Học hỏi làm giàu

Làm giàu từ cây mía ở vùng hạn H’bông

07:36 15/02/2022 GMT+7
Ở nơi có khí hậu khô hạn, cây trồng kém phát triển, người dân xã H’bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã phát triển được vùng nguyên liệu mía, tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.

Là một trong những người đi đầu trong việc trồng mía ở xã H’bông, anh Đinh Văn Tạ (sinh năm 1986) trú tại thôn Kte, xã H’bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nay đã có hơn 40 ha mía. Anh cho biết, năm 2007, gia đình chuyển từ huyện Phú Thiện về H’bông lập nghiệp bằng cây cao su và hồ tiêu. Thế nhưng, các cây trồng này bị chết vì không hợp với khí hậu thổ nhưỡng. Không nản chí, anh tiếp tục vay vốn đầu tư sang trồng mía. Trải qua nhiều thời điểm thăng trầm, khoảng 5 năm nay, anh Đinh Văn Tạ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.   

“Hiện nay gia đình trồng 40 ha mía, trước mắt mới thu được trên 12 ha, trừ chi phí thu nhập bình quân mỗi ha được khoảng 40 - 45 triệu đồng. Gia đình trồng mía cũng được hơn 10 năm, từ đó tới giờ kinh tế cũng tương đối ổn định, giá mía thấp nhất vẫn có lãi cho bà con canh tác, gắn bó với cây mía lâu dài hơn. Tôi xây được căn nhà giá 900 triệu đồng cũng nhờ thu nhập từ mía”, anh Đinh Văn Tạ cho biết.

Cũng bén duyên với cây mía từ sớm, ông Nay Vang, dân tộc Ja Rai, trú tại làng Ia Sa, xã H’bông đã có đời sống kinh tế ổn định. “Trước mình trồng bắp, mì nhưng khi trồng bắp, mì không được nữa đã chuyển sang trồng mía. Trồng mía cho hiệu quả kinh tế rất tốt, cứ trồng 1ha lời 50 triệu sau khi trừ chi phí. Năm vừa rồi gia đình thu 5ha mía được 250 triệu và giờ đang trồng thêm 3 ha nữa. Có thể nói cây mía là cây xóa đói giảm nghèo ở B’bông. Người Jarai ở đây trước nghèo lắm, nhưng bây giờ mọi người trồng mía và đang vươn lên làm giàu”, ông Nay Vang chia sẻ.

Người dân xã H'bông đang thu hoạch mía.

Ông Trần Thanh Hải, Trưởng trạm nông vụ số 1 – Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai cho biết, trong nhiều năm qua, đơn vị đã luôn đồng hành cùng người dân xã H’bông trong phát triển cây mía. Để tạo vùng nguyên liệu ổn định, công ty có những chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như bao tiêu đầu ra sản phẩm đảm bảo thu nhập cho người trồng mía.

“Giá tối thiểu là 850.000 đồng/tấn mía là giá thấp nhất công ty cam kết mua cho bà con. Khi giá đường lên công ty cũng tăng giá thu mua lên, hiện tại là công ty mua của bà con là 1,035 triệu đồng/tấn. Đối với kỹ thuật trồng mía, ban đầu bà con cũng chưa biết, nhưng sau khi bà con nắm bắt được quy trình kĩ thuật do công ty hướng dẫn, cộng với kinh nghiệm của bà con làm đã tăng năng suất, đỉnh như năm nay vào khoảng 92 tấn/ha”, ông Hải cho hay.

Đến nay, xã H’bông đã có khoảng 900ha mía. Ông Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã H’bông cho biết, cây mía đã góp phần giúp bà con các dân tộc địa phương xóa đói giảm nghèo, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7%.

“Cây mía là cây xóa đói giảm nghèo của xã, hiện tại thu nhập của bà con trồng mía trung bình toàn xã đạt từ 35 - 40 triệu đồng/ha. Đặc biệt người dân tộc thiểu số ở địa phương như người Jarai có thu nhập cao, cải thiện đời sống giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Bà con trong xã xây dựng được nhà cửa, mua xe, phương tiện, rào vườn, tách chuồng trại ra khỏi khu dân cư ở. Một số điểm sáng ấy đã đưa xã H’bông vào cuối năm 2021 hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Để tiếp tục phát triển cây mía ổn định, Đảng ủy xã và ủy ban đã xây dựng Nghị quyết, kế hoạch để giúp bà con canh tác đúng kỹ thuật, tạo động lực cho bà con phát triển mía thêm. Dự kiến đến cuối năm 2022 lượng mía ở xã H’bông đạt khoảng 1.000ha”, ông Cường khẳng định./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác