Nông thôn mới

Xây dựng môi trường cư trú truyền thống gắn với văn hóa bản địa

00:00 15/09/2017 GMT+7

Văn hóa bản địa là những giá trị văn hóa đã được đúc kết tại chính nơi mà cộng đồng sinh sống. Vì nó có tính địa điểm rõ rệt, đôi khi có những giá trị rất riêng trong một khu vực nhỏ như một tỉnh, huyện, xã, thậm chí là làng và ấp, chứ không phải chỉ là văn hóa vùng, miền nên đối với kiến trúc, nó đặc biệt có ý nghĩa nếu chúng ta hiểu biết, cảm nhận, biết học hỏi một cách thực sự.

Thực tế hiện nay, trước những thế mạnh của công nghệ, khoa học kỹ thuật, dường như những kinh nghiệm tri thức của văn hóa bản địa đang có xu hướng bị coi nhẹ. Những xu thế kiến trúc ngày càng xa rời với truyền thống, xa cách, áp chế tự nhiên, vẫn đang nảy nở . Điều nguy hại hơn nữa là nhiều công trình, dự án ẩn dưới các thuật ngữ mỹ miều như: “Châu Âu trong lòng Hà Nội”, hay “sự kết hợp tinh tế văn hóa Á- Âu”, “đô thị hiện đại của tương lai”…lại hàm chứa sự phủ nhận những giá trị của văn hóa bản địa, hướng đến những lối sống xa rời môi trường sống nhân văn của con người.

Hình 1. Khung cảnh nông thôn Việt Nam

Nền văn hóa của người Việt trong xây dựng môi trường sống nói chung nằm ở khu vực nông thôn, phần đô thị hình thành mới khoảng 50 năm, xét về bề dày thời gian so với khoảng 200-700 năm phát triển ở khu vực nông thôn là rất khiêm tốn. Đúng là các mô hình đô thị hiện nay đã quá khác biệt so với các mô hình cư trú ở nông thôn trước đây, nhưng nếu nhìn nhận kỹ những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã để lại trong xây dựng nhà ở truyền thống, cách tổ chức không gian, cách ứng xử với thiên nhiên, cách tổ chức gắn kết môi trường xã hội với môi trường tự nhiên…thì vẫn còn rất nhiều giá trị của văn hóa bản địa cho chúng ta học tập, kế thừa, chuyển tiếp cho cuộc sống đương đại.

Bài viết này muốn làm rõ 2 vấn đề: Một là nhấn mạnh những giá trị văn hóa bản địa quan trọng của người Việt cần kế thừa trong xây dựng môi trường cư trú, kể cả kiến trúc, quy hoạch; Hai là quan điểm học hỏi từ các giá trị văn hóa này trong công tác thiết kế, quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn ngày nay và đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Những giá trị văn hóa bản địa nổi bật của người Việt trong xây dựng môi trường cư trú truyền thống

Nếu hiểu văn hóa bản địa là văn hóa truyền thống nói chung thì cũng không sai nhưng đã khi làm giảm ý nghĩa văn hóa địa điểm của nó. Trong văn hóa truyền thống của người Việt vùng Đồng bằng sông Hồng có nét chung nhưng mỗi tỉnh, huyện, xã lại có thể có những giá trị văn hóa riêng biệt. Một số phân tích dưới đây cho thấy rõ nhận định này:

1.Cấu trúc quy hoạch của làng truyền thống

Nếu nói chung về cấu trúc làng truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) thì về hình thái cơ bản là dạng cấu trúc phân nhánh cành cây thành các xóm, ngõ, có cổng làng, lũy tre, giếng làng, đình, chùa, miếu…Nhưng cũng trong vùng ĐBSH, làng truyền thống Hành Thiện thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định lại có một giải pháp quy hoạch rất khác biệt.

Đây là ngôi làng được quy hoạch một cách bài bản, có hình thái rõ rệt, cấu trúc không gian rõ rệt ngay từ khi hình thành cách đây hơn 400 năm. Làng được xây dựng theo hình thái một con cá Chép quẫy đuôi mang hình tượng cá hóa rồng, vươn mình ra biển. Việc tạo nên hình thái này được tạo bởi con kênh đào dẫn nước từ sông Ninh Cơ, vừa tạo nên hình thái làng, vừa là kênh dẫn nước tưới, tiêu, vận chuyển, kết nối làng với các làng xã khác.

Điều đặc sắc là các nguyên lý thiết lập khu dân cư hiện đại mà chúng ta đang áp dụng hiện nay dường như đã được hình thành từ giai đoạn này:

• Làng có 14 tuyến đường (còn gọi là đường dong) chạy song song, tạo thành 13 xóm. Các tuyến đường cách nhau khoảng 56 m, như vậy tạo được 2 lớp nhà có chiều sâu 28m. Các lô đất được chia có chiều rộng 19 m, tạo thành các lô rộng khoảng 550 m2, phù hợp với diện tích đất ở nông thôn.

• Các dong xóm chạy chếch, lệch 19 độ so với Đông Tây. Tất cả ngôi nhà chính trong làng đều quay hướng Đông- Nam, hướng gió tốt nhất trong vùng.

• Chiều dài dong xóm xa nhất khoảng 600m, trong bình từ 300-500m. Đây cũng là khoảng cách hợp lý nhất để đi bộ. Từ dong 1 đến dong 14 khoảng 900m, trung bình nhà đến chợ khoảng 500m.

• Các đường thoát nước chạy ra dong xóm và thoát ra kênh đào (cả 2 phía), nối với sông Ninh Cơ. Đây là hệ thống thoát khoa học, đảm bảo ao, sông không bị ô nhiễm, không bị ngập úng.

• Với cấu trúc được bảo vệ bởi con kênh đào nên làng có nhiều cầu, tạo thành các bến nước ở cuối mỗi dong xóm.

• Đặc sắc nữa là với cấu trúc mới như vậy nhưng tất cả những nguyên tắc cơ bản của môi trường xã hội truyền thống vẫn được duy trì như có cổng xóm bảo vệ, có đình, chùa, miếu, chợ…

Gía trị văn hóa về xây dựng môi trường sống bản địa tại nông thôn thể hiện các kinh nghiệm, giải pháp thiết lập cấu trúc làng khác nhau. Tại trường hợp này, từ một nguyên tắc chung về cấu trúc phân nhánh, người làng Hành Thiện đã kế thừa, chuyển từ phân nhánh cành cây sang dạng mạng, không có đường cụt, tất cả các đường được kết nối. Mạng lưới đường song hành mạng lưới thu gom, thoát nước, đường bao đi kèm kênh nước cho khả năng thu gom nước chủ động, nước lưu thông lớn không phụ thuộc vào các ao hồ cục bộ như phần lớn các làng khác. Đây chính là kinh nghiệm hay mà hoàn toàn có thể kế thừa cho việc xây dựng các khu dân cư đô thị, nông thôn hiện nay.

Sơ đồ so sánh dưới đây của 2 làng gần nhau trong cùng một huyện Xuân Trường thể hiện mỗi một xã vẫn có thể có các quan điểm giải pháp thiết kế quy hoạch, tạo nên các giá trị văn hóa bản địa riêng.


Trong quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư vạch ra các hình thái không gian đô thị dựa theo yếu tố địa hình, giao thông. Đôi khi cũng có cả các ý tưởng như tạo hình thái khu đất hình con rồng, con hạc…Nhìn về lịch sử, các làng xã truyền thống đã có ý tưởng này, cùng về nguyên tắc cấu trúc nhưng khi vận dụng thiết kế làng, mỗi làng cũng đã có các giải pháp tạo nên các hình thái rất khác biệt, thể hiện cách ứng xử linh hoạt với địa điểm.

2.Văn hóa bản địa trong quy hoạch hình thái, không gian.

• Làng trên đồi, gò cao: Không gian hướng về trung tâm, có thể là không gian Đình, các đường nhánh phân tán ra xung quanh như làng cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây)….

• Làng trên đồi, gò cao: Không gian hướng về trung tâm, có thể là không gian Đình, các đường nhánh phân tán ra xung quanh như làng cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây)….

• Làng giáp sông: Thường có hình thái cấu trúc răng lược. Có thể đường chính là giáp sông, cũng có thể các đường nhánh sát sông (khi gắn với các bến nước) như làng …..

• Làng vùng đồng bằng thấp: Hình thái đa dạng hơn, có thể hướng về trung tâm là ao chung như làng Nôm ( Hưng Yên, có thể phân tán như nhành cây thực sự như làng Nha Xá ( Hà Nam).

• Làng trên đồi, gò cao: Không gian hướng về trung tâm, có thể là không gian Đình, các đường nhánh phân tán ra xung quanh như làng cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây)….


• Làng vùng đồng bằng thấp: Hình thái đa dạng hơn, có thể hướng về trung tâm là ao chung như làng Nôm ( Hưng Yên, có thể phân tán như nhành cây thực sự như làng Nha Xá ( Hà Nam).

• Làng có quy hoạch hình thái rõ rệt, có ý đồ rất đặc biệt chính là làng Hành Thiện. Không chỉ ngẫu nhiên làng có đường bao hình con cá mà mọi thành tố công trình bên trong đều có ý đồ của hình thái con cá này:

+ Miếu Tam giáp đặt tại mom cá (mỏm đầu cá), Chợ đặt ở đầu cá, giếng Mắt cá đặt ở đúng vị trí mắt hình con cá. Chùa Keo và nghĩa địa đặt ở bụng cá….

+ Đường làng và cầu qua kênh tạo thành các vây cá. Rõ cả phần bụng cá và vây cá.

Truyền thuyết người làng còn kể rằng làng bên cạnh có tên là Hạc Trì, có hình thái con chim Hạc đang định mổ con cá (làng Hành Thiện) nên người làng Hành Thiện đã mua phần đất mỏ con chim đó, đào con mương cắt ngang mỏ chim Hạc để nó không thể mổ con cá làng Hành Thiện được nữa.

+ Giếng Mắt cá theo người làng kể lại do chính bậc thầy phong thủy là cụ Tả Ao chọn vị trí đặt cho. Giếng đúng vị trí mắt cá, xây bằng đá giật cấp tạo hình mắt con cá, giếng chỉ để lấy nước thờ chứ không phải là cho sinh hoạt hàng ngày.

Không biết có phải do phong thủy tốt không mà làng Hành Thiện có rất nhiều người đỗ đạt (có 3 Tiến sỹ, 4 phó bảng, 4 người làm tổng đốc, 4 người làm Thượng Thư, quê của cố Tổng bí thư Trường Chinh). Có câu “Đông Cổ Am, nam Hành Thiện” hay “ Đậu phụ Cổ Nhai, tú tài Hành Thiện” nói về làng nổi tiếng truyền thống khoa bảng.

Hình 10. Hình ảnh giếng mắt cá làng Hành Thiện

Phân tích qua hình thành mặt nước cũng thấy ứng xử khác nhau đối với địa hình từng vùng;

Địa hình đồi núi: Chỉ có giếng làng dọc đường làng chính, ao làng ven đồi, ít ao nhà.

Địa hình đồng bằng cao: Ao làng tập trung, giếng trung bình đến lớn. Cả ao bên trong và bên ngoài.

Địa hình thấp, chiêm trũng: Nhiều ao nhỏ, tôn nền cục bộ. Giếng làng cả bên trong và bên ngoài. Kết hợp ao và kênh nước.

Phân tích về mặt nước của các làng xã cho thấy, mỗi một dạng mặt nước hình thành thực chất đều gắn với một dạng phát triển của khu vực đó.

+ Làng Hành Thiện có mặt nước chính là kênh đào tạo hình con cá, thể hiện qúa trình xây dựng tập trung trong thời gian ngắn, có quy hoạch hoàn chỉnh. Đây là làng cộng đồng dân cư đã có từ trước, ở ven sông Ninh Cơ, do sông bị sạt lở nên di chuyển vào đây.

+ Làng Nôm ( Hưng Yên) có ao làng lớn, cũng thể hiện một quá trình xây dựng tập trung, cộng đồng chung sức đào ao, vượt đất làm nhà. Các công trình nhà ở, nhà thờ họ quây quanh ao làng lớn tạo nên cảnh quan đẹp. Việc cân bằng nước mang tính khu vực.

+ Làng Nha Xá (Hà Nam) có rất nhiều ao nhỏ. Thể hiện cách thức xây dựng riêng của từng hộ gia đình. Tạo nên sự cân bằng nước, sinh thái ngay trong hộ gia đình.

4.Bài học về tạo lập hình thái không gian tương thích với quá trình phát triển làng, gắn kết với mô hình xã hội.

Phân tích qua các dạng sơ đồ đường làng, ngõ xóm tại phần lớn các làng ở vùng ĐBSH cho thấy, quá trình hình thành một làng là kéo dài, nhiều giai đoạn xây dựng. Các tuyến đường không được vạch sẵn hết mà được nối tiếp, vì thế nó không được thẳng mà gẫy khúc do những hộ gia đình đã có ở cuối các con đường giai đoạn trước. Làng có tính động, có phát triển chứ không tĩnh. Có thể so sánh sự phát triển của cấu trúc làng giống như quan điểm của xu hướng “Chuyển hóa luận – Metabolism Architecture”

Nhìn vào cấu trúc không gian làng, ta dễ dàng nhận diện ra các ngõ xóm, mỗi xóm là thành tố tạo nên làng, tạo nên “ tình làng , nghĩa xóm” mật thiết trong cộng đồng dân cư truyền thống. Hệ thống đường phân nhánh, tuy tạo nên các đường cụt, hạn chế về giao thông, thoát nước nhưng lại có ý nghĩa lớn về việc tạo ra mối quan hệ xã hội này.


Bài học ở đây là cấu trúc không gian có thể góp phần củng cố quan hệ xã hội. Điều mà nhiều đồ án quy hoạch chia lô trong các khu dân cư đô thị hiện nay đã bỏ qua khía cạnh này.

5.Gía trị về gắn kết không gian với việc tạo nên các giá trị sinh thái nhân văn, sự cân bằng giữa cư trú và hoạt động kinh tế

Đây là giá trị rất lớn mà bài viết này chưa thể đề cập sâu. Tuy nhiên chúng ta thấy rõ cấu trúc không gian làng truyền thống vùng ĐBSH rất phù hợp với mô hình kinh tế nông nghiệp nhỏ, tự cung tự cấp. Đồng ruộng bao bọc xung quanh, hệ thống thu gom nước thải, phân bón từ nơi ở cung cấp cho đồng ruộng, đồng ruộng cung cấp cho làng cả thức ăn, chất đốt. Hệ sinh thái nơi ở gắn kết với sinh thái tự nhiên, sinh thái đồng ruộng. Các mô hình ruộng công, ruộng Đình, ruộng chùa đã góp phần củng cố quan hệ xã hội làng xóm, tạo nên tính tự trị bền vững.

So sánh giữa các tiêu chí mà các làng xã truyền thống đã đạt được và các đơn vị ở, khu đô thị mới đã đạt được thì cho thấy mức liên kết có tính hệ thống của các làng đã đạt được ở mức độ cao hơn nhiều. Tạm phân ra 4 cấp độ liên kết:

Cấp độ 1: Công năng- thẩm mỹ – môi trường

Cấp độ 2: Công năng- thẩm mỹ – môi trường- phương thức phát triển

Cấp độ 3: Công năng – thẩm mỹ – môi trường – phương thức phát triển – mô hình xã hội.

Cấp độ 4: Công năng – thẩm mỹ – môi trường – phương thức phát triển – mô hình xã hội. – mô hình kinh tế.

Chúng ta quy hoạch thường chỉ chú ý đến công năng- thẩm mỹ – môi trường, tức là mới cố gắng đạt đến cấp độ 1. Trong khi quá trình phát triển làng truyền thống đã đạt đến sự gắn kết ở cấp độ 3 hoặc 4. Thật là đáng nể phục và rất cần được học hỏi.

Quan điểm học hỏi từ các giá trị văn hóa bản địa trong công tác thiết kế, quy hoạch xây dựng đô thị ,nông thôn ngày nay.

• Học hỏi từ văn hóa bản địa như những kinh nghiệm, ứng dụng trực tiếp cho giải pháp thiết kế

Đây là cách học hỏi trực quan, từ cách học hỏi cấu trúc quy hoạch làng truyền thống khi cải tạo nông thôn mới, xây dựng các khu dân cư đô thị đến học hỏi các kinh nghiệm xây dựng nhà ở dân gian, sử dụng gạch nung, gạch đất, mái lợp rơm rạ…khi thiết kế kiến trúc công trình. Học hỏi về cách thu gom giữ nước mưa, xử lý chất thải hữu cơ bằng ủ sinh học, học hỏi về việc gìn giữ hệ sinh thái, tôn trọng cây cổ thụ…

Hình 13. Giá trị cảnh quan truyền thống ven ao làng

Ngay cả với xu hướng thiết kế Kiến trúc xanh mà chúng ta đang hướng tới thì ngôi nhà truyền thống của người Việt cũng cho chúng ta rất nhiều điều để học hỏi và kế thừa. Tất cả các tiêu chí về sử dụng vật liệu, năng lượng, thu gom nước mưa, giảm nhiệt…người Việt đã có giải pháp. Vậy chỉ cần kế thừa các kinh nghiệm đó, bổ sung thêm giải pháp công nghệ chỉ vừa đủ để hạn chế những lúc khí hậu rất bất lợi như nhiệt độ quá 34 độ, gió Lào, lạnh dưới 15 độ là đã có thể có được các kết quả tốt. Hầu hết các giải pháp kiến trúc thụ động đều có thể áp dụng được từ những kinh nghiệm của văn hóa truyền thống.

• Học hỏi từ văn hóa bản địa trên quan điểm rộng hơn là những kinh nghiệm cụ thể.

Gía trị văn hóa bản địa cần được nhìn nhận lớn hơn khía cạnh kinh nghiệm. Đó là quan điểm, thái độ ứng xử, tập quán, lòng tin, tín ngưỡng… nên cần hiểu các giá trị văn hóa này trên cái nhìn rộng hơn là chỉ ở việc kế thừa những kinh nghiệm, gắn với các hành động cụ thể như kiến trúc, xây dựng. Việc học hỏi này mới là bản chất.

Cần tránh sự học hỏi về biểu hiện thì có thể giống nhau nhưng bản chất quan điểm ứng xử khác nhau:

Ví dụ về việc gắn kết con người với tự nhiên. Nhiều giải pháp thiết kế nhà hiện nay với nhà ở cửa số lớn, các mảng kính lớn trong suốt, từ bên trong có thể quan sát được toàn cảnh thiên nhiên và coi như đây là một giải pháp sáng tạo kế thừa văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên đây mới là sự hòa nhập bằng thị giác, bằng sự nhìn thấy chứ không phải sự hòa nhập thực sự. Trong một căn phòng nhà kính, nhiệt độ ổn định mát mẻ, dễ chịu thật nhưng chỉ ngắm thiên nhiên chứ ta không cảm nhận được nó. Người ở không cảm nhận được nắng, gió, độ ẩm, được tiếng chim, được sự thay đổi nhỏ của khí hậu khi bóng mây bay qua.

Còn trong nhà ở truyền thống, với của bức bàn mở gần như hết mặt trước, hiên rộng để có thể mắc võng nằm nghỉ, con người mới thực sự được gắn bó vớ thiên nhiên, không chỉ những mặt thuận lợi mà biết chấp nhận những mặt bất lợi của nó, chung sống với thiên nhiên. Cũng chính vì vậy mà trong truyền thống văn hóa, người Việt nhìn chung tôn trọng, chung sống với thiên nhiên, không có những tư tưởng rời non, lấp biển.

Hình 14. Giá trị lịch sử và giá trị văn hóa xã hội

Cần tránh quan điểm lạm dụng công nghệ mới, coi nó có thể khống chế thiên nhiên, tạo nên môi trường cư trú dễ chịu nhưng hoàn toàn nhân tạo. Quan điểm này dễ tạo ra các ứng xử tiêu cực với thiên nhiên, đẩy môi trường sống của con người ngày càng xấu đi.
Bỏ qua văn hóa bản địa là chúng ta đã mắc sai lầm, áp đặt một lối sống mới, từ vùng xa lạ khác. Giống như trường hợp  nhà Rông miền núi đã được áp dụng vì kèo của vùng Đồng bằng Bắc Bộ hay nhà văn hóa mới xây dựng theo kiểu nhà Rông truyền thống, nhưng lại luôn khóa cửa. Cố GS Nguyễn Khắc Tụng trong chuyến đi khảo sát điền dã vùng Pleiku đã có nhận xét rất hay về nhà Rông này là: “Nhà Rông thiếu văn hóa”. Bởi bản chất nhà Rông của người Tây Nguyên là luôn mở cửa, đón chào khách, nhà của mọi người trong cộng đồng.

Chúng ta có máy bơm hiện đại, có điện, có thể hút nhiều nước từ độ sâu lớn, làm những nhà máy xử lý nước lớn, thấy nguồn nước dồi dào làm nảy sinh thói quen dùng nước lãng phí. Không biết chắt chiu tài nguyên nước như giai đoạn trước phải dùng nước mặt, nước mưa.

Có điện, có máy điều hòa, có cửa kính. Cộng nghệ tạo nên sự thoả mãn tiện nghi nhiệt mà con người vẫn được ngắm nhìn thiên nhiên. Nhưng mặt trái là tạo nên thói quen thích sống trong lồng kính, sự hòa nhập chỉ là hình ảnh. Không thích hòa nhập thực. Trẻ em sống trong đô thị hiện nay xa cách thiên nhiên, sợ hãi những con côn trùng bé nhỏ.

Cần khẳng định giá trị văn hóa bản địa đặc sắc của người Việt, dù có các giải pháp khác nhau nhưng đều toát nên một giá trị lớn, đó là quan điểm ứng xử xây dựng môi trường vật thể hài hòa với tự nhiên và phù hợp với môi trường sống xã hội.

Chúng ta không chặt cây, không san nền địa hình không phải vì chúng ta không làm được mà vì với công nghệ hiện đại, chúng ta vẫn có thể làm được những khu resort, khu du lịch tuyệt đẹp mà không phải phá một cái cây, san một ngọn đồi. Đó mới là quan điểm đúng.

Chúng ta xây dựng và giữ những ao hồ nhỏ, kênh mương nhỏ không phải vì chúng ta không có khả năng xây dựng những đường cống lớn, những hồ nước lớn, mà vì những ao hồ, kênh mương nhỏ là một phần của thiên nhiên, nhạy cảm, đóng góp cho môi trường như những cái lá dù nhỏ phân bố đêu lấy ánh sáng nuôi sống cả cây chứ không chỉ phụ thuộc và một vài cái lá thật lớn.

Chúng ta xây dựng những không gian sinh hoạt nhỏ, những sân chơi, sân sinh hoạt cho cộng đồng không phải vì chúng ta không thể xây dựng những quảng trường hùng vĩ, mà vì lối sống cộng đồng của người Việt không như vậy, người dân phần lớn muốn chia sẻ, muốn gặp gỡ trong những không gian nhỏ, thân thiện.

Kết luận

Văn hóa truyền thống của người Việt rất phong phú và có giá trị cao. Trong các giá trị văn hóa chung của từng vùng, miền lại có những giá trị văn hóa bản địa mang dấu ấn địa điểm, địa phương tỉnh, huyện, xã.

Gía trị văn hóa bản địa trong xây dựng môi trường cư trú của người Việt là rất đặc sắc. Thể hiện trong việc thiết lập cấu trúc quy hoạch, thiết lập hệ thống hạ tầng, hình thái không gian, mặt nước. Thể hiện trong việc thiết lập môi trường cư trú hài hòa với môi trường tự nhiên, hệ thống xã hội và phương thức sản xuất.

Mỗi một địa phương như xã, huyện cùng trên một số nguyên tắc chung lại có những kinh nghiệm, giải pháp hay trong việc thiết lập cấu trúc, hình thái, không gian. Việc so sánh các giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian đường làng, ao làng…giữa một số làng cho thấy việc tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa là rất có ý nghĩa.

Trong việc học hỏi các giá trị văn hóa bản địa, không chỉ học hỏi từ các kinh nghiệm cụ thể, mang tính giải pháp mà cần học hỏi từ quan điểm lớn hơn của văn hóa truyền thống, đó là văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, hài hòa với môi trường xã hội. Không học hỏi mang tính hình thức, lạm dụng công nghệ dễ dẫn đến sai lệch trong mục tiêu phát triển, đi ngược lại với các quan điểm có giá trị cao của văn hóa truyền thống.

PGS.TS Phạm Hùng Cường

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác