Diêm dân Bà Rịa - Vũng Tàu sống được nhờ muối được giá
Giá muối hạ dần nhưng vẫn cao hơn các năm trước
Ông Nguyễn Văn Gia, xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, hiện thời tiết thuận lợi, nắng gió nhiều nên 10ha muối của gia đình đang cho thu hoạch. Dự kiến vụ muối năm nay gia đình ông Gia sẽ thu hoạch khoảng 100 tấn muối.
Theo ông Gia, thời điểm này đã vào giữa mùa thu hoạch nên giá muối cũng đang hạ. Nếu không thuê ruộng mà giá giữ ở mức 1.500 đồng/kg như hiện nay thì diêm dân vẫn có lời.
"Mọi năm giá muối tầm 1 triệu/tấn thì chỉ vừa đủ vốn chứ không có lời, chỉ ruộng nhà, công nhà thì mới có lời. Còn vụ muối năm nay nếu giá muối giữa mức giá 1.500 đồng/kg đến cuối mùa thì có lợi nhuận khoảng 500.000/tấn" -ông Gia chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Văn Vương, xã viên Hợp tác xã Chợ Bến, huyện Long Điền cho biết, vụ muối 2022- 2023 mưa nhiều nên thời gian thu hoạch muối của diêm dân bị rút ngắn, sản lượng không cao nhưng nhờ muối năm nay có giá nên cũng mừng.
Theo anh Vương: "Vụ muối từ ra Tết đến giờ giá vẫn ổn định, năm ngoái giá muối chỉ ở mức 800.000-900.000/tấn, năm nay có thời điểm giá muối lên đến 2,5 triệu đồng/tấn. Diêm dân chỉ sợ giá này không kéo dài được vì hiện nay đã là tháng 3, đến 30/4-1/5 bắt đầu có mưa trở lại nên mùa muối của bà con bị rút ngắn lại".
Giữ nghề muối Long Sơn
Theo ông Phạm Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, hiện cả xã có gần 188 ha muối. Chính quyền vận động diêm dân giữ diện tích muối, giữ nghề truyền thống của địa phương, giữ thương hiệu muối Long Sơn.
Ông Toàn chia sẻ: "Nghề làm muối ở Long Sơn là nghề truyền thống, nổi tiếng từ trước đến nay. Người làm nước nắm ở Phú Quốc (Kiên Giang) chỉ mua muối của diêm dân Long Sơn vì độ đạm nước nắm chất lượng. Diêm dân cũng muốn gắn bó với nghề muối truyền thống, tuy nhiên việc quy hoạch đô thị sẽ ảnh hướng đến làng nghề truyền thống làm muối xưa nay".
Hiện nay, bà con diêm dân ở Bà Rịa- Vũng Tàu đã biết áp dụng kỹ thuật mới từ khâu lấy nước vào đồng ruộng cho đến khâu trải bạt, thay thế cách làm thủ công, cho ra hạt muối có giá trị kinh tế cao hơn. Mong mỏi còn lại của diêm dân là hạt muối làm ra bán được giá, ổn định đầu ra để có thể sống được bằng ruộng muối./.
Theo VOV
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi