Xem xét hỗ trợ khẩn cấp cho 30 địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai cực đoan xảy ra trên các vùng miền, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tập trung chính vào các loại hình thiên tai là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Căn cứ theo quy định của pháp luật, khi có thiên tai xảy ra, các địa phương đã chủ động xử lý và báo cáo kịp thời. Vừa qua, Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ khẩn cấp 4000 tỷ đồng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khắc phục hậu quả sạt lở.
Căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, xuất phát từ thực tế, 30 tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đã đề xuất hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, di dời dân cư vùng thiên tai, khắc phục khẩn cấp hậu quả sạt lở.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại 23 địa phương, rà soát và tổng hợp số liệu, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổng hợp và đề nghị xem xét hỗ trợ khẩn cấp hơn 5000 tỷ đồng để các tỉnh khắc phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và di dời, bố trí sắp xếp dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Nhấn mạnh việc khắc phục hậu quả thiên tai đòi hỏi phải "quyết nhanh", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành trao đổi, cho ý kiến để thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, xử lý kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, nhấn mạnh việc khắc phục hậu quả phòng chống thiên tai là vấn đề cấp bách, đòi hỏi phải quyết định kịp thời, nếu không "tính cấp bách sẽ không còn".
Dẫn chiếu các quy định của Luật Phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao việc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai đã tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế tại các địa phương, đồng thời đã tổng hợp nhu cầu của các địa phương, báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trao đổi một số nội dung liên quan đến quy định sử dụng nguồn kinh phí, danh mục dự án đề xuất hỗ trợ,…
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm cùng với địa phương khắc phục hậu quả thiên tai để bảo đảm đời sống nhân dân.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã thành lập tổ công tác, khảo sát tại 23 tỉnh, các tỉnh còn lại trực tiếp Ban Chỉ đạo đi kiểm tra. Tại cuộc họp, các bộ ngành đã có ý kiến liên quan đến trình tự, thủ tục; nguồn dự phòng ngân sách trung ương;…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm về số liệu, nội dung, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, bảo đảm sử dụng đúng quy định.
Đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai rà soát lại nội dung trình, tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, phối hợp với các bộ ngành, địa phương thống nhất danh mục, đảm bảo đúng đối tượng;… chậm nhất ngày 27/10 phải hoàn thiện tờ trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, bảo đảm kịp thời, hiệu quả./.
Theo Chinhphu.vn
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới