Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang:
“Tạp chí phản ánh kịp thời những nhân tố tiêu biểu, mô hình hay, cách làm mới”
Với bản thân tôi, cũng như đội ngũ cán bộ Hội tỉnh Bắc Giang, việc theo dõi, đọc, nghiên cứu các bài viết về tỉnh Bắc Giang nói riêng, các bài viết khác trên các ấn phẩm của Tạp chí NTM là việc làm thường xuyên, cần thiết. Bởi đối với hệ thống Hội, Tạp chí là cơ quan thông tin, nghiên cứu, lý luận của Trung ương Hội NDVN, là diễn đàn của giai cấp Nông dân.
Đọc Tạp chí, không chỉ giúp cán bộ Hội nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất là các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn là kiến thức về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội. Ở đó, người đọc được tiếp cận các mô hình, điển hình tiên tiến của tổ chức Hội và hội viên nông dân cũng như cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động công tác Hội, phong trào nông dân trên cả nước. Từ đó, giúp độc giả nói chung, đội ngũ cán bộ Hội các cấp nói riêng nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ áp dụng vào thực hiện nhiệm vụ.
Trong những năm qua, Tạp chí NTM đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, từng bước phù hợp với nhu cầu thông tin, lý luận về công tác Hội và phong trào nông dân, trở thành người bạn tin cậy, người đồng hành của cán bộ Hội và hội viên nông dân trong quá trình xây dựng Hội, xây dựng nông thôn mới.
Về mặt nội dung, hình thức, Tạp chí đã bám sát tôn chỉ, mục đích, phù hợp với yêu cầu, định hướng tuyên truyền và nhiệm vụ chính trị của tổ chức Hội. Nội dung các bài viết bên cạnh việc tuyên truyền nhanh chóng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là các bài phản ánh, nghiên cứu lý luận chuyên sâu, tổng kết thực tiễn, thông tin tư vấn, kết nối nông dân, giới thiệu sản phẩm… Các bài viết đăng trên các ấn phẩm đã bám sát thực tế, phản ánh chân thực, toàn diện mọi mặt đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, các vấn đề cơ bản cũng như các vấn đề “nóng” ở nông thôn; nhiều bài viết phản ánh kịp thời về những mô hình hay, cách làm mới, những nhân tố tiêu biểu trên các lĩnh vực. Với các chuyên mục cụ thể, trở thành tài liệu, kinh nghiệm quý cho đội ngũ cán bộ Hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và công tác; nhiều bài viết có tính phản biện cao, chỉ ra nguyên nhân, đưa giải pháp khắc phục những bất cập khi đưa chủ trương, chính sách vào thực tế cũng như những khó khăn người nông dân gặp phải trong quá trình sản xuất, tiêu thụ…
Hình thức Tạp chí in (giấy) và Tạp chí điện tử hài hòa, phù hợp: Tạp chí giấy in 4 màu, trình bày đẹp, hấp dẫn; Tạp chí điện tử giao diện đẹp, dễ truy cập, các mục thường xuyên được bổ sung, cải tiến, phù hợp với nhu cầu nhiệm vụ công tác Hội và thời điểm tuyên truyền nhằm tạo sức hấp dẫn độc giả, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.
Để có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng tốt phục vụ độc giả, theo tôi trong thời gian tới, Tạp chí cần tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung trong tuyến bài nghiên cứu, lý luận, đúc kết kinh nghiệm; các vấn đề thực tiễn cũng như các vấn đề “nóng” ở nông thôn, bám sát đối tượng phục vụ, bám sát hoạt động Hội. Những mặt trái của chính sách liên quan đến kìm hãm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tăng cường dung lượng các bài viết, chuyên đề truyền thông và nghiên cứu, lý luận về giai cấp Nông dân, Hội Nông dân Việt Nam, khoa học nông vận, tam nông; bài về phổ biến khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ sản xuất kinh doanh nông nghiệp và những chủ đề liên quan đến đời sống hội viên nông dân. Bên cạnh những chuyên mục về hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, cần bổ sung các bài viết về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, cách nhìn cuộc sống, để làm phong phú nội dung Tạp chí.