường phục hồi trở lại đặc biệt là nhóm chứng khoán”.

Với việc VNIndex giảm sâu trong thời gian ngắn, tâm lý nhà đầu tư đang có dấu hiệu “bán tháo” để cắt lỗ, chị Thuỳ Chi - một người đầu tư chứng khoán ngao ngán: “Nhìn bảng điện giảm mấy chục điểm một ngày thì các mã chứng khoán tôi đang nắm giữ cũng giảm tương ứng, âm luỹ kế tài khoản hiện nay đã hơn 60% giá trị ban đầu nên quyết định cắt lỗ giai đoạn này thôi”.

Bên cạnh những tài khoản có thể “cắt lỗ” được do không sử dụng margin thì hàng loạt các tài khoản cá nhân trên thị trường cũng bốc hơi do call margin trong dịp này. Anh Thanh Hoàng ngậm ngùi nói trong tiếc nuối: “Giai đoạn đầu tháng 9 mình nhận định TTCK sẽ có nhịp hồi nên cố giữ cổ phiếu không bán cắt lỗ, đến nay đành để cháy tài khoản vì không còn dòng tiền đưa vào nữa”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác