Đề xuất quy chế hoạt động của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề
Dự thảo nêu rõ, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề là tổ chức đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề sử dụng tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản của tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Nguyên tắc hoạt động của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề
Theo dự thảo, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề phải đảm bảo các nguyên tắc sau: 1- Bảo đảm các điều kiện và thực hiện các hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.
2- Bảo đảm sự chính xác, độc lập, khách quan, công bằng và minh bạch trong các hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Dự thảo nêu rõ, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề chịu sự quản lý nhà nước về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời chịu sự quản lý về các hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi tổ chức đánh giá kỹ năng nghề đặt trụ sở.
Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề có nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24/03/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề thực hiện đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề, bậc trình độ kỹ năng nghề theo giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được cấp và lịch trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố.
Các hoạt động của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề
Theo dự thảo, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề triển khai các hoạt động chính như:
Đề xuất kế hoạch tổ chức các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trong năm; xây dựng kế hoạch cụ thể về các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố kế hoạch và lịch trình tổ chức các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trong năm và đăng tải trên trang thông tin điện tử, đăng thông báo tại trụ sở chính của tổ chức.
Bên cạnh đó, tiếp nhận đăng ký tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, rà soát điều kiện tham dự đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và gửi phiếu báo dự kiểm tra cho người đủ điều kiện tham dự; lập kế hoạch tổ chức, phân công nhiệm vụ thực hiện từng kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tại tổ chức; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo quy định; thực hiện và kiểm tra việc chuẩn bị các điều kiện trước mỗi kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo quy định; tạo điều kiện cho ban giám khảo và tổ giám sát thực hiện nhiệm vụ trong các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tại tổ chức; công nhận kết quả đánh giá của ban giám khảo và đăng tải kết quả kiểm tra kiến thức, kiểm tra thực hành của người tham dự tại kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trên trang thông tin điện tử của tổ chức và niêm yết tại địa điểm tổ chức kỳ đánh giá kỹ năng nghề; giải quyết khiếu nại và tố cáo về kết quả kiểm tra và quá trình đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo thẩm quyền; lập hồ sơ và văn bản đề nghị cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người tham dự kỳ đánh giá kỹ năng nghề đạt yêu cầu…
Theo Chinhphu.vn
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới