Đắk Lắk: Cần xây dựng và quản lý hiệu quả hệ thống mã vùng trồng nông sản đặc thù
Hệ quả là vào mỗi mùa vụ, các địa phương phải tổ chức việc giám sát các mã vùng xuất khẩu nông sản chiến lược. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm tra các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh này trong quý 3 và 4/2024.
Tăng cường theo dõi mã vùng xuất khẩu
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin, việc kiểm tra sẽ có tính đột xuất với vùng trồng, cơ sở đóng gói của các tổ chức, cá nhân là chủ mã số các vùng trồng sầu riêng. Nội dung kiểm tra chủ yếu là nắm bắt thực tế sản lượng sầu riêng niên vụ 2024, cùng các yêu cầu giám sát về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng các chất khác có liên quan đến quả sầu riêng tươi...
Đặc biệt, các đoàn sẽ kiểm tra, truy xuất nguồn gốc với mã số vùng trồng được các cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thực chứng việc ủy quyền mã số cho các cơ sở đóng gói xuất khẩu đi Trung Quốc. Theo ông Hoài Dương, việc này là cần thiết, nhằm chấn chỉnh tổ chức canh tác chuyên canh để xuất khẩu chính ngạch trong nông nghiệp địa phương lâu nay.
Theo thông tin địa phương, đến nay Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 68 mã vùng trồng sầu riêng, với tổng diện tích hơn 2.500ha; và cấp mã đóng gói cho 23 cơ sở đóng gói quả sầu riêng tươi tại tỉnh Đắk Lắk. Số lượng các mã vùng trồng này được đánh giá là nhiều nhất trong các tỉnh thành cả nước có sầu riêng. Tuy nhiên, với diện tích vùng trồng đứng thứ hai cả nước, Đắk Lắk đang cần bổ sung thêm nhiều khu vực mã vùng trồng chuyên canh chất lượng, tăng sản lượng sầu riêng tươi xuất khẩu hơn nữa. Do đó, địa phương cần thiết thực theo dõi việc quản lý, thực hiện tuân thủ các tiêu chuẩn mã vùng trồng đã được cấp này, đảm bảo sản lượng và chất lượng xuất khẩu sầu riêng sang nước bạn.
Điều đáng tiếc là trong thời gian qua, tại các vùng trồng trọng điểm ở Đắk Lắk, đã phát sinh một số vụ việc không tuân thủ mã vùng trồng, sản lượng quả sầu riêng đóng gói xuất khẩu không chính xác với mã đóng gói… Công an huyện Krông Pắk đã phải thụ lý tin báo xuất hiện giấy ủy quyền xuất khẩu sầu riêng nghi là giả mạo, làm ảnh hưởng đến việc canh tác và tiêu thụ của hàng trăm hộ nông dân ở xã Ea Yông (huyện Krông Pắk)… Những vụ việc này, đã làm các đối tác nhập khẩu nghi ngại chất lượng sầu riêng Đắk Lắk, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược xuất khẩu nông sản bền vững ở địa phương.
Cần một chiến lược hoàn chỉnh
Theo ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, đây không phải lần đầu tiên, vấn đề định vị chất lượng và sản lượng nông sản đặc thù được đặt ra, và sầu riêng cũng không phải mặt hàng nông sản duy nhất vướng các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu để tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra như vậy.
Trong nhiều năm qua, đòi hỏi về tăng cường giá trị, sản lượng nông sản Tây Nguyên luôn được đề cập, đi đôi với những yêu cầu cần có những hệ thống, tiêu chuẩn, thang điểm… quản lý Nhà nước về hàng hóa nông sản, cụ thể là các mã vùng trồng chuyên canh nằm trong quy hoạch. Các tỉnh thành, luôn xây dựng những kế hoạch phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với nông sản bản địa, với những diện tích canh tác lớn, đồng bộ; song cho đến nay, một hệ thống tiêu chuẩn về mã vùng nông nghiệp cho các địa phương vẫn chưa được thống nhất và chưa được đều đặn triển khai. Rất nhiều giống cây trồng bản địa, bởi sự hạn chế này, chỉ có thể tiêu thụ nội địa, không đủ điều kiện đưa ra đàm phán xuất khẩu đi các nước có nhu cầu thu mua. Điều này làm hạn chế rất lớn cơ hội xuất khẩu chính ngạch các loại nông sản giá trị và hấp dẫn của Việt Nam.
Thực tế những năm gần đây, với sự nỗ lực của các ngành Ngoại giao kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trái cây tươi xuất khẩu Việt Nam đã được đánh giá, cấp phép xuất khẩu chính thức đến nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ. Đã có những đơn hàng xuất khẩu lớn nông sản được ký kết giữa các tỉnh thành với các quốc gia, vùng thị trường quốc tế. Song điều kiện có được, luôn là các quốc gia, vùng lãnh thổ đó áp dụng các mã vùng hàng hóa, tiêu chuẩn xuất nhập khẩu với hàng hóa nông sản Việt Nam, và các vùng canh tác trong nước tuân thủ sản xuất theo các tiêu chuẩn đó. Nỗi lo là, một khi các nước, vùng quốc gia có thay đổi về tiêu chuẩn xuất khẩu, phải thay đổi lại mã vùng… sẽ làm ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức sản xuất, xuất khẩu, liên đới quyền lợi và cơ hội của hàng ngàn hộ nông dân ở các địa phương liên quan.
Rõ ràng để bảo vệ tốt cho chiến lược sản xuất xuất khẩu, đảm bảo định hướng bền vững cho quy hoạch các vùng trồng, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung cần xây dựng được những hệ thống tiêu chuẩn, mã vùng nội bộ cho các địa phương và sự thống nhất trên toàn quốc. Như thế, định hướng chỉ đạo chiến lược, tổ chức các quy trình sản xuất, canh tác chuyên canh cho người nông dân ở các vùng nông sản đặc thù, nông nghiệp lớn… sẽ đảm bảo hơn, công tác quản lý giám sát sẽ chủ động và chặt chẽ hơn. Khi có sự vụ nào đó, ngành nông nghiệp sẽ kiểm soát được ngay tình hình mà không phải chờ đợi từng địa phương khoanh vùng kiểm tra lại. Hơn nữa, với mã vùng trồng có tính quốc gia, chúng ta có thể đàm phán, trao đổi công bằng hơn với các vùng, quốc gia nhập khẩu nông sản, bảo vệ được tốt hơn quyền lợi, cơ hội chính đáng cho nông dân.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới