Nông nghiệp

Phát triển ngành Thủy sản Việt Nam thích ứng với tình hình mới

07:35 17/05/2022 GMT+7
Ngành Thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới.
TIN LIÊN QUAN

Chính vì vậy, việc định hướng chiến lược phát triển cho ngành theo từng giai đoạn trước những biến động của thị trường thế giới là điều thực sự cần thiết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thuỷ sản (thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản). Bộ này cho biết, sau 07 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các chính sách phát triển thủy sản đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%); tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển. 

Kết quả thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

Về chính sách đầu tư: giai đoạn 2015-2021, đã đầu tư hoàn thành đối với 16 dự án, theo đó nâng công suất các công trình ngành thủy sản (Đầu tư dự án khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, chương trình giống thủy sản) với 3.604,8 tỷ đồng: Công suất cảng cá tăng thêm khoảng 620 tàu/năm, lượng hàng qua cảng tăng thêm 55.000 tấn/năm; Công suất Khu neo đậu tránh trú bão tăng thêm khoảng 2.200 tàu; Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng thêm khoảng 4.140 ha; 

Về chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá: Cơ bản đạt được mục tiêu hiện đại hóa đội tàu cá, đủ sức làm chủ các ngư trường trên Biển Đông. Cụ thể, đội tàu cá đánh bắt xa bờ từ 22.000 chiếc (năm 2014) đã tăng lên trên 31.320 tàu (năm 2020), trong đó có 2.630 tàu có chiều dài trên 24m, với công suất lớn trang bị hiện đại về kỹ thuật công nghệ. Trong số hơn 9.000 tàu cá xa bờ tăng thêm có 1.031 tàu đóng mới được Ngân hàng thương mại đã cho ngư dân vay có hỗ trợ lãi suất và có 39 tàu đóng mới được nhà nước hỗ trợ theo cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư...

Nhiều tàu cá vỏ thép được ra đời theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP giúp hiện đại hóa hệ thống tàu cá đánh bắt xa bờ.  (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, phát triển thủy sản còn góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc phòng. Ngư dân hoạt động trên biển chính là những "công dân biển", khẳng định chủ quyền biển, đảo phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần ngăn chặn và hạn chế tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định nói riêng và phát triển thủy sản nói chung vẫn gặp nhiều vấn đề như: cơ sở hạ tầng thủy sản xuống cấp, quá tải, thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại; một số trường hợp chất lượng tàu cá vỏ thép chưa tốt, nhận thức của ngư dân về sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế, lạc hậu; số lượng và chất lượng thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao (nợ quá hạn là 537,8 tỷ chiếm 4,67% tổng vốn vay, nợ xấu 3.430 chiếm tỷ lệ 33% tổng vốn vay). 

Các vấn đề, bất cập trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá thiếu, không đồng bộ; Công tác phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn còn chưa chặt chẽ, vẫn để lọt nhiều chủ tàu không đủ điều kiện nhưng vẫn được vay đóng tàu; Công tác thẩm định, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh cần được nâng cao, nhất là việc đánh giá các yếu tố tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh...

Nhằm định hướng đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh chủ trương “Nuôi trồng và khai thác hải sản: Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.  Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045. 

Để thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược về phát triển thủy sản; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, rất cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển thủy sản, việc xây dựng và thực hiện “Nghị định về chính sách phát triển thuỷ sản” thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ là cần thiết. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng Nghị định sẽ bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng bộ trong hệ thống pháp luật có liên quan; Bảo đảm phù hợp với quan điểm, định hướng, quy định tại Luật Thủy sản và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực Nghị quyết số 36-NQ/TW và Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp với điều ước, cam kết quốc tế.

Đồng thời, việc xây dựng Nghị định được thực hiện trên cơ sở rà soát, đánh giá các chính sách hiện tại hỗ trợ cho phát triển thủy sản để tiếp tục quy định các chính sách đã phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện; quy định các chính sách mới nhằm tạo được cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá cho phát triển thủy sản bền vững; gắn phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản với bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển; đồng thời góp phần giải quyết những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thủy sản.

Nguồn: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục
Tin khác