Xây dựng nông nghiệp đô thị
Nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế ngành nông nghiệp là mục tiêu được TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đặt ra trong nhiều năm qua thông qua việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị gắn với phát triển đô thị.
Nâng giá trị
Tam Kỳ, Quảng Nam có 4 xã mà phần lớn người dân sinh sống bằng nghề nông, thậm chí ngay cả các phường như An Phú, Trường Xuân hay Hòa Hương vẫn được gọi là “phường nông nghiệp”. Vì vậy, thời gian qua địa phương rất quan tâm đến phát triển kinh tế nông nghiệp qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp đi lên, nông thôn khởi sắc và nông dân tăng thu nhập. Trong số đó, đáng chú ý là 2 đề án được ban hành cách nhau gần 10 năm: đề án đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – đô thị giai đoạn 2007 -2015 và đề án phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020. Đây được coi là “đòn bẩy” trong phát triển nền nông nghiệp thành phố, chuyển dịch từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp – đô thị có năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa đáp ứng nhu cầu của địa phương, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Sau 10 năm triển khai chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển cho ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của thành phố đã có những chuyển biến đáng kể, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế, mang lại thu nhập, giúp người dân yên tâm sống với nghề. Có thể thấy ngành trồng trọt đã chuyển dần sang sản xuất theo hướng nông nghiệp – đô thị, sản xuất hàng hóa với nhiều diện tích đất không chủ động nguồn nước tưới đã được chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đến nay tại một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh đem lại hiệu quả cao như rau quả thực phẩm tại phường Trường Xuân; hành, dưa hấu ở Tam Thăng; dưa leo, dưa gang ở Tam Phú. Mới nhất là các mô hình trồng rau muống biển tại xã Tam Thanh, trồng nén tại An Phú, trồng ớt tại Tam Ngọc. Cạnh đó, mô hình kinh tế vườn gắn với trồng hoa, cây cảnh, cây ăn trái đem lại hiệu quả kinh tế cũng ra đời ở Hòa Hương, An Phú, Tam Thăng, Tam Ngọc. Ở lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn thành phố bước đầu đã hình thành các cơ sở chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại nuôi heo hướng nạc, bò nhốt, gà thả vườn với quy mô từ vài trăm đến cả nghìn con tại Tam Thăng, Tam Thanh.
Cùng với câu chuyện quy hoạch, phát triển vùng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vấn đề phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và liên kết sản xuất với các doanh nghiệp nhằm khép kín từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu thụ sản phẩm cũng được thành phố quan tâm. Qua đó, góp phần giúp nông dân nâng cao chất lượng nông sản, có thể cạnh tranh trên thị trường. Tại hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2017 mới đây, UBND TP.Tam Kỳ cho biết, trên địa bàn đã thành lập mới một số HTX và bước đầu hoạt động có hiệu quả, như HTX Tam Phú, Kỳ Anh, nước mắm Tam Thanh, trồng hoa Trường Xuân. HTX Tam Phú hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp như chuyên sản xuất rau, cung cấp thức ăn gia súc gia cầm, phục vụ phân bón, giống cho bà con nông dân. Trong khi đó, HTX Đồng Hành (xã Tam Ngọc) thành lập từ nửa cuối năm 2016 đã đứng ra liên kết với một doanh nghiệp bao tiêu nông sản ớt của nông dân trên địa bàn. Không dừng lại ở đó, sắp tới HTX có kế hoạch mở rộng thêm một số nông sản khác như đậu phụng.
Giải pháp đồng bộ
Phát triển kinh tế nông nghiệp của TP.Tam Kỳ thời gian qua đạt được một số thành quả nhất định, nhất là trong việc nâng cao chất lượng nông sản và giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền và ngành chức năng của thành phố, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp – đô thị còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, năng suất lao động và giá trị trên đơn vị diện tích còn thấp. Việc liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản dù bước đầu có những chuyển biến, song nhìn chung còn mang nặng tính tự phát, nông dân tự tìm thị trường tiêu thụ là chính. Ngoài ra, có thể kể đến sự yếu kém, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp. Chưa phát huy lợi thế tự nhiên, hiệu quả sử dụng đất đai và tài nguyên chưa cao…
Để giải quyết tình trạng này, theo ông Đỗ Văn Minh – Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ,tỉnh Quảng Nam, nhiều chính sách hỗ trợ của thành phố đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Bên cạnh chính sách của Trung ương và tỉnh, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp như cải tạo đồng ruộng, xây dựng các công trình thủy lợi, bê tông hóa kênh mương, đập. Địa phương cũng tích cực đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong nông nghiệp cũng như góp phần quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho bà con nông dân.
Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hơn nữa việc xây dựng chuỗi giá trị, kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết đầu ra nông sản về thịt gà, heo, rau quả, hoa cây cảnh. Đồng thời đẩy mạnh việc hình thành các tổ hợp tác, HTX và liên kết sản xuất với doanh nghiệp để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Hiện thành phố kết nối với doanh nghiệp, cơ sở thu mua nông sản của các vùng chuyên canh; kêu gọi các HTX bao tiêu sản phẩm của bà con nông dân. Một vấn đề cũng rất quan trọng đó là tiếp tục hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để góp phần nâng cao năng suất và giá trị.
Anh Sắc
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi