Triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia đối với vùng dân tộc thiểu số ngay trong tháng 4/2022
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu, trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành Nghị định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong tuần đầu tháng 4/2022 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Quyết sách mang tính lịch sử
Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Thường trực đưa ra tại Hội thảo triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra sáng 5/4 tại tỉnh Sóc Trăng.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều đánh giá vùng dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí quan trọng, mang tầm chiến lược về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, địa bàn sản xuất khó khăn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, luôn phải gánh chịu ảnh hưởng của biến đối khí hậu, lại xa thị trường trung tâm, kết cấu hạ tầng còn thiếu thốn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có khoảng cách phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với mặt bằng chung; lực lượng lao động hầu hết là lao động phổ thông…
Trong bối cảnh đó, các đại biểu đều đánh giá Chương trình MTQG có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vốn chiếm 14,7% dân số cả nước, trên 7% dân số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với đồng bào sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, một quyết sách mang tính lịch sử, cách mạng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chương trình được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trong giai đoạn vừa qua, bố trí nguồn lực đủ mạnh, tập trung đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở phát huy thế mạnh và nội lực của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Với số vốn 137.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn khó khăn nhất, của những dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, đáp ứng mong mỏi của nhân dân cũng như đồng bào các dân tộc thiểu sổ.
Đồng thời Chương trình kỳ vọng sẽ phát huy sự chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm khơi dậy và đánh thức sức mạnh nội lực để đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được nâng cao.
Hội thảo cũng đã nghe đại diện các bộ, ngành Trung ương cập nhật việc ban hành văn bản hướng dẫn và đôn đốc việc lập kế hoạch, chuẩn bị tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình; quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình; hướng dẫn triển khai tực hiện một số dự án, tiểu dự án; hướng dẫn quy trình đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình.
Các tham luận tại Hội thảo tập trung nêu rõ những khó khăn, thách thức trong việc tổ chức triển khai các nội dung của Chương trình, trong đó nổi bật là Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trình độ lao động thấp hơn so với bình quân lao động của cả nước, tỉ lệ lao động làm việc tại doanh nghiệp qua đào tạo chiếm 56,1% so với mức bình quân của cả nước là 70,3%...
Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sống ở vùng cao, vùng có đồi núi hoặc những vùng có độ phì nhiêu của đất thấp, tập quán canh tác còn mang tính truyền thống, chậm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tỉ lệ hộ nghèo trên tổng số hộ nghèo của các địa phương còn cao…
Các địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải chú trọng đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững như một trong những sinh kế quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững.
Hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để triển khai ngay Chương trình trong tháng 4
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG, đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc cũng như những khó khăn, thách thức trong việc phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả Hội thảo hôm nay tiếp tục khẳng định sự phối hợp rất chặt chẽ, sự thống nhất cao trong hành động giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành trung ương và đặc biệt là vai trò quan trọng của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở cơ sở.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị Ủy ban Dân tộc tổng hợp, nghiên cứu tất cả ý kiến, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để có định hướng, chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tổ chức triển khai, bố trí nguồn lực nhằm triển khai Chương trình hiệu quả.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Ủy ban Dân tộc, Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện Chương trình ngay trong tháng 4 năm 2022.
Kết quả Hội thảo hôm nay tiếp tục khẳng định sự phối hợp rất chặt chẽ, sự thống nhất cao trong hành động giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành trung ương và đặc biệt là vai trò quan trọng của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở cơ sở - Ảnh: VGP/Hải Minh
Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành Nghị định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong tuần đầu tháng 4/2022.
Các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, bám sát và đồng hành cùng các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các Chương trình, bảo đảm có những kết quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào.
Dự kiến năm 2022 sẽ giao kế hoạch vốn cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 14.400 tỷ đồng (gồm 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp) và từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 8 tháng. Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao, đặc biệt lưu tâm tới các giải pháp lồng ghép về nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, đề án khác để thực hiện nội dung có cùng mục tiêu trên cùng một địa bàn bảo đảm tránh chồng chéo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giao Bộ KH&ĐT cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Dân tộc tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan chủ dự án thành phần, các địa phương để kịp thời hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.
Các địa phương phải nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa và tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt vừa chủ động phòng, chống dịch COVID19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, bám sát thực tiễn, các cấp ủy chính quyền địa phương phát huy chủ động, sáng tạo, chỉ đạo tổ chức triển khai lồng ghép các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các chương trình mục tiêu quốc gia khác và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022 - 2023.
Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý Chương trình được phân cấp, phân quyền đến tất cả 53 tỉnh, thành có đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy các địa phương phải nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện cùng lúc cả ba Chương trình MTQG.
Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chúc đồng bào, đồng chí, các vị chư tăng, đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 an yên, hạnh phúc.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh mong muốn đồng bào, đồng chí, các vị chư tăng là người dân tộc Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, bản sắc văn hóa tốt đẹp và truyền thống yêu nước; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Theo Báo Chính Phủ
- Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni
- Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
- Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Cân nhắc thuế ưu đãi đối với một số lĩnh vực
- Đề xuất áp dụng mức thuế 10% cho các cơ quan báo chí xét theo vai trò đặc biệt