Thức ăn chăn nuôi giảm dần phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu
Thách thức lớn đối với ngành Chăn nuôi hiện nay là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên người làm đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch tả lợn châu Phi cũng như chi phí đầu vào sản xuất. Đến nay, lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vì vậy chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, trong khi năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 65 - 70% giá thành chăn nuôi lợn. Trong hơn 2 năm qua, giá nguyên liệu trên thế giới tăng từ 20 - 40% tùy loại sản phẩm; một số loại nguyên liệu tăng đột biến như: ngô khô dầu, lúa mì, thực tế này đòi hỏi phải có sự chủ động về nguồn nguyên liệu để ổn định sản xuất.
“Chúng ta mới chủ động được 35%, chính vì thế phải tái cơ cấu trong hệ thống cây trồng để có cánh đồng đủ lớn áp dụng công nghệ cơ giới hóa và đưa giống ngô, đậu tương năng suất cao để phục vụ cho phát triển thức ăn chăn nuôi. Nếu không sẽ phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu sẽ rất khó để chủ động. Mục tiêu phải phấn đấu chủ động được khoảng 50%” - ông Tống Xuân Chinh nói.
Một số ý kiến chuyên gia đề xuất, cần rà soát quy mô đàn lợn, đánh giá chất lượng, năng suất đàn lợn nái để tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp theo Chiến lược phát triển chăn nuôi và quy hoạch kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng sinh thái. Bên cạnh đó, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các loại hóa chất, chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lợn, giảm áp lực từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sử dụng hiệu quả các nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH DeHeus cho biết: “Về phía doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp với các bộ, các ngành và các địa phương để xây dựng các nhà máy sơ chế nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, xây dựng các kho dự trữ ở các địa phương. Chúng tôi mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cung cấp địa chỉ những vùng nào sẽ là quy hoạch những giống cây trồng nào để xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn cùng với các cơ quan chức năng tại địa phương”.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi trong giá thành chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng lúc này. Giải pháp sắp tới là sử dụng nguyên liệu của các địa phương; chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với Công ty TNHH DeHeus và các tỉnh thành phố ở khu vực Tây Nguyên thành lập các hợp tác xã tập trung chủ yếu vào trồng sắn và ngô với sự tham gia của các doanh nghiệp trong áp dụng công nghệ để chủ động nguồn nguyên liệu, giảm áp lực từ nhập khẩu.
“Sau nhiều năm Viện chăn nuôi cùng với các đơn vị đã đánh giá giá trị dinh dưỡng của các nguyên liệu ở các địa phương và bằng phần mềm đã đưa ra được các công thức thức ăn và phân tích giá trị thức ăn hỗn hợp, đầy đủ các tiêu chí. Kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trên nhiều đối tượng trong chăn nuôi. Kết quả nghiên cứu này sẽ được nhân rộng ra với cách làm như thế thì giá thức ăn giảm từ 300 - 1.000 đồng/kg. Nếu với 1.000 đồng/kg trên giá phải mua vào là 10.000 đồng/kg ở giá bán ra, đã giảm 10% và như thế giá thành chăn nuôi giảm được từ 5 - 7%. Chúng ta yên tâm phát triển chăn nuôi chủ động và có hiệu quả” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói./.
Theo VOV
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi