“Vương quốc” cây ăn trái chủ động ứng phó khi trái cây rớt giá
Ông Dương Văn Đây, nhà vườn trồng 2 ha cây sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, sầu riêng là loại cây ăn quả tuy khó trồng nhưng năng suất cao. Hơn nữa, giá cả chưa ổn định nhất là vào mùa thu hoạch rộ. Đối với trái sầu riêng chưa có biện pháp nào kéo giãn thời gian thu hoạch và không thể đưa vào kho lạnh để lâu ngày.:
“Trái cây của tôi chưa có bảo quản, giữ lâu được nhưng chín thì phải xuất đi thôi chứ chưa có chế biến. Thật ra để đông lạnh lâu cũng không được” - ông Đây lo lắng.
Câu chuyện khó khăn về đầu ra cho nông sản không phải là vấn đề mới. Ngoài sự “can thiệp" ở tầm vĩ mô của các cơ quan Trung ương thì ở góc độ địa phương, công tác trồng và tiêu thụ hàng nông sản cần phải quan tâm, nhất là khâu nâng cao chất lượng hàng hóa để xuất sang nhiều thị trường trên thế giới, không tập trung xuất qua Trung Quốc.
Thực tế tại Tiền Giang, khó khăn nhất là trái thanh long có đến hơn 70% hàng hóa xuất sang Trung Quốc nên vấn đề rớt giá do ùn ứ đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, giải pháp trữ hàng bằng cái kho lạnh hiệu quả không cao vì trái thanh long để lâu sẽ kém chất lượng.
Ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo cho biết: “Kho lạnh là để chờ xe container, nhiều lúc thiếu xe, hay xe chưa di chuyển được chỉ trữ được trong vòng một tuần lễ là phải bốc đi, chất lượng giảm đưa sang bên kia cũng bán khó. Khi hàng bị ùn ứ thì tôi giãn thời gian cho trái, tránh cửa khẩu không cho hàng qua đi bằng đường biển”.
Được mùa mất giá là vấn đề thường xuyên xảy ra ở vùng trồng trái cây Tiền Giang. Vấn đề đặt ra là nhà vườn phải nâng cao chất lượng hàng nông sản, phát triển doanh nghiệp chế biến trái cây và phải mở rộng thị trường tiêu thụ, không tập trung vào thị trường truyền thống.
Trước những khó khăn của đầu ra cây ăn quả diễn ra thời điểm trước Tết cũng như thực tế hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo hợp tác xã, doanh nghiệp theo sát diễn biến tình hình thông quan cửa khẩu Trung Quốc, có phương án xử lí và bảo quản hàng hóa, hạn chế tình trạng hư hỏng, thiệt hại, đặc biệt là bố trí số lượng xe đưa lên cửa khẩu phù hợp với năng lực thông quan. Về lâu dài công tác trồng, bảo quản và chế biến trái cây cần được quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Năng suất thì đã đạt được, bây giờ mình phải nói về chất lượng, người nông dân phải thực hiện theo khuyến cáo của mình. Thứ hai là phải đầu tư nhà máy chế biến bảo quản, nếu thích ứng phải làm thôi. Nghị quyết của tỉnh có chính sách hỗ trợ. Bây giờ một là sản xuất rải vụ, tăng cường tiêu thụ nội địa, thông báo cho các doanh nghiệp hạn chế đi đến cửa khẩu vì càng đi càng ùn ứ nhiều, như vậy mới giải quyết được”.
Nhà vườn, doanh nghiệp kinh doanh trái cây ở Tiền Giang cũng như cả nước phải thay đổi nhận thức, tư duy và hướng phát triển của việc trồng và tiêu thụ trái cây. Để thực hiện được việc này, cơ quan nhà nước các cấp phải là “nhạc trưởng” làm đầu mối, tháo gỡ những rào cản, tạo điều kiện cho mặt hàng trái cây đi xa, có giá trị tốt thì mô hình này mới phát triển bền vững./.
Theo VOV