Làng nghề

Làng nghề đúc đồng Tống Xá

08:26 20/10/2017 GMT+7

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 20km, làng Tống Xá (xã Yên Xá, Vạn Điểm, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) được coi là một trong những cái nôi lớn của nghề đúc đồng truyền thống với lịch sử phát triển gần 900 năm. Các nghệ nhân đúc Tống Xá tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo có mặt khắp cả nước.

Tống Xá là vùng đất cổ với hơn 1.200 năm lịch sử mở đất, lập thôn được hình thành vào thế kỷ VIII do hai ông Tống Phúc Thành và Dương Vạn Hợp đem theo gia thất về đây khai hoang, vỡ đất, trồng cấy lập trang ấp có tên là Kiến Hoà, sau này đổi tên là làng Tống Xá. Sau 327 năm ra đời trang Kiến Hòa, đến năm 1118, vào ngày 12-2 nhà sư Nguyễn Chí Thành tu ở chùa Điềm Xá, Gia Viễn, Ninh Bình đã đến thăm cảnh chùa ở đường leo của Tống Xá và ở lại chùa này trong thời gian 7 tháng. Sau khi tìm thấy ở cánh đồng phía Đông làng có chứa loại đất sét có thể làm được khuôn đúc, Ông đã dạy dân làng Tống Xá đào thành những hố sâu để lấy đất đem về làm khuôn và dạy nghề đúc kim loại. Từ đó cánh đồng đào hố làm đất sét này được gọi là cánh đồng Cầu Hố. Đồng thời với dạy nghề đúc, Ông đã cho tu sửa lại chùa đường leo và đặt tên chùa là “Cổ Liêu tự” (có nghĩa là ngôi chùa cổ đã có từ rất xa xưa không rõ năm tháng). Ngày 12-9 cùng năm, tự nhiên Ông bỏ ra đi. Để tưởng nhớ công lao của Ông, dân làng đã lập đền thờ Ông cạnh đền thờ Ông Tống và Ông Dương gọi là đền thờ Đức Thánh Tổ. Sau khi chùa ở đường leo có tên là Cổ Liêu thì khu vực dân cư phía Đông Nam làng Tống Xá (tách ra từ trang Kiến Hòa), đa số là dòng họ Dương của ông Dương Vạn Hợp ở gần chùa đã đặt tên chùa, đó là làng Cổ Liêu (tên Cổ Liêu do nhà sư Minh Không đặt năm 1118).

Kể từ năm 1118, sau khi thầy Minh Không ra đi, các học trò như: Ông Lâm, Ông Thường, Ông Tường, Ông Tâm, Ông Hòa, Ông An, Ông Phúc đã tiếp thu được tinh hoa của Người, rồi hướng dẫn cho con cháu đời này qua đời khác. Từ đó nghề đúc của làng Tống Xá ngày càng mở mang phát triển thịnh vượng, cuộc sống ngày càng ấm no sung túc. Chính vì thế, dân làng đã xây dựng đình thờ Ông rất trang nghiêm và tôn kính. Công đức của Ông đã được thể hiện bằng năm lần sắc phong cấp nhà nước.

(Ảnh: TL)

Hầu hết các gia đình sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng mở thêm một lò ú để có thêm việc làm và tăng thêm thu nhập. Đây là các lò tư nhân, tự quản lý toàn bộ về công nghệ và tiêu thụ. Mặc dù công việc đúc hoàn toàn là của các gia đình, nhưng ngay từ thời đó, đã có tính cộng đồng khá cao. Các cụ nghệ nhân cao tuổi thường được cử ra để điều hòa các công việc lớn từ khâu đầu vào, sản xuất và tiêu thụ như: ấn định ngày đúc hàng tháng cho các lò; thống nhất hàng ngày buổi sáng từ  giờ mới được nổi lửa, buổi chiều 7h phải tắt lửa; quy định giá cả và nơi mua, nơi bán cho các lò trong thời gian này đã hình thành nên các phường như: phương Cày, phường Đồng. Từng phường đã có sự phối hợp với nhau để hạn chế việc tranh mua tranh bán, giữ gìn lương tâm người thợ, không làm ẩu hoặc gian dối để ảnh hưởng đến thanh danh làng nghề và tình làng nghĩa xóm. Đồng thời phải chú ý đến giữ gìn bí quyết nghề nghiệp của ông cha để lại.

Thuở xưa, làng Tống Xá chỉ đúc những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương. Do trình độ công nghệ còn lạc hậu và thấp kém, nên các công đoạn của nghề đúc đều là thủ công, chủ yếu dựa vào sức lao động của người thợ. Dụng cụ, trang thiết bị và nhà xưởng còn rất thô sơ, đơn giản. Nghề đúc chính của làng Tống Xá trước năm 1945 là đúc gang. Đây là một loại thủ công hết sức vất vả, phải tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, khí độc…

(Ảnh: TL)

Mấy chục năm qua, nghề đúc ở Yên Xá đã phát triển vượt bậc, làm thay đổi cơ bản bộ mặt của một làng quê chiêm trũng nghèo nàn, lạc hậu. Với số lượng 62 công ty và doanh nghệp đúc (không kể các công ty ở tỉnh khác), có doanh thu hàng năm trên 150 tỉ đồng (năm 2007 lên tới 250 tỉ), đã làm thay da đổi thịt hàng chục gia đình nghề đúc. Quá trình trưởng thành và phát triển của nghề đúc đã xuất hiện nhiều tài năng, nhiều nghệ nhân có trình độ chuyên môn cao, có năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh giỏi, được đông đảo nhân dân làng nghề tự suy tôn và lưu truyền qua các thời kỳ. Bàn tay và khối óc của các nghệ nhân đang làm cho nghề đúc ở làng Tống Xá, Yên Xá ngày càng phát triển, công nghiệp địa phương Ý Yên ngày càng mở rộng.

Ngày nay, sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng với những bức tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ dân tộc. Đặc biệt, phải kể đến những công trình lớn tầm cỡ quốc gia, thể hiện tinh thần, ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại như Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cao 16,2m, nặng 220 tấn trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Kỷ niệm 990 năm Thăng Long- Hà Nội, người thợ đúc đồng Ý Yên lại được “chọn mặt gửi vàng” đúc tượng Vua Lý Thái Tổ, cao 10,1m, nặng 45 tấn. Ở công trình này, người thợ đúc đồng Ý Yên đã sử dụng công nghệ đúc tượng liền khối cao gần 7m mà chỉ có 1 khuôn, 1 lần đúc. Đúc tượng 14 vị Vua thời Trần đặt tại Quần thể Di tích lịch sử – văn hoá Thiên Trường, tượng Bác Hồ, tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối 35 tấn tại núi Non Nước (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), tượng Tam thế Phật tổ Như Lai chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng 50 tấn…

(Ảnh: TL)

Hàng năm, cứ đến ngày 10-12/2 Âm lịch tại làng Tống Xá lại tổ chức lễ hội làng nghề đúc truyền thống, tưởng niệm ngày ông tổ làng nghề đặt chân đến đây và truyền nghề cho nhân dân. Ngoài phần lễ tế, rước để tưởng niệm Đức Nguyễn Minh Không, lễ hội còn có những trò chơi dân gian như tổ tôm điếm, bắt vịt dưới ao, vật cù, cờ người… Tham dự lễ hội du khách còn có dịp tìm hiểu rõ hơn về mảnh đất và con người Tống Xá, về sự phát triển của một làng nghề truyền thống.

Nguyễn Chinh

Tin cùng chuyên mục
Tin khác