Giá dầu tăng cao, ngư dân gặp khó
Hiện nay, Nghệ An có khoảng 20.000 lao động nghề biển và hơn 3.400 tàu thuyền. Đây được xem là một trong những ngành kinh tế trọng điểm, có đóng góp không nhỏ cho ngành Nông nghiệp của tỉnh. Thế nhưng, thời gian gần đây tâm lý chung của nhiều chủ tàu lo lắng khi ra khơi đánh bắt thu không đủ bù chi cộng với việc sản phẩm đánh bắt về giá bán vẫn như thường lệ nên ái ngại tiếp tục vươn khơi.
Có thể nói, với người dân vùng biển ra khơi với giá dầu như hiện nay chỉ mong cứ mỗi chuyến đi về không bị lỗ dầu là một may mắn với họ. Thế nhưng, cứ một vài chuyến đi đánh bắt về vắt kiệt sức lao động mà không dư giả gì cũng sẽ tạo nên tâm lí chán nản, không mặn mà với nghề.
Theo người dân vùng biển xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho biết: Thời gian gần đây, cuộc sống của người dân vùng biển gặp nhiều vất vả, nhìn thấy mỗi tàu về cá đầy khoang sẽ nghĩ là hoàng kim nghề biển nhưng có đi sâu vào thực chất mới thấm hết những cái khó, cái khổ. Đây cũng là tình hình chung của ngư dân trên toàn tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, mỗi chuyến tàu nghề ra khơi được cá không được giá; Thiếu lao động do không mặn mà với nghề biển mà bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động, thứ nữa là do dịch bệnh Covid nên những người bị f0, f1 phải cách ly dẫn đến thiếu hụt nhân công; Việc sắm sửa chuẩn bị cho một ban (mỗi chuyến ra khơi) tốn cả hàng trăm triệu đồng. Chưa kể đến tiền vay mượn đóng tàu đến tháng lo lắng chi phí để trả lãi… đó là những gì người dân vùng biển ở đây đang phải quay cuồng trong thời điểm này.
Nhìn về con tàu được đóng mới theo Nghị định 17 của Chính phủ, anh Nguyễn Văn Hòa – Chủ tàu NA 98829 TS cho biết: “Kể từ hôm ra Tết đến giờ, tàu chưa ra khơi được chuyến nào, còn mắc cạn mãi trên bờ do giá dầu tăng cao quá. Hơn nữa, vốn đã thiếu người đi nghề lại còn dịch bệnh nhiễm hết người này đến người kia nên không sao có đủ người để đi. Trước khi giá dầu chưa tăng lên 25.000 đồng/lít thì mỗi chuyến tàu do anh cầm lái chi phí tầm 250 triệu đồng nhưng với giá dầu như bây giờ thì cũng phải lên tới 350 triệu đồng cho một chuyến ra khơi từ 12 đến 15 ngày. Bây giờ chi phí mỗi ban quá cao nên không ai muốn đi cả, tâm lý đi sợ lỗ nên không ai mặn mà nữa. Vì thế, ở đây cũng đã có một số người bán tàu để đổi nghề như đi xuất khẩu lao động hoặc kiếm việc làm ”.
Giá nhiên liệu tăng vụt trong khoảng thời gian gần đây đã khiến cho cuộc sống của ngư dân vùng biển như Diễn Châu, Cửa Lò, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, còn kéo theo đó giá cả các mặt hàng và chi phí cho mỗi chuyến tàu cũng vì thế mà leo thang.
Cùng chung tâm lý ra khơi mang theo lo lắng lỗ dầu, anh Nguyễn Văn Hải (SN1982) ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò cho biết: “Cuộc sống của cả nhà trông chờ vào những chuyến đi biển nhưng nay không dám cầm lái vì chuyến trước đi đã phải bù lỗ rồi. Hơn nữa, cá đánh bắt về bán cũng khỗng dễ dàng gì”.
Bám biển khó khăn, kéo theo đó những hoạt động kinh doanh trên bờ cũng vì thế vất vả cứ “ăn theo”, đặc biệt là việc bán dầu, đá cho tàu thuyền ra khơi. Nhiều thuyền đi về may mắn thì đủ chi phí, không may thì lỗ dầu, chuyến đi đó coi như công cốc lại ôm thêm nợ. Vất vả ngày đêm trên biển vắt kiệt sức lao động,"ngấm" sự cực khổ, bấp bênh và nguy hiểm nhưng thành quả lao động không xứng.
“Ngày trước, biển được cá, giá dầu chưa tăng như bây giờ việc kinh doanh trên bờ thoải mái lắm. Cứ đổ đầy dầu, xay đá đủ là tiền trao dù chưa hết nhưng cũng đã trả một phần rồi khi đánh bắt về bán hết cá là giải quyết hết phần nợ nhưng nay nghề biển tứ bề khó khăn. Dầu, đá bán ra cũng không thu được nợ vì có một số ra khơi về không đủ chi”, ông Nguyễn Văn Huấn - chủ xưởng đá ở Quỳnh Lập (Hoàng Mai) cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết. “Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu là do giá nhiên liệu tăng cao thì hiện nay, việc đánh bắt hải sản của ngư dân không mấy thuận lợi, vừa bị bó hẹp ngư trường khai thác, vừa lượng hải sản giảm sút. Cùng với đó là chất lượng hải sản có phần giảm sút do chưa được trang bị cơ sở vật chất cho công đoạn bảo quản… cũng là nguyên nhân khiến ngư dân giảm bớt nhiệt huyết bám biển như hiện nay. Để kích cầu và giữ vững tâm lý ổn định cho ngư dân Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ về công nghệ khai thác, kinh phí xăng dầu để khai thác ở những vùng biển xa nhằm khuyến khích ngư dân vừa mở rộng ngư trường ra các vùng Hoàng Sa, Trường Sa vừa động viên ngư dân bám biển để khẳng định chủ quyền biển đảo. Tỉnh Nghệ An cũng đã có chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2021 - 2025: Đối với sản lượng khai thác giữ ổn định, chỉ tăng những loài khai thác kinh tế. Về số lượng tàu thuyền có hạn chế đối với những tàu thuyền đánh bắt gần bờ; Còn đối với những tàu đánh bắt xa bờ thì khuyến khích nâng cấp để tăng về công suất”.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi