Làm gì để giữ được thương hiệu cam Cao Phong?
Sự phát triển cây cam tại nhiều địa phương cũng là điều đáng mừng, nhưng quan trọng hơn, ý thức gìn giữ thương hiệu cam Cao Phong được từng hộ trồng cam thực hiện như thế nào?
Cách đây hơn 2 năm, anh Phan Văn Bình mua lại hơn 4 ha vườn trồng cam tại xóm Dài, xã Bắc phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Vào thời điểm đó chất đất và cây cam đang dần thoái hóa. Với quyết tâm cải tạo đất, trồng cam theo mô hình nông nghiệp sạch, anh đã đầu tư bể ngâm đỗ tương để chăm bón cho cây, hệ thống nước tưới phun tự động.
Sau một thời gian cây cam được tưới nước sạch và được chăm bón bằng hạt đậu tương ủ lên men, đặc biệt là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đến nay cây cam đã phát triển tốt đạt chất lượng cao. Anh Phan Văn Bình cho biết, đầu vụ cam năm nay có doanh nghiệp đã đặt mua hết cả vườn với giá cao gấp đôi giá thị trường.
“Trên Cao Phong cũng ít người làm theo mô hình này vì kinh phí lớn. Do đỗ tương đắt, mọi người thường dùng Kali để bón nhanh lớn nhưng hại cây. Vườn mình bón bằng đỗ tương và phân bò đã xử lý” - anh Bình nói.
Từ nhiều năm nay, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm cam Cao Phong. Tạo được giống cam ngon, xây dựng được thương hiệu đã khó, nhưng giữ được thương hiệu lại càng khó khăn hơn. Để duy trì phát triển, giữ được thương hiệu này cũng đang là thách thức của các cấp, các ngành.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình, cho biết: Địa phương thường xuyên tổ chức chương trình tập huấn kỹ thuật cho các hộ trồng cây có múi về mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Qua đó, những sản phẩm đạt chất lượng đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ vào hệ thống siêu thị như Vinmart, BigC, Lotte… và các cửa hàng thực phẩm sạch.
“Đánh giá thời gian qua, chất lượng nông sản ở Hòa Bình vẫn đảm bảo, vẫn chưa phát hiện dư lượng hóa chất độc hại thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm. Chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra để làm sao đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như phòng chống Covid-19” - ông Bình nói.
Sản phẩm nông nghiệp sạch gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang là mục tiêu tỉnh Hòa Bình hướng đến. Sau 3 năm thực hiện, đến nay tỉnh Hòa Bình có 73 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 18 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 52 sản phẩm đạt 3 sao. Chương trình OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm….
Ông Hoàng Văn Tuân, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu chính sách của Trung ương và tham mưu cho UBND tỉnh Hòa Bình xây dựng các chính sách hỗ trợ như vay vốn, điểm bán hàng… hướng tới tỉnh sẽ xây dựng từ 2-3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao”.
Trước đây, vì ham lợi nhuận cũng như ý thức còn kém, nên một số hộ trồng cam ở Hòa Bình đã mua thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc để sử dụng. Giờ đây, người dân đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu đạt tiêu chuẩn OCOP. Qua đó, tỉnh Hòa Bình đã phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương./.
Theo VOV