Về thăm xứ cù lao ông Hổ - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Truyền thuyết về “ông Cọp”, không chỉ lý giải về địa danh cù lao Ông Hổ mà còn thể hiện cốt cách của người dân bản xứ với tính cách hòa đồng, chân thành, tình nghĩa đã cảm hóa được loài mãnh thú. Chính những giá trị đó, mà từ một xã cù lao khó khăn về mọi mặt, với “4 không”: không điện, không nước sạch, không trường học, không cơ sở y tế…nhiều thế hệ người dân nơi đây đã và đang đồng lòng xây dựng xứ cù lao, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng này ngày càng phát triển.
Mặc dù có tên đơn vị hành chính là xã Mỹ Hòa Hưng, nhưng cái tên “Cù lao Ông Hổ” vẫn được người dân trên khắp cả nước biết đến nhiều hơn. Cù lao này, cũng chính là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Chia sẻ về cái tên “Cù lao ông Hổ”, ông Nguyễn Văn Tri, một trong những người cố cựu ở xứ cù lao này cho biết, nghe ông bà kể lại, xưa kia cù lao này là vùng rừng thiêng, thú dữ. Sau đó, người dân từ miền Bắc, miền Trung di cư vào đây khai hoang; phá rừng làm nương rẫy sinh sống, định cư tại đây. Có một cặp vợ chồng già bơi xuồng đi làm rẫy, thấy một chú cọp con đang bám vào đám lục bình trôi trên sông; vợ chồng già tưởng là mèo, vớt lên rồi đem về nuôi.
Sau khi vợ chồng già mất; người dân đến khai hoang, định cư ngày một đông, cọp không còn người thân, không còn rừng để sống nên đã sang sông rút vào rừng sâu. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, cọp vẫn nhớ ơn ân nhân đã cứu mình nên mỗi năm đến ngày giỗ ông bà cọp lại cõng nai, heo rừng về tế trên mộ rồi sau đó bỏ đi. Thời gian sau, cọp về chết tại mộ cha mẹ nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tri nói: “Từ đó, người dân cho rằng, cọp này là cọp tình, cọp nghĩa, cọp biết ân nhân của mình; từ đó người dân đã tôn sùng, đặt tên cù lao này là cù lao ông Hổ. Người dân đã lập lên cái miếu để thờ ông Hổ. Đây là một truyền thuyết, một sự tích mang tính giáo dục. Một loài vật mà còn biết được cái ơn nghĩa đối với người cứu mạng nó; nhằm giáo dục cho thế hệ con người thấy đó mà noi theo”.
Câu chuyện “cọp tình, cọp nghĩa” như chảy suốt trong quá trình xây dựng và phát triển trên xứ cù lao. Câu chuyện hư hư, thực thực nhưng có giá trị nhân vân, dạy dỗ nghĩa tình cho biết bao thế hệ. Đồng thời, tạo lên cốt cách của người dân xứ cù lao này, với lòng yêu thương, độ lượng, sống có nghĩa tình, không toan tính cho riêng mình, sống vì cộng đồng…Chính những giá trị nhân van đó , mà từ một xã cù lao nghèo, khó khăn về mọi mặt, với “4 không”: không điện, không nước sạch, không trường học, không cơ sở y tế…Nhiều thế hệ người dân nơi đây đã và đang đồng lòng xây dựng xứ cù lao, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng này ngày càng phát triển.
Đặc biệt, trước đây nhiều người dân xứ Cù lao ông Hổ đã từng “ly hương, ly nông” rời bỏ ruộng vườn ra thành thị để mưu sinh, lập nghiệp. Tuy nhiên, với lòng yêu quê hương, những năm gần đây, nhiều người dân đã lựa chọn trở về quê nhà để khởi nghiệp, xây dựng quê hương. Trong đó có nhiều bạn trẻ về quê khởi nghiệp với nghề nông; trăn trở với nguồn tài nguyên bản địa, khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Từ đó, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều HTX được thành lập theo hướng liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch…đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo ở xứ cù lao này.
Anh Huỳnh Ngọc Diện, một người con xứ cù lao này, khởi nghiệp thành công với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính chia sẻ: “Mỹ Hòa Hưng này nổi bật là sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và du lịch sinh thái rất phát triển. Sản xuất theo hướng công nghệ cao, mình làm theo tính công nghiệp thì hiệu quả cao, lợi nhuận cũng cao; giá cả luôn ổn định chứ không bị thấp quá. Như đợt vừa qua bị ảnh hưởng Covid-19, đầu ra vẫn ổn mà không bị kẹt lại”.
Những năm qua, phát huy lợi thế về đất đai trù phú, thiên nhiên ưu đãi với những dải đất bãi bồi…người dân xứ cù lao ông Hổ đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó chủ lực là cây ăn trái, rau màu, nuôi trồng thủy sản,...để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp công nghệ cao của xứ cù lao này, hiện đang là một điểm sáng của tỉnh An Giang.
Theo ông Nguyễn Sĩ Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, địa phương có hơn 5.400 hộ dân với hơn 22.300 nhân khẩu. Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề truyền thống với quy mô nhỏ như làm nhang, đan lát... Những năm qua, xã cù lao này đang chuyển mình mạnh mẽ, tất cả các tuyến giao thông toàn xã đã được láng nhựa, những tuyến đường ra các cánh đồng cũng được bà con hùn nhau làm cầu, đường bê tông vững chắc.
Đến nay, Mỹ Hòa Hưng không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/người/năm, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy dần chuyển sang sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác, áp dụng công nghệ cao, nên đời sống, thu nhập không ngừng được nâng lên.
Năm 2015, xã Mỹ Hòa Hưng đã đạt chuẩn Nông thôn mới, rồi đạt nông thôn mới nâng cao năm 2020 và đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. Năm 2021 vừa qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân, tuy nhiên với sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang và thành phố Long Xuyên, cùng sự đồng thuận của bà con nhân dân, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của xã đạt 7/7 chỉ tiêu đề ra. Ông Nguyễn Sĩ Trung cho biết thêm, địa phương tập trung giữ vững và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao, triển khai kế hoạch lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2024.
Ông Nguyễn Sĩ Trung cho biết: “Đặc biệt xã Mỹ Hòa Hưng là 4 bề sông nước. Khai thác triệt để lợi thế của địa phương là nông nghiệp đó là: nuôi trồng thủy sản, rau màu và cây ăn trái…đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Địa phương đang thực hiện đề án chuyển dịch, 502 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái; thành lập 3 hợp tác xã để kết nối, liên kết chuỗi giá trị, để tạo điều kiện cho bà con nông dân, xã viên tham gia HTX có cái sản xuất, tiêu thụ đảm bảo an toàn và có lợi nhuận cao. Phát triển mạnh về lợi thế du lịch sinh thái, ở đây gắn kết du lịch Homestay và các nhà vườn”.
Cù lao ông Hổ - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, giờ đây đã thực sự “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã và đang khởi sắc từng ngày. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 này, người dân xứ cù lao ông Hổ cũng tất bật với việc trang hoàng nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm để đón một cái Tết vui tươi, an lành; với mong muốn có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt./.
Theo VOV