Sống xanh

Xóa nghèo cho vùng đồng bào Mảng cần đầu tư đúng hướng

09:40 26/09/2019 GMT+7

Làm gì để đồng bào Mảng từ bỏ hủ tục lạc hậu, chăm chỉ làm ăn để thoát nghèo là trăn trở nhiều năm nay của chính quyền địa phương.

Người Mảng cho rằng trời sinh ra họ thì trời cũng cho họ thức ăn để sống. Núi còn củ mài, củ sắn, rau quả… suối còn tôm, cá… khe còn cua, ếch… rừng còn chim muông, thú… thì họ chẳng lo sợ gì chết đói. Chính vì quan niệm đó mà người Mảng không chịu áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

Đời sống người Mảng khó khăn vì nhiều hủ tục. Ảnh: Khắc Kiên.

Trưởng công an xã Bum Nưa, Vàng Văn Trung được phân công lên làm Bí thư chi bộ bản Nậm Củm. Chi bộ có 9 đảng viên nhưng chỉ có 4 đảng viên là người của bản, còn lại là từ xã và giáo viên tăng cường lên sinh hoạt cùng.

Việc phát triển đảng viên và sinh hoạt đảng cũng hết sức khó khăn vì nhận thức trong đồng bào còn hạn chế.

Theo ông Vàng Văn Trung, bà con nhiều năm nay vẫn luôn trong tình trạng trông chờ, ỉ lại sự hỗ trợ của nhà nước nên các dự án đầu tư cho người Mảng cần triển khai một cách đồng bộ, không nhỏ lẻ và thực sự làm thay đổi nếp nghĩ cũ ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Ngay cả việc hỗ trợ gạo cứu đói mà nhà nước cấp 15 kg mỗi người mỗi tháng cũng phải triển khai phù hợp.

“Gạo cứu đói hỗ trợ bà con trước đây thường để ở Ủy ban xã sau đó bà con tự xuống lấy. Đi lấy vừa xa, gạo nặng nên người dân bán đi lấy tiền đổi lấy rượu và thức ăn. Từ thực tế đó, Đảng ủy xã chỉ đạo chở gạo cứu đói lên tận bản. Vì vậy, tôi đã vận động các doanh nghiệp hoặc nhờ xe công trình chở gạo đến tận nơi cho bà con”, ông Trung nói.

Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Tè cũng chia sẻ, đồng bào Mảng thường cư trú và ở những vị trí xa trung tâm, địa hình cách trở, đi lại rất khó khăn, có nơi biệt lập với bên ngoài. Vì vậy Nhà nước, tỉnh và huyện đã đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông, điện, đường, trường, trạm; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ tại cơ sở… phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình cho bà con.

Để bà con có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt, giao lưu với bên ngoài, thoát khỏi đói nghèo, bệnh tật, cấp ủy, chính quyền từ xã đến huyện đã tăng cường cán bộ tới từng bản, từng hộ gia đình để cầm tay chỉ việc. Song điều đáng buồn, khi cán bộ về đâu lại vào đấy.

“Trước mắt, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động bà con, đồng thời phải xây dựng được những người đầu tầu trong bản và hỗ trợ cho những cá nhân đầu tầu này những mô hình làm ăn, để sau đó mọi người cùng nhau làm. Những hộ thiếu vốn, thiếu đất sản xuất và thiếu kinh nghiệm sản xuất mà để người ta tự làm thì không dễ chút nào”, ông Thạch nhấn mạnh.

Bà con sinh sống dựa vào hái lượm. Ảnh: Thanh Thủy.

Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người đã từng có những nghiên cứu về đồng bào Mảng ở Lai Châu, qua nghiên cứu vùng đồng bào Rục ở Quảng Bình; vùng người Mảng và La Hủ ở Lai Châu thì cả 3 dân tộc này có đặc điểm là dù Nhà nước đầu tư rất lớn nhưng vẫn không thoát nghèo. Tất cả những nơi mà trước đây phải vài ngày đi bộ mới đến, bây giờ chỉ ngồi trên xe ô tô rất thuận tiện, bà con có nông sản là bán được nhưng vẫn không thoát được nghèo, phải chăng là do đầu tư chưa đúng?

“Tại sao đồng bào Mảng lại không phát triển được. Đó cũng là một phần lỗi của chúng ta, đó là không nghiên cứu đặc trưng của từng dân tộc đó để đưa ra những giải pháp riêng. Ủy ban dân tộc cũng đã có dự án, nhiều ngành cũng có dự án đầu tư cho bà con nhưng lại không nghiên cứu nội lực, đặc điểm của dân tộc đấy, thế mạnh nhất của dân tộc đấy mà đem áp đặt xóa đói giảm nghèo của người Kinh và của dân tộc khác đưa xuống đấy. Tự dưng trở thành bao cấp, nghĩ hộ đồng bào, làm thay đồng bào”, TS Trần Hữu Sơn nói.

Phải chăng chính việc lo thay, làm thay, bao cấp – đói có Nhà nước lo, khiến nhiều năm dài tộc người Mảng không tự chủ vươn lên thoát nghèo? Điều này rất cần có sự nghiên cứu, hiến kế của các Nhà dân tộc học, các nhà khoa học am hiểu về đồng bào các dân tộc thiểu số… trước mỗi một chương trình, dự án  đầu tư cho vùng đồng bào ít người, trong đó cần coi trọng việc phát huy chính nội lực, tính bản địa của người dân địa phương./.

(Theo VOV)

Tin cùng chuyên mục
Tin khác