Làng nghề

Trăn trở phát triển làng nghề

21:22 21/10/2017 GMT+7

Cà Mau là địa phương có nhiều lợi thế phát triển nghề, làng nghề vì trong quá trình khai hoang, mở đất xuôi về phương Nam, nghề luôn gắn bó với quá trình sinh cơ lập nghiệp của lưu dân. Từ chỗ phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình, dần dần nghề đã phát triển thành các làng nghề sản xuất hàng hoá phục vụ nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội.

Sản phẩm làng nghề chế biến cá khô thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Đến nay, tỉnh Cà Mau có 37 làng nghề đang hoạt động, chủ yếu ở nông thôn. Ngành nghề nông thôn giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển nông thôn Cà Mau, nó không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho nông dân mà còn tạo nên những dấu ấn, bản sắc văn hoá của từng địa phương thông qua các sản phẩm được lưu giữ, phát triển từ đời này qua đời khác.

Ngày nay, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế thế giới, sức ép dư thừa lao động ở nông thôn và sự chuyển dịch lao động ra thành phố lớn ngày càng nhiều, chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị là xu thế ngày một gia tăng. Vì vậy, phát triển ngành nghề nông thôn không chỉ quan trọng đối với khu vực nông thôn mà còn góp phần phát triển bền vững nền kinh tế – xã hội chung của tỉnh.

Từ lâu, tỉnh Cà Mau đã có những chính sách nhằm phát triển ngành nghề ở khu vực nông thôn, giảm dần tỷ trọng ngư – nông – lâm nghiệp và tăng dần tỷ trọng các ngành nghề khác. Trong đó, có Quyết định số 1206/QĐ-UBND, ngày 20/8/2008 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Nhìn một cách tổng thể, việc đưa chính sách áp dụng vào phát triển nghề, làng nghề đã đem lại những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế, nhất là vùng nông thôn, nhưng không phải những chính sách ấy đã được thực hiện phù hợp vào thực tiễn và đem lại hiệu quả tốt. Vì vậy, việc phát triển nghề, làng nghề tỉnh nhà vẫn còn nhiều bất cập.

Đó là, năng lực, kinh nghiệm quản lý sản xuất kinh doanh của các chủ hộ, cơ sở sản xuất và tay nghề của người lao động trong các làng nghề còn hạn chế. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… thiếu nguồn hàng hoá tập trung đủ lớn để cung ứng cho thị trường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn do thiếu sức cạnh tranh, thiếu thông tin về thị trường nên việc mở rộng tiêu thụ hàng hoá phát triển chậm.

Quá trình đô thị hoá và chuyển dịch lao động nông thôn vào các khu công nghiệp làm lao động làng nghề biến động. Lao động có tay nghề cao đi tìm việc làm tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp có thu nhập khá và ổn định hơn. Môi trường một số làng nghề đã và đang bị ô nhiễm do sự phát triển tự phát và sử dụng những công nghệ sản xuất lạc hậu.

Ngoài ra, nguồn chất thải trong quá trình sản xuất cũng hầu như không được xử lý, đã đưa đến tình trạng ô nhiễm nặng nề ở một số khu vực sản xuất tập trung dân cư. Chi phí cho việc khắc phục ô nhiễm làng nghề là vấn đề phải đặt ra cần phải được giải quyết triệt để.

Công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề chưa được chú trọng triển khai thực hiện. Kỹ thuật, công nghệ đang sử dụng tại làng nghề chủ yếu là thủ công, cổ truyền, mức độ, hàm lượng khoa học – công nghệ còn thấp. Mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với các nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trường còn lỏng lẻo, chưa gắn bó chặt chẽ.

Thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu cho các làng nghề dẫn đến việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất tự phát, thu hẹp vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh… không có nguyên vật liệu đồng nghĩa với sự mai một của các làng nghề.

Chính sách vay vốn còn hạn chế khi các hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp về ngành nghề nông thôn gặp trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chủ yếu về mặt cơ chế tín dụng và thủ tục vay vốn. Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn chưa đẩy mạnh việc áp dụng và đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất, nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và giá thành, cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm.

Các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với du lịch còn ít; năng lực quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề chưa được quan tâm đúng mức để tăng cường giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm…

Để giải quyết những khó khăn, hạn chế nói trên, trong thời gian tới tỉnh Cà Mau cần rà soát lại quy hoạch, tiếp tục định hướng phát triển làng nghề trong tương lai. Bảo tồn, củng cố, phát huy các giá trị làng nghề gắn với phát triển kinh tế – xã hội. Quan tâm đến nội dung truyền nghề, dạy nghề đối với các ngành nghề truyền thống. Nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm hàng hoá, mở rộng sản xuất kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của các làng nghề.

Đẩy mạnh và phát triển một số ngành nghề mới trên lĩnh vực ngư – nông – lâm nghiệp sản xuất hàng hoá đặc trưng ở địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu, tăng cường sản xuất sản phẩm hàng hoá thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú phục vụ phát triển du lịch.

Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân bằng việc thực hiện có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2020; chú trọng huy động các nguồn lực phục vụ dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn. Mở rộng các hình thức đào tạo nghề với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới.

Xử lý các vấn đề gây ô nhiễm môi trường của các làng nghề. Đặc biệt chú trọng đến vai trò của làng nghề trong phát triển kinh tế – xã hội; thời cơ và thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đối với hoạt động của các làng nghề; cơ chế chính sách ổn định và phát triển các làng nghề bền vững, cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản góp phần phục vụ làng nghề; nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề.

Rà soát, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định bảo đảm cho các làng nghề phát triển bền vững. Khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của doanh nghiệp, các viện, trường, các nhà khoa học, các thành phần kinh tế… nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất, tạo cơ hội cho người dân ứng dụng công nghệ mới trong phát triển làng nghề.

Thanh Trà (BCM)
Tin cùng chuyên mục
Tin khác