Thảo luận

Vai trò của giai cấp Nông dân, Hội NDVN đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong quá trình hoạt động cách mạng, sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh(1) đã xác lập về mặt lý luận và chỉ đạo về thực tiễn nhằm phát huy vai trò to lớn của giai cấp Nông dân và Hội Nông dân đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và công tác xây dựng Đảng nói riêng.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) lần thứ VIII. Ảnh tư liệu

Trong quá trình hoạt động cách mạng, sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh(1) đã xác lập về mặt lý luận và chỉ đạo về thực tiễn nhằm phát huy vai trò to lớn của giai cấp Nông dân và Hội Nông dân đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và công tác xây dựng Đảng nói riêng. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”- sách giáo khoa đào tạo, huấn luyện cán bộ đầu tiên của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cùng với giai cấp Công nhân, và trong sự liên minh với giai cấp Công nhân, giai cấp Nông dân là “gốc Kách mệnh” và “Hội Nông là một cái nền cách mệnh của dân ta”(2). Trong “Chánh cương văn tắt”, “Sách lược vắn tắt”- hai văn kiện hợp thành Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng, được thông qua tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng (đầu năm 1930), lãnh tụ Hồ Chí Minh viết: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; để thực hiện chủ trương đó, một trong những yêu cầu cơ bản là “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày”(3). Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người soạn thảo xác định nông dân là một nguồn lực quan trọng để xây dựng đội ngũ đảng viên; để vào Đảng, bên cạnh những yêu cầu về tư tưởng, chính trị và phẩm chất đạo đức, “tin theo chủ nghĩa Cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng”,  nông dân “phải có hai đảng viên giới thiệu và dự bị 6 tháng”(4)

Trên nền tảng tư duy đó, trong quá trình cùng Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, làm rõ thêm vai trò, đặc điểm, phẩm chất của giai cấp Nông dân, chỉ rõ những điều kiện để phát huy cao nhất đóng góp của giai cấp Công nhân đối với sự nghiệp cách mạng, đối với công tác xây dựng Đảng. Trong các bài viết trên Chuyên mục “Thường thức chính trị” công bố trên báo Cứu quốc, từ ngày 16-1 đến ngày 23-9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Giai cấp Nông dân là một “động lực cách mạng”(5), “là quân chủ lực của cách mạng”(6). Người chỉ rõ: “Đảng là bộ đội tiền tiến của nhân dân lao động (công nhân, nông dân và lao động trí óc)”(7), “Đảng cần phải làm cho thành phần đảng viên trong sạch, phải bồi dưỡng và hấp thụ vào Đảng những người tốt trong giai cấp lao động”(8); dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng của Đảng, những nông dân ưu tú trở thành “thành những phần tử tiên tiến”(9), “những chiến sĩ của giai cấp Công nhân”(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Xây dựng Đảng “không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân ta (…) phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng”(11). Là lớp người “đông nhất trong nhân dân”, nông dân không chỉ đóng vai trò cung cấp những hạt nhân ưu tú xây dựng đội ngũ đảng viên, mà còn xây dựng Đảng bằng cách: “hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình”(12)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tiến trình cách mạng Việt Nam, giai cấp Nông dân Việt Nam, với địa vị kinh tế- xã hội, đặc điểm và bản chất giai cấp, ‘sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”(13), trong mối quan hệ liên minh chặt chẽ với giai cấp Công nhân, quan hệ gắn bó, gần gũi với nhiều giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội, nông dân Việt Nam đóng vai trò là nền tảng xã hội, trực tiếp tham gia bảo vệ, xây dựng Đảng. Trong thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám - 1945, trong 30 năm chiến tranh giải phóng, nông thôn trở thành địa bàn đứng chân an toàn của các cơ quan lãnh đạo của Đảng; nông dân khắp mọi miền đã bảo vệ, chở che đùm bọc cán bộ, đảng viên, nhờ đó, trong những lúc gian khó, hiểm nguy nhất, Đảng tin vào sự kiên trung của nông dân, vẫn trụ vững và vươn lên hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo dân tộc đi đến bến bờ độc lập, tự do. Trong thực tiễn đấu tranh, một số lượng lớn nông dân ưu tú gia nhập hàng ngũ của Đảng, nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng. Đại đa số những đảng viên xuất phát từ thành phần nông dân đã nêu tấm gương kiên trung bất khuất, dũng cảm kiên cường trong thực tiễn đấu tranh, trên các chiến trường, trong lao tù đế quốc. Chính sự gia nhập hàng ngũ Đảng của những nông dân ưu tú đã góp phần hình thành nên hệ thống tổ chức Đảng trên khắp cả nước khi Đảng mới thành lập; đóng góp vào quá trình khôi phục tổ chức Đảng các cấp trong điều kiện bị đối phương khủng bố ác liệt trên cả nước thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, trong vùng địch tạm chiếm thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở miền Nam những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... Sự gắn bó, bảo vệ Đảng của nông dân một mặt do đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, một mặt do đội ngũ cán bộ đảng viên, đại đa số xuất thân từ nông dân, đã gương mẫu, tiên phong, hòa mình trong quần chúng mà dẫn dắt quần chúng tiến lên. 

Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, giai cấp Nông dân với lực lượng đông đảo trong xã hội(14), với nhiều tiểm năng và sức sáng tạo to lớn, đã và đang đóng vai trò quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành Nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước”(15).

Đặc biệt, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước, giai cấp Nông dân Việt Nam tiếp tục có những đóng góp to lớn và quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Trong tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi nhanh chóng, sâu sắc và khó lường, công cuộc đổi mới nói chung, sự nghiệp xây dựng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng đạt nhiều thành tựu, song cũng đối diện với nhiều nguy cơ, nhiều thử thách to lớn, đời sống một bộ phận nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa  còn gặp nhiều khó khăn, giai cấp Nông dân trước sau vẫn tuyệt đối một lòng, một dạ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Là lực lượng đi tiên phong thực hiện đường lối đổi mới trong nông nghiệp - khởi đầu công cuộc đổi mới ở Việt Nam, giai cấp Nông dân tiếp tục tích cực hưởng ứng và là lực lượng to lớn trong việc hiện thực hóa đường lối, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tin tưởng và tích cực thực hiện có hiệu quả, thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, giai cấp Nông dân đã thực hiện một nội dung cơ bản, quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Cán bộ, hội viên nông dân tham quan mô hình của thành viên Tổ hội nông dân nghề nghiệp Nhãn Hương Chi (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk).

Các cấp Hội Nông dân trên toàn quốc đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng Đảng. Thông qua tổ chức Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giai cấp Nông dân góp ý với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách, nhất là trên lĩnh vực Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn; góp phần xây dựng, bổ sung và phát triển đường lối đổi mới của Đảng; góp phần xây dựng, phát triển chủ trương, giải pháp thực hiện công cuộc đổi mới tại các địa phương(16)

Giai cấp Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các cấp đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (1-2016), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1-2021), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dưới sự tổ chức của Hội Nông dân các cấp, nông dân cả nước đã tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cấp ủy, bộ máy Nhà nước các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị - khóa IX) và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị -khóa XI); Quy định 124-QĐ/TW, ngày 2 -2 - 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18 - 5 - 2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 01-NQ/ĐĐ-HNDVN ngày 27 - 10 - 2021, của Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam… Các cấp Hội Nông dân các địa phương trên cả nước đã tích cực tham gia phản biện, góp ý các văn bản dự thảo của cấp ủy, chính quyền về các chủ trương, cơ chế, việc thực hiện chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trên những lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những ý kiến của Hội Nông dân là cơ sở để cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện công tác xây dựng Đảng, thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý. Các cấp Hội nông dân các tỉnh, thành phố tích cực tổ chức, chủ trì đoàn giám sát hoặc tham gia các đoàn giám sát do các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức(17); vận động hội viên tích cực tham gia giám sát cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, trong công tác phòng- chống tham nhũng và trong tác phong sinh hoạt, lối sống… Cũng thông qua giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nông dân đã phát hiện, giới thiệu những người có đức, có tài tham gia các cơ quan công quyền.. 

Các cấp Hội Nông dân tại nhiều địa phương đã tổ chức các hội nghị, sinh hoạt chi hội, tổ hội để hội viên nông dân góp ý, phê bình đối với cán bộ, đảng viên, qua đó  giúp cán bộ, đảng viên sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Trung ương Hội, Hội Nông dân tại nhiều địa phương đã phối hợp cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại giữa Trung ương Hội Nông dân với người đứng đầu Chính phủ; giũa hội viên nông dân với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương về các vấn đề liên quan đến sản xuất; các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đời sống của hội viên nông dân…(18)  

Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp đã tích cực thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hội Nông dân các cấp đã tổ chức học tập, quán triệt các nội dung cơ bản của Kết luận đến toàn thể cán bộ, hội viên; xây dựng chương trình thực hiện gắn với đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…Việc nông dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên... góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp...

Trong tình hình mới, nông dân Việt Nam tiếp tục là nguồn bổ sung quan trọng cho đội ngũ đảng viên(19). Đội ngũ đảng viên mới xuất thân là nông dân không chỉ phát huy vai trò lãnh đạo trong thực hiện đường lối phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Đánh giá về vai trò và đóng góp của Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân đã “tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng giai cấp nông dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(20).

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Hội Nông dân, của nông dân Việt Nam vẫn còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, hội viên, nông dân ở một số nơi hiệu quả chưa cao, còn hình thức. Một số cấp Hội chưa tích cực, chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp với các ngành, đoàn thể để tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hội viên, nông dân là những kênh rất quan trọng trong đóng góp xây dựng Đảng, nhưng ở một số cấp Hội địa phương, nhất là ở cấp huyện, cấp cơ sở, còn chưa được chú trọng, mang tính hình thức, kém chất lượng hoặc hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu…  

Để phát huy vai trò của nông dân Việt Nam, của Hội Nông dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, bên cạnh những giải pháp cơ bản và lâu dài là tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, làm cho nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, xin đóng góp thêm một số biện pháp sau đây:   

Một là, các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên cần quán triệt và nhận thức đầy đủ, triệt để và sâu sắc vai trò của giai cấp Nông dân, Hội Nông dân Việt Nam trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực tiễn cho thấy, sự nhận thức, đánh giá đúng tầm, tôn trọng và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng của giai cấp Nông dân và Hội nông dân. Các cấp ủy Đảng, nhất là ở cấp địa phương huyện, cơ sở, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các trương của Trung ương Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông dân và Hội Nông dân; cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ, tương xứng về vị trí, vai trò của nông dân, Hội Nông dân, chỉ đạo các cấp chính chính quyền, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội quan tâm tạo điều kiện, thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân thực hiện tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Hai là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, hội viên, nông dân. Niềm tin vào Đảng là vấn đề mấu chốt để nông dân tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là Hội Nông dân các cấp cần phải đổi mới nội dung, phương thức, phương tiện tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nông dân, theo hướng chắt lọc và cô đọng hóa những nội dung cốt lõi của các nghị quyết, chỉ thị, chương trình… của Đảng, Chính phủ, của các cấp ủy và chính quyền địa phương, vận dụng gắn với thực tế địa phương, thực tế đời sống nông dân các vùng, miền; sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để quảng bá, tuyên truyền những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; về chủ trương, phương châm và kết quả đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc chủ trương, đường lối và kết quả lãnh đạo thực hiện đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…   

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia giám sát và phản biện xã hội của Hội Nông dân các cấp. Giám sát và phản biện xã hội theo chủ trương của Đảng là một nội dung của nền dân chủ Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta, đồng thời là một kênh rất quan trọng, đóng góp trực tiếp vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; một phương thức phù hợp với nông dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là chức năng, nhiệm vụ chính trị của Hội Nông dân. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia giám sát và phản biện xã hội, cần tập trung tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, thực hiện công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức; tham gia phản biện đối với các các vấn đề về chủ trương, chính sách liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hội Nông dân các cấp phải chấp hành nghiêm các quy định của Đảng về thực hiện giám sát, phản biện xã hội; đồng thời, không ngừng nâng cao khả năng tổ chức, phối hợp, tham gia thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tăng cường tổ chức và đổi mới các hoạt động, sinh hoạt của Hội nhằm tạo điều kiện để hội viên nông dân tham gia giám sát, góp ý sát và thiết thực hơn.

Bốn là, Phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp trong tổ chức, động viên hội viên, nông dân tham gia có chất lượng hơn, kịp thời hơn vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội Nông dân đã thể hiện tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường… là cơ sở tốt để phát huy vai trò là chủ đạo tổ chức, động viên nông dân tham gia xây dựng Đảng. Hội Nông dân các cấp phải tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút, tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia công tác xây dựng, chính đốn Đảng. Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp cần chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu những nông dân ưu tú để các cấp ủy kết nạp vào Đảng. 

(1) Trong cuộc đời hoạt động công cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều danh xưng khác nhau, trong bài này, để thuận cho trình bày, chúng tôi dùng danh xưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr. 288, 341
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr.1- 3
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr.5.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr.255.
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr. 258
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr. 274
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr.281
(9) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr.257
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr.276
(11) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr. 280-281
(12) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr. 280-281
(13) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.248
(14) Theo: Lương Quốc Đoàn: “Xây dựng giai cấp Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” nông dân Việt Nam hiện chiếm hơn 1/3 dân số cả nước và chiếm 49,17% số hộ ở nông thôn với hơn 9,1 triệu hộ nông dân. Tạp chí Cộng sản điện tử, phát hành 19:45, ngày 24-12-2023.
(15) Nguyễn Phú Trọng: “Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, giai cấp Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam quyết tâm phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ vẻ vang của dân tộc trong thời kỳ mới”.  Cổng Thông tin điện tử - Hội Nông dân, phát hành lúc 9h, 10 ngày 27/12/2023, tại địa chỉ:http://www.hoinongdan.org.vn/dai-hoi-viii/toan-van-phat-bieu-cua-dong-chi-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-dai-hoi-viii-hoi-nong-dan-viet--287733
(16) Theo Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Hội Nông dân toàn quốc lần thứ VII, trong thời gian từ  năm 2018 - 2023, Trung ương Hội tổ chức 6 hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại 6 Cụm thi đua; các cấp Hội chủ động tổ chức tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức 7.548 hội nghị phản biện, tham gia góp ý 39.379 ý kiến vào các dự thảo văn bản... Xem tại địa chỉ: https://danviet.vn/toan-van-du-thao-bao-cao-chinh-tri-trinh-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-hoi-nong-dan-viet-nam-lan-thu-viii-2023-2028-20231015093231177.htm
(17) Theo Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Hội Nông dân toàn quốc lần thứ VII, trong thời gian từ  năm 2018 - 2023, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức 14.034 đoàn giám sát; tham gia 32.261 đoàn giám sát do các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp chủ trì.
(18) Theo Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Hội Nông dân toàn quốc lần thứ VII, trong thời gian từ  năm 2018 - 2023, Trung ương Hội tổ chức thành công 3 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Hội Nông dân cấp tỉnh đã tổ chức 149 cuộc đối thoại, Hội Nông dân cấp huyện tổ chức 2.081 cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền cùng cấp với nông dân, từng bước đưa chủ trương đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ, chính quyền địa phương với hội viên, nông dân trở thành hoạt động định kỳ hàng năm.
 (19) Theo Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Hội Nông dân toàn quốc lần thứ VII, từ năm 2018 đến năm 2023, Hội nông dân các cấp đã bồi dưỡng, giới thiệu cho các cấp ủy kết nạp được 33.926 hội viên nông dân ưu tú vào Đảng.
(20) Nghị quyết só Số 46-NQ/TW, của Bộ Chính trị, ngày 20 - 12 -2023, về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Tại địa chỉ: ttp://www.hoinongdan.org.vn/dai-hoi-viii/bo-chinh-tri-ban-hanh-nghi-quyet-ve-doi-moi-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-hoi-nong-dan-viet--287702

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác