“Ước mơ” bán tín chỉ carbon dưới biển
Cơ hội bán tín chỉ carbon dưới biển
Chiều 6/7/2023, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS - đơn vị trực thuộc Hội Thủy sản Việt Nam) phối hợp với nhãn hàng JapiFoods của Công ty cổ phần WinEco Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Chương trình “Blue Ocean - Blue Foods” - Hành trình xây dựng bể chứa carbon ngành Thủy sản.
Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS cho biết, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam có hơn 887 loài rong biển, trong đó có 90 loài có giá trị kinh tế. Năm 2023, diện tích trồng rong biển đạt khoảng 16.500ha, với sản lượng 150.000 tấn rong tươi. Nghề nuôi rong biển và hàu đang phát triển như một ngành kinh doanh sinh lời ở các tỉnh ven biển - được nuôi để làm thực phẩm, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc.
“Rong biển là nguyên liệu xanh, có thể hấp thụ carbon từ khí quyển và trung hòa axit đại dương, đang được kỳ vọng trở thành giải pháp giúp làm sạch hành tinh. Rong biển có thể lưu trữ 1.500 tấn khí nhà kính trên mỗi kilomét vuông”, ông Lập nói.
Trong khi đó, tốc độ phát triển của rong biển cao gấp 30-60 lần so với các loài thực vật trên đất liền, vì vậy có thể hấp thụ khí CO2 nhiều gấp 2,4 lần so với cây cối trên đất liền. Ngoài ra, các chuỗi phân tử dài trong rong biển là rất lý tưởng để sản xuất các hợp chất thay thế nhựa và hiện nay một số loại nhựa sinh học đã có trên thị trường.
Theo ông Lập, rong biển và hàu có thể được trồng mà không cần đầu vào bên ngoài, loại bỏ các chất dinh dưỡng phú dưỡng khỏi nước và biến chúng thành protein, dầu, nguyên liệu hóa học xanh có giá trị và nhiều loại sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh đó, rong biển dễ dàng canh tác xen ghép với các loại hình nuôi thuỷ sản khác trên biển như nuôi hàu, cá biển, tôm hùm và giúp tạo môi trường sinh thái cho các loài này phát triển ổn định.
Ông Đinh Xuân Lập cho hay Chương trình “Blue Ocean- Blue Foods” hướng đến mục tiêu nhằm thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm của các bên liên quan trong giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường biển và sinh kế cộng đồng; nâng cao nhận thức cộng đồng ven biển về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, thúc đẩy chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường biển “Blue Ocean”; thúc đẩy chuỗi kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu vùng ven biển “Blue Foods” và thúc đẩy liên minh thực phẩm thủy sản có trách nhiệm “Blue Foods Alliance”.
Chương trình sẽ huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi nuôi trồng thuỷ sản gắn với phát triển trồng rong biển tại Việt Nam. Từ đó, hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn Đầu tư - Nuôi trồng - Chế biển tiêu thụ rong biển Việt Nam.
Chia sẻ tại sự kiện, TS. Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định Chương trình sẽ có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ giúp nâng cao sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển nghề trồng rong dưới biển, mà còn giúp giảm biến đổi khí hậu.
Ông Luân cho rằng dọc biển miền Trung có rất nhiều khu vực có thể phát triển nuôi rong. “Nhưng, nếu chỉ trồng rong thì lợi nhuận không cao, nếu làm tín chỉ carbon cho cây rong để bán tín chỉ carbon, thì giá trị kinh tế của cây rong sẽ tăng lên. Cùng với đó, cần kết hợp nuôi rong với hàu, nuôi rong với bào ngư. Trồng rong phải dụng công chăm sóc, đem lại ích lợi đa chiều, giúp hấp thu khí carbon dưới biển. Có giống rong hấp thu khí CO2 gấp 20 lần”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Dư địa bán tín chỉ carbon rừng còn rất lớn
Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng bền vững (VFCO) cho biết các biện pháp giảm phát thải trong lâm nghiệp bao gồm: Bảo vệ rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi; bảo vệ rừng ven biển; phục hồi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; nâng cao chất lượng và trữ lượng carbon rừng tự nhiên nghèo; nâng cao năng suất và trữ lượng carbon của rừng trồng gỗ lớn; nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng carbon và bảo tồn đất...
Trên thế giới, thị trường mua bán tín chỉ carbon đã hình thành. Giá carbon lâm nghiệp năm 2023 trên thị trường tự nguyện quốc tế đối với các loại dự án chính, cao nhất là dự án quản lý rừng cải tiến (IFM) với 16,21 USD/tấn CO2 tương đương (tCO2tđ); tiếp đến là dự án trồng rừng mới/tái trồng rừng/tái sinh thực vật tự nhiên với 15,74 USD/tCO2tđ.
Theo ông Phương, giá tín chỉ carbon từ các dự án REDD+ tuy thấp nhất (7,87 USD/tCO2tđ), nhưng đem lại giá trị cao nhất với 222 triệu USD đã chi trả trong năm 2023 trên toàn cầu (năm 2022 là 584 triệu USD).
Tại Việt Nam, các dự án REDD+ hiện đang ở giai đoạn 3 là chi trả dựa trên kết quả, do có thể đo đếm, báo cáo và kiểm tra được. Đó cũng là nền tảng cho Thỏa thuận chi trả/mua bán giảm phát thải (ERPA) vùng Bắc Trung bộ với giá trị chuyển nhượng 51,5 triệu USD vừa qua.
Chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thương vụ bán thành công tín chỉ carbon rừng thu về 51,5 triệu USD trong năm 2023, ông Nguyễn Chiến Cường, Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, đó là kết quả từ thực hiện thoả thuận ERPA ký năm 2020. Toàn bộ giá trị hợp đồng mua bán tín chỉ carbon của ERPA là 51,5 triệu USD, với giá 5 USD/tCO2e. Đến nay, toàn bộ giá trị hợp đồng đã được thanh toán 100%, với 10,3 triệu tCO2e đã thực hiện thành công. Đây là “thương vụ” mua bán tín chỉ carbon duy nhất đã nhận được “tiền tươi thóc thật” tính đến thời điểm này.
“Các dự án tín chỉ carbon rừng cần hướng đến tính toàn vẹn cao, đáp ứng các phương pháp định lượng chuẩn, giảm phát thải lâu dài và các điều kiện bảo đảm an toàn xã hội để tạo ra lợi ích. Bất kỳ dự án carbon rừng nào cũng yêu cầu các điều kiện về an toàn xã hội, bao gồm sự tham gia, chia sẻ thông tin minh bạch, bình đẳng giới và tính đa dạng, đặc biêt trong bối cảnh quốc tế đang thúc đẩy phát triển tín dụng carbon có tính toàn vẹn cao”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Chiến Cường cho hay, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch triển khai nhiều dự án thương mại tín chỉ carbon rừng. Một là, Quỹ Khí hậu xanh (GCF)/JICA sẽ mua tín chỉ carbon tại 4 tỉnh Trung bộ và 11 tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian 2024-2029, với tổng số tiền dự tính 65-150 triệu USD (giá 5 USD/tCO2e) cho lượng tín chỉ tối đa là 30MtCO2e
Hai là, Đề án carbon rừng tỉnh Quảng Nam đã trình Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt, đang đề xuất đưa vào vùng dự án LEAF. Bên mua tín chỉ là Tập đoàn BP (South Pole Shell, Terra G First, Everland, Mirova Ecosphere) với lượng tín chỉ ước tính 1,6 MtCO2e/năm, đơn giá 5 USD/tCO2e, thời gian thực hiện từ năm 2024- 2030.
Tập đoàn SK Forest Group cũng đặt vấn đề mua xây dựng Ý định thư/LOI (nhưng hiện tại chưa ký kết) dự kiến mua tín chỉ carbon tại 15 tỉnh phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện ý tưởng này đang tạm dừng.
Thỏa thuận LEAF/EMERGENT đã ký Ý định thư năm 2022, với khối lượng tín chỉ carbon thương mại là 11 triệu tCO2e, đơn giá 10 USD/tCO2e. Vùng địa lý thực hiện mua bán tín chỉ carbon theo thỏa thuận này gồm 6 tỉnh Nam Trung bộ và 5 tỉnh Tây Nguyên, với 3,24 triệu hecta rừng tự nhiên.
Bà Nghiêm Phương Thúy, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) được thành lập với mục tiêu chấm dứt nạn mất rừng nhiệt đới thông qua cung cấp tài chính cho nỗ lực bảo vệ rừng nhiệt đới quy mô lớn trên 2,5 triệu hecta rừng tại Việt Nam.
“Liên minh LEAF không phải là chương trình/dự án carbon hay tổ chức cấp tiêu chuẩn carbon, mà tạo ra cơ chế thương mại tín chỉ carbon, tất cả các tín chỉ giao dịch qua LEAF đều được đăng ký và phát hành theo tiêu chuẩn TREES bởi ART. Trong cơ chế LEAF, nguồn vốn từ các chính phủ tài trợ hoạt động như một chất xúc tác để huy động nguồn vốn từ khối tư nhân. Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) là tổ chức điều phối của Liên minh LEAF, sẽ mua tín chỉ carbon từ các quốc gia/địa phương được phát hành theo Tiêu chuẩn”, bà Nghiêm Phương Thúy chia sẻ.
Theo bà Thúy, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ gồm Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận để triển khai Ý định thư với LEAF/Emergent. Bên cạnh đó còn có Chương trình thí điểm chi trả kết quả thực hiện REDD+ của Quỹ Khí hậu xanh (GCF). Ngoài ra, với tiềm năng lớn về carbon rừng, nhiều địa phương và khu vực tư nhân cũng đang nghiên cứu, đề xuất các dự án thí điểm khác trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Trồng lúa sẽ không chỉ bán gạo
Theo Bộ NN&PTNT, mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến được ngày càng nhiều quốc gia triển khai, đã tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm hoặc hấp thu. Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp).
Thực tế trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ carbon, thu “tiền tươi thóc thật”. Trong đó, Chương trình Khí sinh học ngành Chăn nuôi Việt Nam đã triển khai tại 53 tỉnh, đến nay, đã có 181.683 công trình khí sinh học được xây dựng, được các tổ chức quốc tế đánh giá là đã đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua Chương trình khí sinh học, Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD.
Ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Ngành Nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…
“Riêng trong ngành Nông nghiệp Việt Nam, tính toán tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải), có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế đem về gần 300 triệu USD/năm”, ông Lê Hoàng Thế nhận định.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chương trình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc, trong đó có mục tiêu đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Thế cho rằng Việt Nam cần có lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp để thực hiện giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Lực lượng lao động này cần có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.
Đề án “Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, hướng đến nhiều mục tiêu, ngoài nâng cao chất lượng lúa gạo, sản xuất lúa gạo bền vững, còn hướng đến giảm phát thải trong trồng lúa để bán tín chỉ carbon. Theo Bộ NN&PTNT, đến nay đã ban hành và tổ chức tập huấn Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải cho 5 địa phương triển khai mô hình thí điểm. Cùng với đó, tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo xin ý kiến qui trình đo đếm, báo cáo, thẩm định phát thải MRV; xây dựng Nghị định cơ chế thí điểm chi trả kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả kết quả giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng NN&PTNT chia sẻ: Bây giờ người ta không chỉ mua sản phẩm mà còn mua cách làm ra sản phẩm đó. Tới đây, nông dân trồng lúa không chỉ bán lúa, người trồng cây ăn quả không chỉ bán trái cây, trồng lúa còn để bán rơm rạ, trấu, cho du khách tham quan. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp còn để bán tín chỉ carbon.
“Đừng tưởng “bán không khí” là chuyện trên trời, thực tế chúng ta đã bán thu tiền tươi. Trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày sôi động, vì vậy nông nghiệp Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới